Lào Cai nhân rộng mô hình thanh niên làm kinh tế nông thôn

10 năm qua, nhiều thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số ở tỉnh Lào Cai đã xung kích đi đầu làm giàu chính đáng trên quê hương. Nhiều mô hình thể hiện sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, góp phần thay đổi cuộc sống của người dân vùng cao.

Mô hình trồng cà chua trong nhà lưới của thanh niên huyện Sa Pa (Lào Cai) cho năng suất cao. Ảnh: ÐĂNG KHOA
Mô hình trồng cà chua trong nhà lưới của thanh niên huyện Sa Pa (Lào Cai) cho năng suất cao. Ảnh: ÐĂNG KHOA

Mô hình “Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với phát triển du lịch” của Hợp tác xã rau củ quả Thắng Lợi trở thành một hình thức trải nghiệm độc đáo, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và mua sản phẩm.

Tại Lào Cai, các cấp bộ Ðoàn thanh niên duy trì chín Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế cấp huyện, thành lập mới và duy trì 85 Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế cấp xã; bảo đảm hoạt động có hiệu quả các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên; xây dựng 243 mô hình thanh niên phát triển kinh tế có thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên. Ðể hỗ trợ các mô hình làm kinh tế hay, hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Lào Cai chỉ đạo các cấp bộ Ðoàn phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt các công đoạn ủy thác.

Ðến nay, tổng dư nợ do đoàn viên, thanh niên quản lý là 672 tỷ đồng với 16.855 hộ vay vốn và 564 tổ vay vốn tiết kiệm. Các cấp bộ Ðoàn duy trì chín Ðội thanh niên xung kích chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tại chín huyện, thành phố. Qua đó, các cấp bộ Ðoàn thanh niên tổ chức 846 đợt tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cho 34.509 đoàn viên, thanh niên và nhân dân; giúp đỡ 5.058 hộ nghèo, 3.180 hộ cận nghèo do thanh niên làm chủ về vốn, con giống, cây giống…

Từ năm 2015 đến năm 2018, có 15 công trình cầu nông thôn do Tỉnh đoàn Lào Cai làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 14,9 tỷ đồng, góp phần quan trọng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã khó khăn. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Lào Cai đã lên kế hoạch giúp đỡ 22 xã biên giới xây dựng nông thôn mới.

★ Long An đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục

Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Long An, từ năm 2020, ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh thực hiện Dự án Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường và trong công tác đổi mới quản lý giáo dục. Tổng kinh phí thực hiện hơn 47 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách địa phương. Trong đó, hơn 45 tỷ đồng để trang bị khoảng 1.100 bộ máy tính, thiết bị phục vụ công tác quản lý, giảng dạy ở các cấp mầm non đến trung học phổ thông.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường và trong công tác đổi mới quản lý giáo dục nhằm nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước tin học hóa tất cả các quy trình quản lý trong ngành giáo dục, giúp việc tiếp nhận và cung cấp thông tin giáo dục cho xã hội tốt hơn. Mục tiêu là hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông của hệ thống trường, lớp học, đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo tin học trực tuyến, rèn luyện kỹ năng thực hành của học sinh, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến ngành giáo dục; nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên trong công tác giảng dạy, thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.