“Làng đô thị xanh” ở thành phố hoa

Làng xóm nằm dọc theo thung lũng, tạo sự tiếp nối không gian đô thị, phát huy sự tiện nghi của đô thị giữa vùng nông thôn, ở đó chất lượng cuộc sống của cư dân được nâng cao,... Đó là những phác họa về mô hình “Làng đô thị xanh” sẽ được xây dựng trên cao nguyên Lâm Viên, theo định hướng quy hoạch chung TP Đà Lạt (Lâm Đồng) và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Một góc trung tâm thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Một góc trung tâm thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Lợi thế từ “thành phố vườn”

Tình cờ, trên “thành phố vườn” Đà Lạt, tôi được gặp bà L.Crít-xtin, Trưởng phòng quy hoạch - đô thị của Công ty Intersene (Pháp), người từng tham gia nhiều dự án quy mô lớn, trong đó có dự án “Great Paris”. Bà đang được Công ty Intersene giao chủ trì nhóm nghiên cứu quy hoạch chung TP Đà Lạt mở rộng. Theo bà, những “Làng đô thị xanh” có nhiệm vụ mở rộng TP Đà Lạt đều về các hướng, tạo nên bức tranh cảnh quan mới của một “thành phố vườn” quy mô lớn, làm mới hình ảnh và tên tuổi một địa danh du lịch, kết hợp thiên nhiên và văn hóa.

Quy hoạch chung xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận đã xác định phát triển thành phố trở thành vùng đô thị hiện đại mang đẳng cấp quốc tế, với ưu thế nổi trội về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, cũng như văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc. Để hiện thực hóa những mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Lạt, cho phép tỉnh Lâm Đồng thực hiện mô hình “Làng đô thị xanh”. Thứ trưởng Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh khẳng định: Đây là mô hình thí điểm đầu tiên trong cả nước và cũng là mô hình chưa phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Với độ cao trung bình 1.500 m so mực nước biển, được các dãy núi cùng quần hệ thực vật rừng bao quanh, Đà Lạt thừa hưởng một khí hậu ôn hòa và dịu mát quanh năm. Thế kỷ 19, người Pháp đã đặt chân đến Đà Lạt và phác họa tương lai xứ sở này sẽ trở thành “thủ đô mùa hè” của Đông Dương. Từ một vùng hoang sơ, nhưng với những đặc điểm nổi bật và lợi thế khác biệt về khí hậu, thổ nhưỡng, cùng ý tưởng định hình quy hoạch đầu tiên của các kiến trúc sư người Pháp, sau hơn 100 năm hình thành, Đà Lạt đã trở thành một thành phố du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng cả trong nước và quốc tế, đang hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô rộng lớn.

Nhiều chuyên gia, kiến trúc sư cho rằng, Đà Lạt ngay từ khi ra đời đã mang “công năng gốc” là thành phố nghỉ dưỡng, trí tuệ và thanh lịch. “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” hay “thành phố vườn” - những tên gọi này nhiều lần được nhắc tới một cách cẩn trọng trong quy hoạch phát triển Đà Lạt, với nhiều mảng xanh, những cung đường nhàn du, thấp thoáng bên sườn đồi thơ mộng,...

Đà Lạt hôm nay đã trở thành một trung tâm văn hóa, kinh tế - chính trị của tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, trước áp lực của quá trình phát triển đô thị, Đà Lạt đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, bộ mặt kiến trúc, cảnh quan đô thị thiếu thẩm mỹ, diện tích cây xanh và mặt nước bị thu hẹp, hệ thống hạ tầng đô thị quá tải... Để phát triển bền vững, Đà Lạt cần có những định hướng, trong đó, phát triển theo hướng đô thị xanh, phát huy lợi thế từ công năng gốc thành phố vườn đang được lựa chọn. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt, mô hình Làng đô thị xanh được xem là một gợi ý tích cực, góp phần giúp Đà Lạt phát triển xanh và bền vững, cải thiện điều kiện sản xuất, nâng cao đời sống của một bộ phận cư dân, nhưng vẫn không ảnh hưởng đến mô hình phát triển của đô thị hiện đại, giàu bản sắc Đà Lạt.

Bà L.Crít-xtin khẳng định một cách đầy tâm huyết và hứng khởi: Đà Lạt có nhiều lợi thế để xây dựng thành công Làng đô thị xanh. Bởi thành phố này hội tụ tất cả không gian cảnh quan tiêu biểu, đặc trưng nhất của một đô thị trong rừng, đô thị nghỉ dưỡng; hệ thống sản xuất nông nghiệp nội đô rất tốt,... Còn theo Viện trưởng Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia Ngô Trung Hải, với xu hướng phát triển đô thị xanh như hiện nay, Làng đô thị xanh là thuật ngữ dùng để mô tả một nơi trong đô thị có các đặc điểm của một ngôi làng. Sản phẩm nông nghiệp là chủ yếu, cư dân là nông dân hoạt động như công nhân; có dịch vụ tương đương và có xu hướng chuyển dịch các sản phẩm phục vụ đô thị. Làng đô thị xanh có hạ tầng của đô thị. Một số chuyên gia nhận định, Làng đô thị xanh là khái niệm mới trong phát triển hình thái không gian ở Việt Nam. Có thể nói, nó là sự tích hợp các yếu tố tích cực từ mô hình “Làng đô thị” và “Đô thị xanh”.

Định danh “Làng đô thị xanh”

Trên thế giới, một số quốc gia đã xây dựng thành công các đô thị xanh, đô thị sinh thái. Loại hình này chính thức ra đời từ những năm 80 của thế kỷ trước như: Cu-ri-ti-ba (Bra-xin), Thanh Đảo, Bắc Hải (Trung Quốc), Xtốc-khôm (Thụy Điển), Phrây-buốc (CHLB Đức), Vơ-gi-ni-a (Mỹ),... Đô thị xanh được xem là một sự lựa chọn cho các mô hình phát triển đô thị hiện nay tại nhiều thành phố, nhất là trong bối cảnh hiện đại hóa và tác động của biến đổi khí hậu do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Các chuyên gia cũng đánh giá, mô hình này cũng chính là xu hướng thế giới “chữa bệnh” đô thị hóa quá nhanh, giúp cân bằng với thiên nhiên, các nguồn sản xuất.

Ở nước ta, những năm qua, khái niệm “đô thị xanh” được các bộ, ngành và nhiều địa phương quan tâm, song còn nhiều quan điểm khác nhau. Ban đầu, Hội Môi trường xây dựng Việt Nam đề xuất “đô thị xanh” ở Việt Nam cần bảy tiêu chí “xanh” (về không gian, công trình, giao thông, công nghiệp, chất lượng môi trường đô thị, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên,...). Còn TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra khái niệm: Làng đô thị xanh là một phân khu đô thị có quy mô hợp lý, kết cấu phức hợp của một đô thị song có tất cả các đặc điểm của làng, không gian quy hoạch kiến trúc công trình hạ tầng đô thị hài hòa, đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống xã hội của người dân theo xu hướng xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc Thủ tướng Chính phủ cho phép Lâm Đồng nghiên cứu, xây dựng thí điểm mô hình Làng đô thị xanh tại Đà Lạt sẽ tạo đột phá trong quy hoạch phát triển đô thị đặc thù, giải quyết những bất lợi trong quá trình đô thị hóa tại Đà Lạt và vùng phụ cận. Đây cũng là dịp để Lâm Đồng tái hiện lại giá trị gốc của Đà Lạt xưa, thông qua mô hình định cư mới: Làng đô thị xanh. Tỉnh Lâm Đồng đã công bố sáu khu vực, địa điểm thực hiện đầu tư xây dựng Làng đô thị xanh tại Đà Lạt và vùng phụ cận. Bước đầu, đề xuất mỗi “Làng đô thị xanh” có quy mô diện tích từ 100 đến 150 ha, dân số từ 10 đến 15 nghìn người; kiến trúc nhà biệt lập mái dốc và nhà vườn, kết cấu hạ tầng hiện đại, thông minh, không can thiệp “thô bạo” vào địa hình tự nhiên,... Trong đó, thôn Đa Lộc, xã Xuân Thọ được chọn thí điểm đầu tiên, với diện tích quy hoạch khoảng 180 ha. Đây là vị trí thuận lợi, gần quốc lộ 20 kết nối về đô thị trung tâm Đà Lạt với khoảng cách 10 km, có những triền dốc đẹp và cư dân hiện hữu đang chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao,... Sở Xây dựng Lâm Đồng và Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đang triển khai đề án thí điểm, dự kiến, trong quý IV-2016 hoàn thiện và lấy ý kiến góp ý từ các cấp thẩm quyền, thông qua.

Cụ Đoàn Thị Cúc (thôn Đa Lộc, xã Xuân Thọ) đã gắn bó với miền đất này hơn 70 năm, thổ lộ: "Nếu Nhà nước xây dựng làng kiểu mới ở đây thì tốt quá. Người dân chúng tôi rất mong chờ mô hình mới thành hiện thực. Khu này đất lành, rồi đời sống của người dân sẽ khá hơn". Năm 2013, xã Xuân Thọ là một trong những xã đi đầu của Lâm Đồng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Thôn Đa Lộc có khoảng 80 hộ dân, phần lớn đi theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Đại bộ phận các hộ dân đều rất ủng hộ chủ trương xây dựng Làng đô thị xanh vì chắc chắn cơ sở hạ tầng sẽ được đầu tư bài bản; ở nông thôn, nhưng chất lượng sống như đô thị và sẽ phát triển du lịch mạnh mẽ. Hằng năm, Đà Lạt đón khoảng năm triệu lượt du khách tham quan, nghỉ dưỡng. Mô hình Làng đô thị xanh được kỳ vọng là “thỏi nam châm” hút cư dân đô thị và du khách về đây. Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến gợi mở: Với tính chất đặc thù, Làng đô thị xanh còn có hệ thống hạ tầng và dịch vụ tiện ích cho người dân, là điểm du lịch với sản phẩm độc đáo, gần gũi thiên nhiên, có mối quan hệ thân thiện, gần gũi giữa du khách với cư dân trong làng. Làng đô thị xanh còn có thể duy trì và phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống,...

Theo ý kiến các chuyên gia tư vấn, để xây dựng thành công mô hình này, điều kiện tiên quyết là phải có chính sách, biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát diện tích phát triển đô thị. Các cơ quan chức năng phải thiết kế mô hình sáng tạo, kết hợp được không gian đô thị và nông thôn, bảo đảm yếu tố thân thiện môi trường, như thế mới tạo ra được một “đô thị vườn” như Đà Lạt vốn có. Làng đô thị xanh khi đó sẽ níu giữ thật lâu bước chân của du khách trên hành trình khám phá thành phố hoa đầy dịu dàng và mê đắm.