Góc nhìn

Lạm phát và lãi suất ngân hàng

Về nguyên tắc, lãi suất ngân hàng (NH) phụ thuộc vào quan hệ cung cầu vốn và mức lạm phát của nền kinh tế. Trong những năm lạm phát cao, diễn biến của lãi suất luôn được gắn chặt với lạm phát dẫn đến hiện tượng lãi suất huy động luôn phải bảo đảm yếu tố thực dương (lãi suất danh nghĩa luôn phải cao hơn lạm phát kỳ vọng trong năm đó) để tránh hiện tượng người dân rút tiền khỏi ngân hàng. Những năm trước đây, lãi suất thực dương thường chỉ dao động ở mức 2 đến 3%. Mặc dù CPI năm 2015 ở mức thấp kỷ lục nhưng một nghịch lý đang diễn ra là mặt bằng lãi suất lại không có những chuyển động tương ứng cùng chiều với CPI, con số này của năm nay hiện đã tăng lên mức 6 đến 7% (tùy từng NH).

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện mặt bằng lãi suất huy động VND đang phổ biến ở mức 0,8 đến 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng; 4,5 đến 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng; 5,4% đến 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4% đến 7,2%/năm. Tuy nhiên, hiện tại nhiều NH đã điều chỉnh tăng thêm lãi suất huy động. Lãi suất huy động như vậy, nên lãi suất cho vay hiện vẫn chưa thể giảm tiếp, tùy kỳ hạn ở mức từ 7 đến 10%.

Năm 2016, sức ép lên lãi suất sẽ mạnh hơn, khó giảm tiếp, với những lý do sau: Lạm phát kỳ vọng năm 2016 tuy vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, dự báo 2,5 đến 3%, nhưng nếu NH tiếp tục hạ lãi suất, thì có khả năng tiền từ dân cư sẽ chảy sang kênh đầu tư khác sinh lời hấp dẫn hơn, như bất động sản, chứng khoán,… Nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2016 sẽ lớn hơn do mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm 2015. Đối với nước ta, nguồn vốn này chủ yếu huy động qua NH thương mại chiếm 75%.

Bội chi ngân sách luôn ở mức cao, nợ công có xu hướng tăng nhanh. Để bù đắp bội chi ngân sách, cần phải huy động trái phiếu trong và ngoài nước. Hiện nay, hệ thống NH thương mại vẫn nắm giữ lượng trái phiếu Chính phủ rất lớn. Năm 2016, nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ cũng cao, điều này gây áp lực tới lãi suất. Năm 2015, lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm huy động từ 4,8% đến 6,5%/năm, kho bạc nhà nước trong phiên đấu thầu gần nhất cũng đã phải nâng nhẹ lãi suất thêm 0,15% tại kỳ hạn 5 năm mà cũng chỉ huy động được 18% khối lượng gọi thầu. Điều đó cho thấy, kỳ vọng tăng lãi suất của thị trường vẫn đang hiện hữu. Do vậy, năm 2016 khó có thể giảm lãi suất hơn nữa. Khi lãi suất trái phiếu tăng lên thì các NH thương mại không thể hạ lãi suất huy động. Nếu NH thương mại hạ thấp hơn nữa thì sẽ rơi vào bẫy thanh khoản.

Một lý do khác khiến lãi suất cho vay khó có thể giảm như mong muốn chính là nợ xấu. Mặc dù nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,72%, hoàn thành mục tiêu đề ra là dưới 3%, nhưng về thực chất nợ xấu chưa được giải quyết tận gốc. Thực tế, dù có chuyển qua VAMC đưa ra ngoại bảng thì với nợ xấu chưa xử lý được, các NH thương mại vẫn phải trích lập dự phòng 20%/năm. Cùng với đó, tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng chi phí của các NH thương mại tại Việt Nam từ 16% đến 23%, trong khi các ngân hàng trong khu vực chỉ 11% đến 14%. Nguyên nhân không phải do trình độ quản lý của các NH thương mại quá yếu kém mà vì nợ xấu khiến chi phí tăng mạnh. Vì vậy dù NHNN có muốn giảm lãi suất thì chính các NH thương mại cũng khó có thể làm được.

Điều hành lãi suất năm 2016 sẽ là khó khăn và nhiều thách thức. Đa phần các dự báo đều cho rằng, mặt bằng lãi suất từ năm 2016 khó giảm được, thậm chí giữ ở mức như hiện nay cũng đã là một thành công.