Lạc quan về triển vọng sản xuất kinh doanh


Những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong những năm gần đây đã củng cố niềm tin mạnh mẽ của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài và cộng đồng quốc tế khi bỏ vốn làm ăn ở Việt Nam. Dự cảm triển vọng kinh tế Việt Nam khá sáng sủa, nhiều cơ hội bứt phá trong năm mới.

Doanh nghiệp tăng vốn, mở rộng quy mô

Trong gần 517 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam năm 2019, lần đầu tiên đã có sự đóng góp của ô-tô thương hiệu Việt được thiết kế hoàn toàn mới, do Công ty cổ phần Ô-tô Trường Hải (Thaco) sản xuất. Doanh nghiệp (DN) này vừa xuất khẩu sang Phi-li-pin 15 chiếc xe buýt Thaco với tỷ lệ nội địa hóa hơn 45%, sử dụng động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5, không chỉ góp phần từng bước cân bằng cán cân thương mại mà còn khẳng định khả năng hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam. Mặc dù giá trị xuất khẩu của Thaco mới đạt khoảng 50 triệu USD, nhưng đây là sự kiện ý nghĩa, đưa Việt Nam thành quốc gia có vị trí trong bản đồ công nghiệp ô-tô thế giới, tạo cơ sở hình thành cơ cấu xuất nhập khẩu theo đúng định hướng bền vững hơn.

Một tập đoàn kinh tế tư nhân khác là Vingroup cũng đang ấp ủ giấc mơ xuất khẩu ô-tô điện vào thị trường Mỹ từ năm 2021. Giữa năm 2019, Vingroup đã hoàn thành giai đoạn 1 tổ hợp sản xuất ô-tô VinFast tại Hải Phòng, công suất 250 nghìn xe/năm, tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD. Hiện nay, Vingroup đang cơ cấu lại lĩnh vực sản xuất, tập trung mọi nguồn lực cho phát triển công nghiệp ô-tô và ngành công nghiệp phụ trợ, trong đó tập trung vào ô-tô điện. Quy mô thị trường có tính chất quyết định đối với ngành công nghiệp ô-tô và việc mở rộng được thị trường xuất khẩu sẽ giúp sản lượng của DN tăng lên, kéo theo sự phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, trở thành ngành công nghiệp dẫn dắt. Những chuyển động tích cực từ những tập đoàn như Thaco, Vingroup là tín hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế, khẳng định DN trong nước đã dần có vị thế trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực chính của tăng trưởng GDP những năm gần đây. Đồng thời, cho thấy cơ cấu DN Việt Nam bắt đầu có sự chuyển dịch tích cực, đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn tham gia đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Nhận xét về những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2019, Cục trưởng Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) Lê Mạnh Hùng, nhấn mạnh đến “sức khỏe” của cộng đồng DN. Đó là tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ, thể hiện qua số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng liên tục trong 5 năm gần đây. Trung bình giai đoạn 2016-2019, mỗi năm có gần 130 nghìn DN thành lập mới. Riêng năm 2019 có gần 140 nghìn DN mới được thành lập với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, vốn bình quân một DN đạt 12,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, số DN quay trở lại tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh tăng nhanh trong năm 2019 với hơn 40 nghìn DN tăng vốn với tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế đạt hơn 2,27 triệu tỷ đồng, cao hơn tổng số vốn của các DN thành lập mới. Theo Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam Nguyễn Văn Thân, đây là tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế vì DN có lợi nhuận mới tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư quy mô lớn. Nguồn lực này là “tiền tươi, thóc thật” bổ sung vào nền kinh tế, trực tiếp tạo ra công ăn việc làm và đóng góp nghĩa vụ vào ngân sách nhà nước. Nhìn vào con số tăng trưởng này có thể tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng năm 2020 và những năm tới.

Theo kết quả khảo sát nhanh trên “Hệ thống đánh giá tổng thể hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp online” do Bộ KH và ĐT thực hiện thí điểm, 76,3% số DN cho biết có kế hoạch mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh trong năm 2020; 62,8% có kế hoạch sử dụng lao động tăng lên trong các năm tiếp theo và 90% dự kiến mở rộng thị trường trong nước. Còn theo Báo cáo “Kinh doanh xuyên lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2019-2020” của PwC, 44% số lãnh đạo DN APEC tại Việt Nam có kế hoạch tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong năm tới, giúp Việt Nam tiếp tục là điểm thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu; 49% rất lạc quan về tăng trưởng doanh thu trong năm tiếp theo, so với chỉ số trung bình trong khối APEC là 34%; 62% kỳ vọng sẽ tăng cường đầu tư, tỷ lệ này cao hơn ở các nền kinh tế mạnh khác, như: Trung Quốc, Nhật Bản và Xin-ga-po.

Tạo sức lan tỏa, mạnh mẽ

Ông Nguyễn Văn Thân đánh giá cao dấu ấn của Chính phủ kiến tạo trong sự tăng trưởng mạnh mẽ của cộng đồng DN, nhất là trong hai năm 2018-2019. Những cải cách của Chính phủ và các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển DN đã thật sự tạo khí thế cho người dân và DN yên tâm rót vốn đầu tư. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, việc cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN được các bộ, ngành tích cực triển khai, nhất là khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp 5 dịch vụ công trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối; 174 thủ tục hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia xấp xỉ 2,34 triệu bộ hồ sơ và hơn 31,8 nghìn DN tham gia. “Liên quan đến thủ tục thuế, việc triển khai cơ chế khai, nộp thuế và hoàn thuế điện tử có tác động tích cực đến cộng đồng DN vì rút ngắn được thời gian làm thủ tục thuế, giảm phiền hà, tiêu cực, đem lại lợi ích kinh tế rất lớn. Những cải cách như vậy có hiệu quả, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho cả DN và xã hội”, ông Nguyễn Văn Thân nhận định.

Bộ KH và ĐT cho biết đến nay, gần 90% tổng số các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35 đã hoàn thành, niềm tin và kỳ vọng của các DN và nhà đầu tư về kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm tiếp theo tăng cao. Tuy nhiên, việc tình hình triển khai Nghị quyết vẫn còn một số khó khăn và hạn chế. Cụ thể, cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt một số kết quả nhưng mức độ còn thấp so với các nước khác. Các DN tiếp tục có các phản ánh, kiến nghị liên quan tới thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, sự mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý, chưa tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước... Một số lĩnh vực cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất, vẫn còn gần 20% số DN được khảo sát cho biết vẫn bị thanh, kiểm tra hai lần/năm. Một số chính sách đề ra nhưng chưa đi vào cuộc sống như: ưu đãi thuế thu nhập DN cho các DNNVV; ưu đãi về tín dụng, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ mặt bằng sản xuất…

Do đó, việc tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 35 ở cả Trung ương và địa phương là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự tăng trưởng DN trong năm 2020. Trong đó, ở cấp Trung ương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hoàn thiện cơ chế chính sách và đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; rà soát cắt giảm đến mức thấp nhất các thủ tục hành chính; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV; triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển bền vững DN tư nhân, trong đó khuyến khích DN áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên… Các địa phương cần xác định lợi thế và tiềm năng để định hướng phát triển DN, tạo động lực tăng trưởng bứt phá, bền vững. Chủ động xây dựng, lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp đối với DN tư nhân vào các chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ phát triển DN của địa phương. Đối với các DN, cần tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt các công nghệ lõi có tính tiên phong. Chủ động đổi mới tư duy, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ, tiến tới nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững: sản xuất sạch, xanh, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường…

Tính đến cuối năm 2019, cả nước có khoảng 760 nghìn DN đang hoạt động. Cơ cấu DN đang thay đổi tích cực, tỷ trọng DN quy mô vừa có xu hướng tăng trong khi tỷ trọng nhóm DN siêu nhỏ giảm đi. Sự linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh cũng có bước tiến quan trọng, được các tổ chức uy tín trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)