Kim ngạch xuất khẩu nông sản 2018 đạt kỷ lục hơn 40 tỷ USD

NDO -

NDĐT - Từ năm 2013-2018, công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có bước phát triển mạnh trên cả quy mô và mức độ hiện đại so với 5 năm trước. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm đạt khoảng 5-7%. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8-10%/năm; năm 2018 đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD.

Hội nghị toàn quốc công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông - lâm - thủy sản.
Hội nghị toàn quốc công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông - lâm - thủy sản.

Số liệu trên được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông - lâm - thủy sản, diễn ra tại Đà Nẵng sáng 10-7, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Thời gian qua, công nghiệp chế biến nông sản đã đạt được nhiều kết quả to lớn, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định kinh tế - xã hội của đất nước.

Cả nước đã có hơn 7.500 cơ sở chế biến bảo quản nông sản với quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu; hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình. Nền nông nghiệp phát triển đa dạng theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn nhằm cung cấp nguyên liệu đầu vào cho chế biến, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Các nhà máy chế biến nông - lâm - thủy sản đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng. Sản phẩm chế biến nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 180 nước và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản sáu tháng đầu năm 2019 ước đạt 19,75 tỷ USD.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn còn chậm; việc rà soát, loại bỏ các vật tư nông nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt nam chưa thường xuyên; hoạt động giám sát, cảnh báo, thanh tra xử lý vi phạm chưa kịp thời…

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, những khó khăn khách quan và chủ quan đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho ngành nông nghiệp nói chung, công tác bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản nói riêng trong năm 2019 và các năm tới. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các tỉnh, thành phố trong cả nước, cần tập trung hoàn thiện thể chế nâng cao hiệu quả quản lý và tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản; đẩy mạnh công tác mở cửa, phát triển thị trường đối với các ngành hàng chủ lực; xây dựng, mở rộng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn kết hợp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; phát triển hợp tác xã, liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc gắn với xúc tiến thương mại, phát triển thị trường...