Kiên quyết xử lý cán bộ nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp

NDO -

Kiên quyết xử lý cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp là một trong những giải pháp được lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Điện Biên đề xuất tại hội nghị tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 đến nay.

Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Điện Biên phản ánh khó khăn do chậm thực hiện thủ tục hành chính tại một số sở, ngành.
Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Điện Biên phản ánh khó khăn do chậm thực hiện thủ tục hành chính tại một số sở, ngành.

Hội nghị này do UBND tỉnh Điện Biên tổ chức sáng 10-7.

Báo cáo chi tiết kết quả thực hiện sáu nội dung trong chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước thời gian qua của Điện Biên nêu rõ, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính được thực hiện hiệu quả, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND các cấp ban hành tuân thủ trình tự, thủ tục, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp thực tiễn. Chỉ số cải cách hành chính của Điện Biên năm 2019 đạt 81,42 điểm (tăng 4,42 điểm so với năm 2018), xếp hạng thứ 27/63 tỉnh thành phố.

Sau tám năm Bộ Nội vụ đánh giá kết quả CCHC thông qua các tiêu chí chấm điểm (từ năm 2012 đến 2019) tỉnh Điện Biên đã có bốn năm liên tục (2016-2019) không nằm trong top 3 tỉnh xếp thứ hạng cuối trong bảng xếp hạng chỉ số CCHC cả nước, và là năm thứ ba liên tiếp chỉ số CCHC của tỉnh Điện Biên xếp trong nhóm các tỉnh có thứ hạng CCHC khá cao.

Năm 2019 Chỉ số cải cách hành chính Par-Index của tỉnh đạt 81,42 điểm tăng 4,42 điểm so với năm 2018, xếp hạng thứ 27/63 tỉnh thành phố trong cả nước.

Việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị (PAKN) của nhân dân được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận 37 PAKN về quy định hành chính và hành vi hành chính, các PAKN được cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và công khai kết quả xử lý trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Thực hiện tinh giản biên chế, từ năm 2015-2019 toàn tỉnh Điện Biên đã tinh giản 996 người, trong đó: CC hành chính cấp tỉnh, huyện là 76 người; viên chức sự nghiệp 781 người. Chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) được nâng lên, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính có nhiều chuyển biến.

Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của tỉnh Điện Biên do ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Điện Biên thông tin tại hội nghị, trong 128 tiêu chí thuộc 10 nhóm chỉ số thành phần trong bộ chỉ số PCI của tỉnh Điện Biên có 47 tiêu chí bị giảm điểm so với năm 2018. Trong những tiêu chí bị giảm điểm có một số chỉ số có ý nghĩa rất quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, như: tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp...

Do vậy, để nâng điểm tại những chỉ số trên, ông Nguyễn Phi Sông đề xuất giải pháp: Nâng cao đạo đức công vụ, đặc biệt là tinh thần, thái độ của CB, CC khi giao dịch với doanh nghiệp, người dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố ý gây sách nhiễu cho doanh nghiệp dẫn đến phát sinh chi phí không chính thức của doanh nghiệp.

Thừa nhận thực trạng việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận đất đai chưa như kỳ vọng, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Ngôn Ngọc Khuê cũng đề xuất giải pháp: Rà soát đội ngũ công chức, viên chức làm công tác quản lý đất đai các cấp; xử lý nghiêm và kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những CB, CC, VC có hành vi nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.

Ghi nhận ý kiến đóng góp trách nhiệm mà lãnh đạo các sở, ngành tham gia tại hội nghị, ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên thẳng thắn thừa nhận: Quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế: Công tác chỉ đạo, điều hành tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt; một bộ phận CBCC còn có biểu hiện lơ là, thiếu tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; một số chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh vẫn còn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước…

Để khắc phục những tồn tại trên đồng thời chấn chỉnh ngay ý thức, thái độ làm việc của một bộ phận CB, CC, ông Lê Thành Đô yêu cầu, phải tập trung đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở; các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quy trình nội bộ giải quyết TTHC; thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý biên chế gắn với thực hiện tinh giản biên chế; nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân.