Không để trượt đà tăng trưởng kinh tế

Bước qua quý I năm 2020 đầy biến động vì cú sốc bất ngờ do dịch Covid-19, dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu đã bộc lộ rõ. Các kịch bản cập nhật mới nhất đều dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới cả năm sẽ giảm về mức 0%, thậm chí là tăng trưởng âm đối với một số nền kinh tế. Vấn đề đặt ra là mỗi quốc gia phải hành động như thế nào để có sức chống chịu tốt nhất và sẵn sàng đưa kinh tế phục hồi ngay khi dịch bệnh được khống chế.

Trước tác động của dịch Covid-19, tăng trưởng GDP của Việt Nam quý I chỉ còn 3,82% so cùng kỳ năm 2019, là mức thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay. Dự báo tăng trưởng cả năm 2020, theo kịch bản cập nhật mới nhất của Ngân hàng Thế giới chỉ còn 4,9%, theo kịch bản của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cũng giảm xuống mức hơn 5%. Tuy nhiên, nhìn toàn cảnh thế giới chìm trong dịch Covid-19 thì đây vẫn là mức tăng trưởng khá và quan trọng là Việt Nam nỗ lực bằng mọi cách không để trượt đà tăng trưởng kinh tế. Những điểm sáng của bức tranh kinh tế quý I đến từ các ngành hóa dược liệu; than cốc và dầu mỏ tinh chế; sản xuất linh kiện điện tử; tài chính ngân hàng; thông tin truyền thông, y tế và trợ giúp xã hội, nhất là kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng 0,5% so cùng kỳ và tiếp tục duy trì được xu hướng xuất siêu. Dư địa chính sách chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam những quý còn lại vẫn tập trung vào chính sách tài khóa, tiền tệ. Nhưng cơ hội cũng nằm ở nhiều giải pháp quan trọng khác để tạo động lực cho tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục kéo dài và bất định, chưa xác định được đỉnh dịch cũng như thời điểm kết thúc.

Xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho năm 2020, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh đến những động lực tăng trưởng chính để Việt Nam giữ được mức tăng trưởng hơn 5%. Ðó là cải cách thể chế, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, nhất là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, bởi hệ số suất đầu tư (ICOR) của Việt Nam đã giảm dần trong từng giai đoạn nhưng vẫn cần cải thiện hơn nữa. Ngoài ra, nâng cao năng suất lao động là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế bởi năng suất lao động nếu tăng được 1% thì GDP toàn bộ nền kinh tế tăng 0,94%. Thực tiễn đòi hỏi cần có chính sách đưa hàng Việt Nam thay thế hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, nâng cao tính phù hợp và tiện ích của hệ thống bán lẻ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Ðồng thời, tăng năng lực sản xuất, quan tâm khai thác thúc đẩy thị trường trong nước phát triển đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế gần 100 triệu dân để thích ứng với diễn biến mới của tình hình cung-cầu đang ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Với nhiều giải pháp đang nỗ lực triển khai không để trượt đà tăng trưởng, nền kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi sau khi dịch Covid-19 kết thúc.