Góc nhìn

Khơi thông các nguồn lực để tăng trưởng

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với các chỉ tiêu cơ bản: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45 - 47%...

Trong bối cảnh khó khăn kép, nhất là trước diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, mức tăng trưởng 6% là thách thức. Ngay tại nghị trường, không ít ý kiến băn khoăn cho rằng nên điều chỉnh mục tiêu xuống mức "vừa tầm" để bảo đảm tính khả thi, nhưng cũng có nhiều ý kiến khích lệ đặt mục tiêu tăng trưởng cao là cần thiết để chúng ta nỗ lực phấn đấu bằng sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Theo giải trình của Chính phủ, việc đặt mục tiêu tăng trưởng cao cho năm tới là có cơ sở, vì dấu hiệu lạc quan của nền kinh tế Việt Nam đã xuất hiện từ cuối quý III với mức tăng trưởng GDP 2,62% sau khi chỉ tăng trưởng 0,39% ở quý trước. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, bao gồm công nghiệp chế biến, chế tạo; đầu tư công đã phục hồi mạnh mẽ; xuất siêu tiếp tục lập kỷ lục mới.

Cùng với đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) vẫn tiếp tục được duy trì mức hơn 50 điểm ở tháng thứ hai liên tiếp, cho thấy có sự cải thiện "sức khỏe" ở lĩnh vực sản xuất. Trong bối cảnh khó khăn được ghi nhận là chưa từng có trong lịch sử, Việt Nam vẫn là một trong số ít nước trên thế giới tăng trưởng dương với tăng trưởng GDP dự kiến cả năm 2020 đạt khoảng 2 - 3%. Trong dự báo mới nhất, Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra hai kịch bản về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 là 6,8% (kịch bản cao) và 4,5% (kịch bản thấp).

Việc đặt mục tiêu tăng trưởng cao cho năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới cũng tạo nền tảng vững chắc cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới. Trong thực tế, Việt Nam có không ít cơ hội và tiềm năng có thể nắm bắt để vươn lên mạnh mẽ, như các hiệp định thương mại tự do, cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế, chuyển đổi số, thương mại điện tử, nguồn nhân lực dồi dào,... Tuy nhiên, việc tận dụng cơ hội đến đâu hoàn toàn phụ thuộc vào sự chuẩn bị và năng lực tiếp nhận của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những bất cập nội tại chưa thể khắc phục và hiện nay càng trở nên thách thức trước tác động của đại dịch Covid-19 và thiên tai. Ðó là tình trạng bội chi ngân sách cao, nợ xấu ngân hàng có xu hướng tăng lên, trụ đỡ nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn do tình hình lũ lụt ở miền trung vẫn diễn biến phức tạp…

Để đạt mức tăng trưởng cao, tiến tới phục hồi kinh tế đi cùng với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo cần có giải pháp hiệu quả để khơi thông các nguồn lực và tiềm năng phát triển của đất nước. Ðồng thời ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, y tế cộng đồng để kiểm soát tốt dịch bệnh; có phương án chủ động ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và vật chất.