Khơi dòng vốn cho cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Sau khi dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nhận được 1.390 tỷ đồng vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, dự kiến hợp đồng tín dụng cho dự án sẽ được ký lại ngày 16-12 để bảo đảm đúng kế hoạch tiến độ đề ra. Có thể thấy, đến thời điểm này, với nguồn vốn tín dụng và vốn hỗ trợ từ ngân sách, những “nút thắt” dai dẳng khiến dự án tê liệt hơn một năm qua đã cơ bản được tháo gỡ.

Thi công nước rút trên công trường dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Thi công nước rút trên công trường dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận Hồ Minh Hoàng đánh giá, nguồn vốn ngân sách gần 1.400 tỷ đồng trong số 2.186 tỷ đồng đã được cấp về tỉnh Tiền Giang và giải ngân ngay, đã lập tức có hiệu quả, tác động tích cực đến dự án. Sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã tạo động lực rất lớn đối với nhà đầu tư và các đơn vị đang triển khai dự án. Từ chỗ bế tắc nhiều năm, dự án có sự chuyển biến lớn sau khi Tập đoàn Đèo Cả đồng ý tham gia quản trị doanh nghiệp và quản lý dự án, chỉnh đốn tổ chức thi công trên công trường đồng thời làm chủ đầu tư, đại diện cho các nhà đầu tư tham gia dự án. Bên cạnh đó, việc chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về UBND tỉnh Tiền Giang không chỉ giúp dự án được triển khai nhanh chóng mà các thủ tục để giải ngân vốn ngân sách hỗ trợ cũng được thực hiện rất nhanh, chỉ sau hơn hai tuần kể từ khi có quyết định giao vốn của Chính phủ.

Hiện nay, các bế tắc về vốn cơ bản được khơi thông, công ty đã làm việc với lãnh đạo ngân hàng đầu mối Vietinbank để soát xét lại các điều kiện giải ngân và khả năng đáp ứng của doanh nghiệp so với yêu cầu của các ngân hàng nhằm thúc đẩy việc ký hợp đồng tín dụng ngay vào giữa tháng 12 này để tiến tới giải ngân nguồn vốn tín dụng. Chủ đầu tư và ngân hàng sẽ cùng nhau xem xét, thương thảo tháo gỡ các điều kiện giải ngân còn gặp vướng mắc, trên tinh thần xác định dự án phải hoàn thành trong năm 2021, các bên đều thấu hiểu cần nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và khát vọng bao lâu nay của người dân trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có một tuyến cao tốc về miền tây.

Liên quan nguồn vốn tín dụng cho dự án, hiện nhóm ngân hàng tài trợ vốn do Vietinbank đứng đầu đã cơ bản chấp thuận tài trợ khoảng 7.000 tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp dự án góp 3.400 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, tương đương 32,4% tổng mức đầu tư. Theo đánh giá của ông Hồ Minh Hoàng, nguồn vốn thực hiện dự án đang trong tầm kiểm soát, tiến độ dự án sẽ được điều chỉnh khi đã xác lập chắc chắn thời gian nguồn vốn ngân sách còn lại của tỉnh, tiếp đến là phần giải ngân vốn tín dụng của ngân hàng trong thời gian tới. Trên cơ sở một phần nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án được giải ngân, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ tổ chức lập lại tiến độ thi công trên cơ sở giữ nguyên mốc hoàn thành dự án vào quý II - 2021 và điều chỉnh một số hạng mục nhằm bảo đảm thông tuyến vào cuối năm 2020. Phần vốn hỗ trợ ngân sách nhà nước còn lại, nhà đầu tư hy vọng UBND tỉnh Tiền Giang theo sát các cơ quan quản lý vốn để tiếp tục bố trí trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, dù nguồn vốn ngân sách 2.186 tỷ đồng và vốn vay tín dụng từ các ngân hàng chưa được cấp về, nhà đầu tư và các nhà thầu thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn chủ động tìm mọi nguồn vốn để duy trì tiến độ thi công. Chỉ khoảng sáu tháng, khối lượng thi công đã đạt khoảng 27%, tăng 17% trong khi suốt 10 năm trước đó, dự án chỉ đạt 10%. “Tại công trường hiện nay, các nhà thầu và đơn vị liên quan đang huy động hết mức nhân lực, vật tư, thiết bị để thi công nước rút ngay trong mùa khô này. Lãnh đạo công ty hứa thưởng 10 tỷ đồng cho nhà thầu thi công nếu như công trình trọng điểm này về đích đúng tiến độ. Ngược lại, nếu nhà thầu nào không bảo đảm được chất lượng và tiến độ, sẽ bị thay thế”, ông Hồ Minh Hoàng cho biết.

Dự án hiện đang gặp sức ép lớn về tiến độ khi thời gian không còn nhiều. Để khắc phục vấn đề này, khi vốn ngân sách bắt đầu rót về, công ty đã tổ chức thi công ba ca/ngày và thi công xuyên Tết. Các phương án biến động về vật tư đã được đơn vị tính toán, thực hiện bố trí tăng cường nhân lực, thiết bị thi công, hoán đổi các vị trí điều hành. Để giám sát chặt chẽ công tác quản lý chất lượng công trình, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã tiến hành lắp đặt ca-mê-ra giám sát các gói thầu 24/24 giờ trên toàn công trường, soát xét các quy trình quản lý dự án chặt chẽ, nhằm đẩy lùi gian lận với mục tiêu tăng tốc nhưng không để xảy ra thất thoát hoặc bớt xén quy trình. Trên toàn tuyến, các đơn vị đã cắm bấc thấm, gia tải khoảng 45 km nền đất yếu, thi công 50 cây cầu. Phó Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận Lưu Xuân Thủy cho biết: Về thủ tục pháp lý và các hồ sơ dự án đã được Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang tích cực hoàn thiện, thời điểm hiện tại cơ bản hoàn thành. Dự án cũng đã được Kiểm toán Nhà nước vào làm việc, rà soát hai lần, là cơ sở để loại bỏ các nhà đầu tư “0 đồng”.

Hiện nay, hằng tuần, UBND tỉnh Tiền Giang phân công một đồng chí thường trực UBND tỉnh luân phiên cùng giám đốc các sở, ngành liên quan kiểm tra tiến độ và chất lượng thực hiện dự án. Ngoài ra, định kỳ họp giao ban với Bộ GTVT mỗi tháng một lần về triển khai dự án để kịp thời giải quyết thỏa đáng các vướng mắc phát sinh và phối hợp Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng định kỳ ba tháng đi kiểm tra tiến độ và công tác quản lý chất lượng của dự án. Tất cả nhằm mục đích bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khi hoàn thành đưa vào sử dụng, nhằm phát huy vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và khao khát bấy lâu của đông đảo nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.