Khai mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018

NDO -

NDĐT - Sáng 12-9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) chính thức khai mạc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhà sáng lập WEF, Chủ tịch điều hành Klaus Schwab, cùng lãnh đạo và đại diện cấp cao các nước ASEAN và khu vực tham dự.

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) chính thức khai mạc.
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) chính thức khai mạc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch điều hành WEF cho biết, với hơn 1.000 đại biểu đại diện cho chính phủ và các doanh nghiệp, Hội nghị năm nay cho thấy tiềm năng lớn của ASEAN trong việc nắm bắt các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đem lại.

Giáo sư Klaus Schwab khẳng định, CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi các mô hình kinh doanh, thay đổi hệ thống xã hội. Trong 20 năm tới, chúng ta sẽ hoàn toàn khác biệt so với hiện nay. Hệ sinh thái doanh nghiệp, doanh nhân sẽ được định nghĩa lại. CMCN 4.0 sẽ xóa bỏ một số công việc, nhưng sẽ tạo ra các loại hình công việc mới. Giáo sư cũng khẳng định, sự cộng tác giữa chính phủ và doanh nghiệp rất quan trọng để đạt được tiến bộ trong kỷ nguyên CMCN 4.0.

Thế giới đang chạy đua để làm chủ CMCN 4.0 và lãnh đạo trên toàn cầu. ASEAN với chính sách tối ưu, dân số trẻ và tinh thần doanh nhân mạnh mẽ có nhiều lợi thế trong cuộc đua này, nhà sáng lập WEF khẳng định.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng các nhà lãnh đạo và đại biểu đến tham dự WEF ASEAN 2018. Thủ tướng nhấn mạnh, trong cuộc CMCN 4.0, ASEAN được biết đến như một khu vực khởi nguồn sáng tạo. Những cơ hội mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại cho các quốc gia ASEAN là vô cùng lớn. Một là, tạo sự đột phá về năng suất trên năm ngành công nghiệp lớn. Hai là, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Ba là, phát huy các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn là xương sống của ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất một số ưu tiên như thúc đẩy trao đổi để có thêm kết nối số, hợp tác chia sẻ dữ liệu; hài hòa môi trường kinh doanh. Thủ tướng cũng đề cập dến vấn đề tìm kiếm và huy tài năng; đề nghị ươm mầm tài năng trong khu vực.

Theo Thủ tướng, cần hình thành mạng lưới giáo dục ASEAN và hệ thống giáo dục suốt đời. Trong bối cảnh 4.0, các quốc gia cần chung tay hợp tác để phát triển, lấy người dân làm trung tâm. ASEAN đã khẳng định vai trò trung tâm trong khu vực.

Tại Hội nghị, thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres về WEF ASEAN đã được công bố. Theo đại diện LHQ, tỷ lệ đói nghèo đang giảm đáng kể, nhưng lợi ích của toàn cầu chưa được phân bổ một cách công bằng. CMCN 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, LHQ cũng đang đưa ra những giải pháp mới để tận dụng công nghệ mới, nhằm đẩy lùi các rủi ro.

Thông điệp nhấn mạnh, ASEAN là đối tác quan trọng của LHQ. Hợp tác giữa các bên khác nhau trong nhiều lĩnh vực khác nhau là yếu tố quan trọng, giúp chúng ta có thể định hình được toàn cầu hóa.

Khai mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 ảnh 1

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2018, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, thế giới đang thay đổi liên tục với sự phát triển vượt bậc của công nghệ. Theo ông Lý Hiển Long, ASEAN cần hợp tác với nhiều đối tác quốc tế để xây dựng các hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy tăng trưởng và tìm cách giải quyết các nguy cơ.

“CMCN 4.0 là một cuộc cách mạng quan trọng đối với các quốc gia ASEAN. Chúng ta cần tập trung vào các thế mạnh để tạo ra lợi ích cho tất cả các quốc gia”, ông Lý Hiển Long khẳng định.

Khai mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 ảnh 2

Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hồ Xuân Hoa.

Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hồ Xuân Hoa cho biết, 10 năm sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, chúng ta ngồi đây để thảo luận về ASEAN và Cuộc cách mạng 4.0. “Đây là cơ hội tốt để các bên thảo luận về chủ đề này”, ông Hồ Xuân Hoa khẳng định.

Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc cho hay, nền kinh tế thế giới đang phát triển tốt đẹp, nhưng cũng ẩn chứa nhiều bất ổn. Tính chất bảo hộ sẽ gây tổn hại cho những cơ chế thương mại đa phương. Ông Hồ Xuân Hoa cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ có thể là một nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới.

“ASEAN là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc. Tăng cường quan hệ với ASEAN là ưu tiên chính sách của chúng tôi", ông nhấn mạnh. Ông Hồ Xuân Hoa cũng đề xuất xây dựng tầm nhìn Trung Quốc – ASEAN 2030 và khẳng định, hai bên sẽ hợp tác để tăng cường quan hệ ở cấp độ cao hơn.

Khai mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 ảnh 3

Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho rằng, kể từ cuộc đại khủng hoảng năm 1930, chưa bao giờ chiến tranh thương mại bùng nổ như hiện nay. Tổng thống tin tưởng, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hiệu suất sản xuất ngày càng cao, giúp thế giới tiết kiệm được tài nguyên vật lý, khiến các nền kinh tế trở nên nhẹ nhàng hơn. Tổng thống cũng cho rằng, CMCN 4.0 giúp giảm bớt sự bất bình đẳng trong xã hội, khi chi phí sản xuất giảm đáng kể, người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ.

Khai mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 ảnh 4

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen.

Theo Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ xác định hướng đi tiếp theo của các nền kinh tế, đem lại nhiều cơ hội, định hình lại cơ cấu kinh tế, sản xuất, tiêu dùng. Một số nền kinh tế mới nổi có thể sử dụng cơ hội này để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nhảy vọt. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có sự kết nối tốt hơn, tạo nên những giá trị và dịch vụ tốt hơn. Tuy nhiên, các nước vẫn cần ghi nhớ rằng, CMCN 4.0 cũng đem lại những thách thức, khó khăn, nhất là trong việc phân phối lợi ích. Cần có khung pháp lý hợp lý nhằm bảo vệ các dữ liệu và số liệu.

Khai mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 ảnh 5

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith.

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith khẳng định, trong thập kỷ tới thế giới sẽ tăng trưởng nhanh chóng, sáng tạo, với nhiều cơ hội phát triển. Với ASEAN CMCN 4.0 là cơ hội chưa từng có. Các doanh nghiệp có cơ hội sử dụng các tiến bộ trong kỷ nguyên mới, tăng cường năng suất và sức cạnh tranh, hòa nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh cơ hội, các thách thức, xung đột có thể xảy ra trong cuộc cách mạng này, như xuất hiện sự chênh lệch lợi ích giữa các quốc gia và nhóm dân cư khác nhau. Sự phát triển khoa học kỹ thuật kéo theo nguy cơ an ninh mạng. Trong bố cảnh đó, ASEAN cần thống nhất kiến trúc thượng tầng khu vực, để toàn bộ khu vực cùng tăng trưởng.

Khai mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 ảnh 6

Cố vấn nhà nước Cộng hòa Myanmar Aung San Suu Kyi.

Cố vấn nhà nước Cộng hòa Myanmar Aung San Suu Kyi cho rằng, các nước ASEAN cần có kỹ năng, kiến thức và cách tiếp cận mới trước những tác động của CMCN 4.0. Các nước, trong đó có Myanmar cần chuyển dịch điểm nhấn giáo dục từ “hàn lâm” sang “thực tế”. Đánh giá việc các nước đang phát triển, trong đó có nhiều thành viên ASEAN “vẫn chưa đi trước” trong CMCN 4.0, Cố vấn nhà nước Myanmar cho rằng, các bên trong khu vực cần có nhiều hơn những đối thoại phù hợp, nuôi dưỡng tinh thần doanh nghiệp và luôn coi trọng yếu tố con người trong sự phát triển.

Khai mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 ảnh 7

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Thái-lan Prajin Juntong.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Thái-lan Prajin Juntong nhận định, công nghệ số ngày nay là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Thái-lan đang triển khai các chính sách giúp người dân, trong đó có cả nhóm người có ít khả năng tiếp cận với công nghệ cũng sẽ được hưởng lợi từ những cơ hội do CMCN 4.0 mang lại. Thái-lan sẽ không thể “đi một mình” trong kỷ nguyên công nghệ mới, Phó Thủ tướng Prajin Juntong cho biết, với vai trò là Chủ tịch ASEAN và APEC trong thời gian tới, Thái-lan sẽ nỗ lực trong việc tạo ra chuỗi giá trị liền mạch trong khu vực.

Cùng ngày, trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018, diễn ra gần 30 phiên thảo luận như: Triển vọng kinh tế châu Á; An ninh mạng; Định hướng năng lực tự cường của khu vực; Tìm hiểu về cân bằng quyền lực mới ở châu Á; Thúc đẩy giảm bất bình đẳng; Công nghệ ngày mai: Phương tiện không người lái; Âm nhạc: tấm gương phản ánh xã hội; Nhận dạng khách du lịch…