Khắc phục “lệch pha” cung - cầu bất động sản

Qua tổng hợp số liệu về nguồn cung và lượng giao dịch bất động sản (BĐS) của các địa phương cho thấy, số lượng tồn đọng BĐS có nhiều thay đổi và chịu tác động rất mạnh theo diễn biến của dịch Covid-19. Tính đến hết quý I năm 2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch ước tính gần 13 nghìn căn. Đến quý II và III năm 2020, tình hình dịch bệnh, cũng như các khó khăn vướng mắc của cơ chế, chính sách,… đã ảnh hưởng tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư và triển khai các dự án. Do đó, nguồn cung BĐS giai đoạn này gần như chững lại, hoặc gia tăng không đáng kể. Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn là kênh đầu tư thu hút vốn tốt và được cho là an toàn, cho nên lượng giao dịch vẫn khá, đến hết quý III năm 2020 ước tính tồn kho gần 6.000 căn. Sang quý IV năm 2020, mặc dù thị trường được bổ sung khoảng 30 nghìn căn, nhưng lượng giao dịch duy trì khá ổn định, dịch bệnh được từng bước ngăn chặn và đẩy lùi, do đó, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch riêng trong quý IV ước khoảng 3.000 căn. Tổng hợp lũy kế đến cuối năm 2020, lượng tồn kho BĐS ước gần 9.000 căn. Trong đó, các khu vực có số lượng BĐS chưa được hấp thụ nhiều chủ yếu là các địa phương chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 (như TP Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Dương,...), trong khi các tỉnh, thành phố, đô thị lớn, tập trung đông dân như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Ninh và các địa phương đang có tốc độ đô thị hóa mạnh, như: TP Cần Thơ, tỉnh Long An, Đồng Nai cơ bản giữ được phát triển ổn định, hấp thụ ở mức vừa phải.

Con số tồn kho gần 9.000 căn được đánh giá khá tích cực so với lượng tồn đọng BĐS năm 2019, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, lượng tồn đọng chủ yếu nằm ở phân khúc chung cư cao cấp và đất nền, cho nên nguồn vốn ứ đọng rất lớn. Chính điều này cũng là một trong những tác nhân khiến quá trình chuyển đổi sang các phân khúc phù hợp, nhu cầu lớn như nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở công nhân của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS diễn ra rất chậm. Bên cạnh đó, năm 2020, ngành BĐS cũng có sự thanh lọc mạnh mẽ với việc nâng cao năng lực và khả năng thích nghi của các DN tham gia thị trường. Số DN thành lập mới là 6.694, giảm 15,5% so năm 2019; số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 978. Mặc dù vậy, tín hiệu khả quan trong những tháng cuối năm 2020 cho thấy, BĐS sẽ vẫn là kênh thu hút quan trọng, nhất là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS đạt 28,53 tỷ USD, bằng 75,04% so cùng kỳ và lĩnh vực BĐS vẫn có giá trị tăng trưởng dương so với năm 2019 là 0,32 tỷ USD. 

Theo dự báo của nhiều chuyên gia và một số tổ chức tài chính quốc tế, dòng tiền FDI vào Việt Nam thời gian tới sẽ còn lớn hơn nữa bởi DN nước ngoài tin tưởng Việt Nam sẽ khống chế thành công đại dịch, tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia rất lớn. Đồng thời, với các hiệp định tự do thương mại lớn được ký, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước khác trong khu vực về thu hút FDI, trong đó điểm sáng năm vừa qua là BĐS công nghiệp. Tuy vậy, để hấp thụ nguồn lực nước ngoài, giảm sâu lượng tồn kho, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách để thị trường phát triển ổn định, khắc phục “lệch pha” cung - cầu.