Kết nối sản xuất tiêu thụ sản phẩm các HTX

NDO -

Ngày 28-11, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm các hợp tác xã năm 2020 với sự tham gia của 11 Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Bắc bộ, hơn 100 hợp tác xã và doanh nghiệp có sản phẩm kết nối tiêu thụ.

Các đại biểu ký bản ghi nhớ hợp tác giữa các đơn vị có nhu cầu kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Các đại biểu ký bản ghi nhớ hợp tác giữa các đơn vị có nhu cầu kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm hay trong tổ chức sản xuất, giải pháp để kết nối sản xuất tiêu thụ sản phẩm hiệu quả như: các địa phương, hợp tác xã có nhu cầu kết nối cần chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ những sản phẩm, hàng hóa cần kết nối, chất lượng, số lượng, thời điểm cung cấp sản phẩm, hàng hóa của hợp tác xã, cơ sở sản xuất ở mỗi địa phương.

Xây dựng các chương trình tuyên truyền có tính kết nối vùng để thông tin rộng rãi sản phẩm, hàng hóa của địa phương này tới địa phương khác trong vùng; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp, trao đổi thông tin về đầu tư, sản xuất giữa các địa phương trong vùng.

Chủ động liên kết chéo hình thành các liên hiệp các hợp tác xã chuyên ngành hoặc đa ngành nhằm tạo nên các chuỗi giá trị mới đan xen, tương hỗ bù đắp cho nhau cùng phát triển; Nhà nước cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã; liên minh hợp tác xã hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm sản phẩm hàng hóa của các hợp tác xã đến người tiêu dùng…

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam hoanh nghênh Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam đã tổ chức nghị xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất tiêu thụ sản phẩm các hợp tác xã năm 2020, sau thành công của hội nghị kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm năm 2019.

Ông Nguyễn Mạnh Cường đề nghị Liên minh hợp tác xã tỉnh Hà Nam đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất tiêu thụ sản phẩm các hợp tác xã. Bởi đây là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển của các hợp tác xã trong bối cảnh cơ chế thị trường, đặc biệt là hội nhập kinh tế sâu rộng; đẩy mạnh tuyên truyền tầm quan trọng của việc liên kết giữa các hợp tác xã, giữa hợp tác xã với doanh nghiệp; nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực, kiểm toán hợp tác xã. Các hợp tác xã cũng cần phải gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và nguồn gốc rõ ràng.

Theo ông Lê Quang Vọng, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam, thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam đã triển khai nhiều hoạt động, lồng ghép các chương trình hỗ trợ cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, của tỉnh xây dựng trên 20 mô hình hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó tập trung tư vấn định hướng mô hình sản xuất, hỗ trợ cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị… kết nối vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm như: tư vấn, hỗ trợ thành lập mới các hợp tác xã, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quàn lý các hợp tác xã, hỗ trợ các hợp tác xã có nhu cầu tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

Cùng với các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển sản xuất, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam đã quan tâm triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xuất xứ hàng hóa và xây dựng trang thông tin điện tử cho các hợp tác xã; tổ chức cho các hợp tác xã, đơn vị thành viên có sản phẩm, hàng hóa tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giao thương, tìm kiếm thị trường, đối tác tại các hội chợ xúc tiến thương mại và công nghệ hợp tác xã do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã hình thành 20 hợp tác xã có sản phẩm thế mạnh thuộc 6 nhóm sản phẩm được sản xuất theo chuỗi giá trị. Việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực của hợp tác xã gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương, tiêu biểu như các sản phẩm: lúa gạo, các loại nấm, sản phẩm dược liệu, rau màu, hoa quả, các loại thủy sản nước ngọt… Mô hình hợp tác xã kiểu mới ít thành viên đã phát huy tiềm năng, thế mạnh nhất định của các địa phương với sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường như: chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông sản an toàn…

Trong khuôn khổ hội nghị, các hợp tác xã của các địa phương đã mang tới giới thiệu các đặc sản nông nghiệp, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng chất lượng. Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất của các hợp tác xã trong tỉnh Hà Nam và các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Bắc bộ. Bởi hiện nay, hoạt động của các hợp tác xã còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.