Ðiểm sáng xây dựng nông thôn mới của Hải Dương

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, tất cả các xã và thị trấn trong huyện Gia Lộc (Hải Dương) đều đạt cận tiêu chuẩn NTM. Ðời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn được nâng cao, cơ sở hạ tầng có nhiều đổi mới. Những thành tựu nêu trên xuất phát từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của nhân dân.

Làng nghề đóng giày ở xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc.
Làng nghề đóng giày ở xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc.

Phấn đấu hoàn thành sớm các tiêu chí

Ðể hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM đã đề ra, Huyện ủy, UBND và các đoàn thể huyện Gia Lộc đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM "Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn xây dựng NTM và nâng cao đời sống người dân trên địa bàn huyện". Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện đã ban hành quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, đồng thời, thành lập tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo để tham mưu, ban hành các văn bản và hằng năm tổ chức hội nghị quán triệt triển khai chương trình xây dựng NTM. Cùng với đó, huyện ban hành các chính sách hỗ trợ diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất nông nghiệp… và đẩy mạnh tuyên truyền đến mọi tầng lớp người dân. Các xã thường xuyên tổ chức những buổi đối thoại "Toàn dân chung sức xây dựng NTM", qua đó nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để từng bước giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Hằng năm, huyện còn tổ chức vinh danh làng nghề truyền thống, phát động phong trào thi đua "Gia Lộc chung sức xây dựng NTM". Kết quả thực hiện các phong trào đã tạo sức lan tỏa rộng khắp, người dân quan tâm, phấn khởi, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng.

Ngoài các cuộc đối thoại, UBND huyện giao Văn phòng Ðiều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM phối hợp Phòng Giao thông nông thôn và Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện thường xuyên xuống địa bàn nắm bắt tiến độ xây dựng các công trình phúc lợi, báo cáo về UBND huyện. Từ đó, UBND huyện lấy kết quả xây dựng NTM là một trong những tiêu chí bình xét thi đua hằng năm của các xã. Ðể có kinh phí xây dựng NTM, Phó Chủ tịch HÐND huyện Gia Lộc Trần Quang Hách cho biết, ngoài nguồn hỗ trợ của tỉnh, của huyện, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm và đóng góp của nhân dân, các xã đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo thẩm quyền để tạo nguồn kinh phí. Ðến nay, hầu hết các xã đều bảo đảm được nguồn vốn để xây dựng các công trình phúc lợi như: nhà thư viện cộng đồng, bưu điện văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, vườn hoa sân chơi, sân bóng đá... phục vụ mọi lứa tuổi...

Làm việc với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Gia Tân Phạm Duy Thoại hồ hởi giới thiệu việc địa phương đã hoàn thành cả 19 tiêu chí xây dựng NTM. Ðể đạt được điều này, trong những năm qua, xã đã huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc, phân công trách nhiệm rõ ràng. Có hộ gia đình thì hiến đất, ngày công lao động, nhà nào không có lao động thì hỗ trợ tiền, đóng góp xi-măng, cát, sỏi, gạch... để cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và những công trình công cộng. Theo Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Lãng Xuyên Nguyễn Văn Kênh, nhân dân trong thôn, trong xã rất phấn khởi tham gia phong trào xây dựng NTM. Bây giờ điện thắp sáng từ đầu đường làng đến ngõ xóm, có vườn hoa, sân vui chơi cho mọi lứa tuổi sạch sẽ, khang trang. Tình hình an ninh - trật tự trên địa bàn thôn, xã được bảo đảm, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm được đề cao...

Duy trì sự phát triển bền vững, tránh theo kiểu phong trào, hình thức, hằng năm, UBND huyện Gia Lộc đều tổ chức khảo sát, đánh giá đối với các xã chưa hoàn thành xây dựng NTM. Trên cơ sở đánh giá khả năng thực tế, huyện đã lựa chọn các xã đăng ký hoàn thành xã NTM theo 19 tiêu chí đề ra. Ðến nay, đã có hai xã là Gia Khánh, Lê Lợi đạt 17 tiêu chí/xã; ba xã Liên Hồng, Gia Xuyên, Ðức Xương đạt 16 tiêu chí/xã; các xã còn lại đều đạt từ 17 đến 18 tiêu chí... Trước đó, các xã: Gia Tân, Quang Minh và Hồng Hưng là ba xã đầu tiên được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2014 và năm 2016. Chủ tịch UBND xã Hồng Hưng Phạm Văn Sơn cho biết: "Hồng Hưng là xã thuần nông, do xác định rõ thực tế khó khăn của địa phương cho nên trong quá trình xây dựng NTM, xã đã xây dựng kế hoạch, lộ trình sao cho phù hợp. Những tiêu chí nào cần làm trước, tiêu chí nào cần làm sau. Riêng tiêu chí trường học, trạm y tế xã và điện đường làm trước và đã hoàn thành, cho nên năm 2016 xã đạt chuẩn NTM".

Phát huy các lợi thế tiềm năng

Thời gian qua, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Kinh tế phát triển, nhân dân đã nhiệt tình đóng góp, ủng hộ xây dựng NTM. Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gia Lộc Vũ Quý Thắng cho biết: Với kết quả nêu trên, huyện Gia Lộc phấn đấu hoàn thành huyện NTM vào năm 2019. Ðể đạt mục tiêu, huyện yêu cầu các xã chưa đạt chuẩn cần đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, phấn đấu đến hết quý III năm nay sẽ hoàn thành.

Từ phong trào xây dựng NTM, tận dụng những lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, các cấp chính quyền huyện Gia Lộc đã khuyến khích các địa phương phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, thực hiện đề án "Nâng cao hiệu quả vùng chuyên canh rau quả tập trung, vùng lúa chất lượng cao và phát triển các làng nghề giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Ðến nay, Gia Lộc đã hình thành 35 vùng chuyên canh rau, củ, quả và gần 50 vùng lúa chất lượng cao với tổng diện tích hơn 1.500 ha. Các vùng chuyên canh này đã góp phần đưa giá trị bình quân trên một héc-ta đất canh tác đạt hơn 250 triệu đồng/năm. Ðến nay, Gia Lộc có một số mô hình sản xuất hiệu quả như: Làng nghề đóng giày ở xã Hoàng Diệu; vùng chuyên sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP. Ngoài ra, huyện còn có năm vùng trồng cây hoa đào, mỗi năm cho thu nhập từ 500 đến 800 triệu đồng/ha, cho nên đời sống kinh tế của các hộ dân ngày càng được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm.

Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc Lê Văn Tuấn đánh giá, những thành công của huyện trong việc hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã tạo đà tăng trưởng, giúp địa phương giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh và tiếp cận công nghệ thông tin... Ngoài các tiêu chí nêu trên, Gia Lộc còn tập trung thực hiện sắp xếp dân cư, giao đất, phát triển các mô hình sản xuất mới, kinh tế tập thể, hợp tác xã trên nền tảng ứng dụng khoa học - kỹ thuật và kết nối với thị trường, doanh nghiệp và gắn xây dựng NTM để tạo thêm sinh kế cho người dân phát triển...