Hướng phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên

Trận lũ lớn vào chiều tối 10-11 đã gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi trồng thủy sản tại Phú Yên, trong đó, hơn 2.000 lồng tôm hùm thương phẩm sắp thu hoạch tại thị xã Sông Cầu bị chết, ước thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Hậu quả là làm đảo lộn cuộc sống cả một vùng quê ven biển Phú Yên...

Tại thị xã Sông Cầu, tôm hùm nuôi bị sốc nước lũ sau bão số 12, ngày 10-11-2020, chết hàng loạt.
Tại thị xã Sông Cầu, tôm hùm nuôi bị sốc nước lũ sau bão số 12, ngày 10-11-2020, chết hàng loạt.

Khi diện tích tôm nuôi vượt quy hoạch

Nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên bắt đầu từ những năm 1990, tập trung chủ yếu tại vịnh Xuân Ðài, đầm Cù Mông ( thị xã Sông Cầu) và vịnh Vũng Rô (thị xã Ðông Hòa). Ðối tượng nuôi gồm các loài: tôm hùm bông, tôm hùm xanh (còn gọi là tôm hùm đá), tôm hùm sỏi và tôm hùm đỏ, trong đó chủ yếu là tôm hùm bông do có tốc độ tăng trưởng nhanh, kích cỡ lớn, giá trị kinh tế cao. Vài năm gần đây, do giá giống tôm hùm bông cao, thời gian nuôi dài, người nuôi tập trung nuôi tôm hùm xanh nhiều hơn. Với sản lượng hằng năm 700 đến 950 tấn, giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 6.000 lao động tại địa phương và nhiều lao động dịch vụ hậu cần khác. Với giá trị kinh tế cao, tôm hùm là vật nuôi chủ lực tại nhiều địa phương ven biển, nhiều người nghèo trở thành tỷ phú tại các làng biển Phú Yên. Trong đó, thị xã Sông Cầu có sản lượng 500 đến 600 tấn/năm được xem là thủ phủ của nghề nuôi tôm hùm tại Việt Nam.

Tuy nhiên, do lợi nhuận cao, người nuôi bất chấp mọi khuyến cáo, không theo quy hoạch, phát triển số lượng lồng nuôi ồ ạt, không kiểm soát được dịch bệnh, không phòng tránh hết mọi điều kiện bất thường của thiên tai, dẫn đến rủi ro cao, và thực tế họ đã từng phải chịu mức thiệt hại rất lớn. Như đợt lũ sau cơn bão số 12 vừa qua làm ngọt hóa khu vực nuôi trồng thủy sản vịnh Xuân Ðài, thị xã Sông Cầu. Bị sốc nước ngọt, 2.180 lồng nuôi tôm hùm của 169 hộ nuôi ở các phường Xuân Thành, Xuân Ðài, Xuân Yên và hai xã Xuân Phương, Xuân Thịnh với hơn 150.000 con tôm hùm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch bị chết trắng, ước thiệt hại hơn 62 tỷ đồng. Gia đình bà Hà Thị Lợi ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, vụ này thả nuôi 1.000 con tôm hùm thịt. Vốn đầu tư ban đầu là 300 triệu đồng. Loại tôm hùm xanh được thả nuôi năm trước đã có trọng lượng 0,2 đến 0,3 kg/con, nếu xuất bán thời điểm này giá 800.000đồng/ kg, gia đình bà Lợi sẽ có lãi cao. Tuy nhiên, nước lũ làm tôm chết hàng loạt, phải bán rẻ với giá 200 nghìn đến 300 nghìn đồng/kg; một số phải chôn hủy, làm cho gia đình bà Lợi lâm cảnh nợ nần.

Ðây không phải là lần đầu người nuôi tôm hùm gặp nạn. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Phú Yên, tại phường Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, vào tháng 5 và 6-2016, tôm hùm nuôi do ảnh hưởng môi trường đã chết hàng loạt. Tỷ lệ tôm chết từ 70 đến 90%/lồng nuôi. Thống kê có 155 hộ bị thiệt hại, với gần 25 tấn tôm hùm bông chết. Một vụ khác, từ ngày 24 đến 25-5-2017 và từ ngày 1 đến 6-6-2017, tại các vùng nuôi xã Xuân Phương và phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, xảy ra tình trạng tôm hùm nuôi chết hàng loạt, thống kê cho thấy hơn 2,3 triệu con giống và tôm thương phẩm chết, với 693 hộ thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Phú Yên Nguyễn Tri Phương cho rằng, người nuôi chưa biết tự bảo vệ sinh kế của mình. Chính quyền đã khuyến cáo nuôi đúng quy hoạch, đúng mật độ nhưng người dân cứ tự ý tăng thêm lồng nuôi thì việc không thể kiểm soát dịch bệnh là điều dễ xảy ra. Như tại thị xã Sông Cầu, tính đến thời điểm hiện nay, số lượng lồng, bè nuôi tôm hùm tuy có xu hướng giảm so với năm 2019, nhưng vẫn còn tới 59.000 lồng. Cụ thể, theo quy hoạch phương án phân vùng được duyệt thì vùng nuôi Phước Lý, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu có diện tích 123 ha, số lượng lồng được phép thả nuôi là 3.600 lồng, nhưng theo thống kê của UBND phường Xuân Yên, có lúc cao điểm số lượng lồng nuôi là 15.840 lồng, tăng gấp 4,4 lần so với quy định. Tương tự, các vùng nuôi Phú Mỹ, Dân Phú 1, xã Xuân Phương có diện tích 362 ha, số lượng lồng được phép thả nuôi là 4.410 lồng, nhưng thống kê của xã thì số lồng thả nuôi cũng vượt gấp gần 2,7 lần (11.695 lồng). Số lượng lồng nuôi bình quân hiện nay đã lên 75 lồng/ha, cao hơn ít nhất từ 15 đến 45 lồng; mật độ thả nuôi tăng gấp hai lần so với quy định.

Ngày 5-11-2020, Bộ NN và PTNT phê duyệt Ðề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025. Theo đó, tại tỉnh Phú Yên: Phát triển nuôi với hai hình thức: nuôi tôm hùm bằng lồng trên biển và nuôi trong hệ thống tuần hoàn trên bờ; tổng diện tích nuôi là 1.000 ha, tập trung tại đầm Cù Mông (253 ha), vịnh Xuân Ðài (747 ha) với tổng số 45.000 lồng, tương ứng khoảng 405.000 m3.

Tuy nhiên, trên thực tế, tổng số lồng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh trong năm 2020 ước đạt 81.109 lồng, trong đó huyện Tuy An là 7.698 lồng; thị xã Sông Cầu 59.698 lồng, gấp 1,8 lần so với quy hoạch; thị xã Ðông Hòa là hơn 13.000 lồng tôm hùm thịt, mặc dù địa phương này không còn trong quy hoạch nuôi lồng, bè của tỉnh. Mật độ tôm thả nuôi thực tế cũng vượt so với quy định. Qua khảo sát thực tế, mật độ nuôi thương phẩm đối với tôm hùm bông khoảng 75 đến 80 con/lồng 9 m2 và đối với tôm hùm xanh khoảng 150 đến 200 con/lồng 9 m2, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mật độ quy định tại các văn bản hướng dẫn của ngành NN và PTNT và địa phương. Các hoạt động trao đổi, mua bán tôm hùm giống chủ yếu thông qua thương lái và không khai báo; việc kiểm tra, đánh giá chất lượng tôm giống chủ yếu được người nuôi dựa vào kinh nghiệm bằng cảm quan; thức ăn cho tôm hùm thương phẩm phần lớn là thủy sản tươi sống, qua nhiều năm tồn dư lớn; trao đổi nước giữa đầm, vịnh với biển không bảo đảm yêu cầu… dẫn đến tôm hùm thường xuyên chết hàng loạt, nhất là vào thời điểm thời tiết thay đổi đột ngột. Hiện chưa có doanh nghiệp đầu tư liên kết và bao tiêu sản phẩm. Việc thu mua chủ yếu thông qua thương lái thu gom, xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Về phía trách nhiệm quản lý nhà nước, mặc dù tỉnh đã có quy hoạch tổng thể vùng nuôi tôm hùm, nhưng các địa phương còn thiếu kinh phí và kinh nghiệm quy hoạch chi tiết, chưa có quy định về giao, cho thuê mặt nước chi tiết; cán bộ thú y cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm và không có chuyên môn về bệnh thủy sản; hoạt động mua bán tôm giống diễn ra tự phát; việc thu gom, xử lý chất thải, thức ăn cho tôm chưa được các địa phương và người nuôi xử lý theo phương thức quy định; hiện tượng xả rác thải sinh hoạt trực tiếp xuống đầm, vịnh diễn ra phổ biến…

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu Lâm Duy Dũng cho biết, hơn 80% lượng giống đưa vào nuôi trên địa bàn thị xã có nguồn gốc nhập từ nước ngoài. Việc kiểm soát nguồn giống tôm hùm nhập về vượt khả năng của địa phương, do đó công tác sắp xếp, giao mặt nước để nuôi trồng thủy sản lồng bè, việc hạn chế sự gia tăng số lượng lồng nuôi, bảo đảm nuôi đúng trong vùng quy hoạch, nuôi đúng mật độ, số lượng lồng nuôi theo quy định gặp rất nhiều khó khăn. UBND thị xã đã nhiều lần kiến nghị với UBND tỉnh, Sở NN và PTNT về việc tăng cường kiểm soát, thanh tra, kiểm tra nguồn giống tôm hùm nhập khẩu.

Giải pháp nuôi tôm hùm bền vững

Tỉnh Phú Yên đã có quy hoạch nuôi tôm hùm lồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, do quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 nên các quy hoạch của tỉnh không còn hiệu lực. Thời gian tới, định hướng phát triển nuôi tôm hùm sẽ được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh.

Ðể định hướng cho nghề nuôi tôm hùm, Bộ NN và PTNT phối hợp UBND tỉnh Phú Yên đã từng tổ chức Hội thảo khoa học "Giải pháp quy hoạch chi tiết và quản lý nuôi tôm hùm bền vững ở tỉnh Phú Yên". Theo đó, các địa phương có nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh sớm triển khai quy hoạch chi tiết vùng nuôi, quản lý tốt quy hoạch, không để phát sinh nuôi tôm tự phát, không theo quy hoạch. Các địa phương chủ động vận động, hướng dẫn thành lập các tổ cộng đồng, xem đây là đơn vị cơ sở quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản của địa phương, gắn trách nhiệm của tổ với công tác thống kê số liệu, quản lý dịch bệnh, môi trường các vùng nuôi. Ðể quản lý tốt hơn nguồn giống tôm hùm, đề nghị Cục Thú y căn cứ vào quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ NN và PTNT, cho phép nhập khẩu tôm hùm giống về các địa phương đúng nhu cầu con giống hằng năm theo quy hoạch. Cục Thú y cần rà soát, chấn chỉnh công tác giám sát cách ly kiểm dịch giống tôm hùm nhập khẩu theo đúng quy định…

Theo UBND tỉnh Phú Yên, đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành việc sắp xếp, giao mặt nước cho các hộ đủ điều kiện sắp xếp lại lồng, bè theo quy định và đến hết tháng 10-2021 giải tỏa toàn bộ lồng, bè nuôi trồng thủy sản không theo phương án sắp xếp lồng, bè đã được phê duyệt trên vịnh Xuân Ðài và đầm Cù Mông. Sở NN và PTNT tăng cường chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ nguồn giống tôm hùm nhập về tỉnh Phú Yên để tạo điều kiện cho công tác sắp xếp, giao mặt nước để nuôi trồng thủy sản lồng đúng trong vùng quy hoạch, nuôi đúng mật độ, số lượng lồng nuôi theo quy định, phối hợp các lực lượng liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các hộ kinh doanh giống tôm hùm nhập khẩu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm …

Bài và ảnh: TRÌNH KẾ