Hưng Yên tăng cường phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường

Trong nhiều năm qua, tỉnh Hưng Yên đã quan tâm công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên ra Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 21-3-2013 về tăng cường, quản lý bảo vệ môi trường. UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành: Chương trình hành động số 51/CTr-UBND, ngày 26-4-2013 về tăng cường, quản lý, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường; quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường giai đoạn 2013 - 2020; ban hành các chỉ thị về bảo vệ môi trường...

Trạm xử lý nước thải công nghiệp tại Khu công nghiệp Phố Nối A.
Trạm xử lý nước thải công nghiệp tại Khu công nghiệp Phố Nối A.

Ðồng thời, kiểm soát, giám sát chặt chẽ ô nhiễm môi trường, trong đó quy định tăng cường giám sát tự động đối với các cơ sở sản xuất xả nước thải lớn (các cơ sở có phát sinh nước thải từ 100 m3/ngày đêm trở lên phải lắp đặt quan trắc nước thải tự động). Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường của tỉnh đối với nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, yêu cầu các cơ sở xử lý nước thải đạt chất lượng cao hơn so với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Tỉnh đã từ chối tiếp nhận hàng chục dự án có phát sinh nước thải, khí thải lớn nằm ngoài khu công nghiệp; thẩm định chặt chẽ hơn 300 báo cáo đánh giá tác động môi trường, yêu cầu xử lý nước thải đạt cột A của quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Rà soát, lập danh sách các điểm nóng về ô nhiễm môi trường gồm: 16 cơ sở sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp, trạm xử lý nước thải tập trung của hai khu công nghiệp, năm làng nghề và các sông tiếp nhận nước thải trên địa bàn tỉnh. Các cấp, ngành phối hợp kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện xử lý, ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm môi trường. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết được phê duyệt; đầu tư công trình bảo vệ môi trường, lập hồ sơ xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án. Ðịnh kỳ đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện kiểm soát ô nhiễm môi trường, báo cáo kết quả giám sát về Sở Tài nguyên và Môi trường. Tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm truyền nhận dữ liệu quan trắc tự động chất thải, giám sát các nguồn xả thải chất thải lớn trên địa bàn tỉnh; lắp đặt, vận hành bảy trạm quan trắc môi trường nước mặt và bốn trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục, cố định tại các khu vực chịu tác động của nước thải từ các hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp và ba trạm quan trắc môi trường không khí chung quanh tự động, liên tục, cố định tại các khu vực chịu tác động từ khí thải của các nhà máy sản xuất công nghiệp có lưu lượng khí thải lớn, các phương tiện giao thông. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tăng cường thực hiện giám sát đối với những cơ sở phát sinh chất thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao: năm 2017, thực hiện giám sát một tháng một lần, hai tháng một lần đối với 28 cơ sở phát sinh chất thải lớn; năm 2018, thực hiện giám sát một tháng một lần đối với năm cơ sở, hai tháng một lần đối với 13 cơ sở và ba tháng một lần đối với chín cơ sở. Qua đó, phát hiện 50 trong tổng số 209 lượt cơ sở xả thải nước thải vượt quy chuẩn về môi trường, yêu cầu các cơ sở có biện pháp khắc phục, xử lý. Ðồng thời yêu cầu 37 đơn vị lắp đặt, vận hành trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục; một cơ sở lắp đặt trạm quan trắc khí thải tự động, liên tục.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường được thực hiện nghiêm túc. Từ năm 2013 đến 2018, các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại hơn 300 cơ sở, phát hiện xử phạt 83 đơn vị có hành vi vi phạm về môi trường với tổng số tiền 6,7 tỷ đồng; chín tháng đầu năm 2019 phát hiện 97 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 77 vụ xử phạt hơn 2,8 tỷ đồng... Qua đó, công tác bảo vệ môi trường ở tỉnh Hưng Yên đã có những chuyển biến tích cực; nhiều mô hình, giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả được triển khai diện rộng, góp phần cải thiện môi trường sống trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số bất cập: có nhiều dự án đơn lẻ nằm ngoài các khu công nghiệp. Việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, thực thi công tác bảo vệ môi trường ở một số doanh nghiệp chưa được nghiêm túc, thậm chí có đơn vị không chấp hành. Tại cấp huyện, không có cán bộ chuyên trách về quản lý tài nguyên nước dẫn đến công tác quản lý kiểm tra, giám sát việc xả thải của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Việc xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, làng nghề còn nhiều hạn chế, hệ thống sông ngòi bị ô nhiễm…

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực hiệu quả, quản lý nhà nước về môi trường, trong thời gian tới, tỉnh Hưng Yên thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục công tác ngăn ngừa ô nhiễm môi trường trong việc góp ý kiến đối với các dự án đầu tư vào tỉnh, từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thẩm định chặt chẽ báo cáo đánh giá tác động môi trường; rà soát báo cáo đánh giá tác động môi trường, công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án lớn, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường nhất là các dự án phát sinh chất thải lớn. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án. Thu hút đầu tư vào tỉnh những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, không tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; hạn chế tiếp nhận dự án sản xuất công nghiệp rời lẻ ở ngoài khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), tiến tới không tiếp nhận dự án sản xuất công nghiệp rời lẻ ở ngoài KCN, CCN. Rà soát nâng cấp các CCN thành các KCN; đề xuất đấu nối nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm ngoài KCN vào công trình xử lý nước thải tập trung của KCN liền kề. Tiếp tục triển khai Ðề án nâng cao năng lực quan trắc môi trường tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2025; vận hành có hiệu quả Trung tâm truyền nhận dữ liệu quan trắc tự động chất thải, giám sát các nguồn xả thải chất thải lớn trên địa bàn tỉnh; triển khai các đề án, chương trình, dự án về bảo vệ môi trường, phòng, chống biến đổi khí hậu của tỉnh. Tăng cường lấy mẫu giám sát môi trường theo kế hoạch đối với các cơ sở phát sinh chất thải lớn; các cơ sở là điểm nóng về ô nhiễm môi trường; các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Ðẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo vệ môi trường, huy động các nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư cho công tác phân loại, tái chế, tái sử dụng, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt nông thôn. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhất là hành vi xả nước thải không đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường vào nguồn nước. Phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường với hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm môi trường của lực lượng cảnh sát môi trường. Thực hiện tốt công tác hậu kiểm tra, thanh tra, hậu thẩm định...