Hưng Yên chú trọng đầu tư, nâng cấp hệ thống thủy lợi

Những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã chú trọng đầu tư, xây dựng, nâng cấp nhiều công trình thủy lợi. Trong đó, ưu tiên cải tạo, xây mới và cải thiện hệ thống thủy lợi tại hầu hết các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả cao.

Trạm bơm Cửa Gàn, TP Hưng Yên (Hưng Yên) được đưa vào sử dụng.
Trạm bơm Cửa Gàn, TP Hưng Yên (Hưng Yên) được đưa vào sử dụng.

Đưa chúng tôi đi thăm trạm bơm Cửa Gàn (TP Hưng Yên), chuyên viên Chi cục Thủy lợi tỉnh Hưng Yên Ðoàn Thế Hiệp cho biết, mặc dù có nhiệm vụ tiêu nước cho khoảng 700 ha diện tích đất nông nghiệp cũng như dân sinh của TP Hưng Yên nhưng do xây dựng đã lâu, hệ thống công trình, máy móc của trạm bơm Cửa Gàn bị xuống cấp nghiêm trọng, không còn bảo đảm được khả năng tiêu nước. Trước tình hình trên, năm 2017, UBND tỉnh Hưng Yên đã quyết định đầu tư xây dựng công trình trạm bơm không ống cột nước thấp tiêu nước và cấp nguồn Cửa Gàn. Năm 2019, công trình hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng. Việc đầu tư xây dựng trạm bơm Cửa Gàn đã đáp ứng được nhu cầu tiêu thoát nước cũng như cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP Hưng Yên và một số địa phương lân cận.

Trong những năm gần đây, tỉnh Hưng Yên đã chú trọng xây dựng, cải tạo và nâng cấp nhiều công trình thủy lợi. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, giai đoạn từ năm 2015 - 2020, tỉnh Hưng Yên đầu tư 698,112 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác để xây dựng, cải tạo và nâng cấp 24 công trình thủy lợi. Trong đó, có 13 công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, 11 công trình đang thi công. Hằng năm địa phương còn nạo vét các kênh thủy lợi, khắc phục điểm ách tắc cục bộ, khơi thông dòng chảy trên hệ thống kênh mương nội đồng. Ngoài ra, để phục vụ sản xuất, tỉnh còn đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng 641 trạm bơm. Trong đó, 442 trạm chuyên tưới, 33 trạm phục vụ tiêu thoát nước, 166 trạm bơm kết hợp tưới, tiêu. Nhiều trạm bơm có quy mô, vốn đầu tư lớn như: Bảo Khê, Chùa Tổng, Nghi Xuyên… Bên cạnh đó tỉnh còn xây dựng nhiều trạm bơm không ống cột nước thấp. Việc xây dựng các trạm bơm không ống cột nước thấp được đánh giá có nhiều ưu điểm so với bơm truyền thống. Cụ thể, điện năng tiêu thụ ít, chi phí đầu tư thấp, thi công nhanh, có thể bơm được khi mực nước nguồn thấp, công tác quản lý, vận hành đơn giản. Với hệ thống công trình thủy lợi nội đồng hiện có, bảo đảm tưới ổn định cho khoảng 92% và tiêu ổn định cho khoảng 94,9% trong tổng diện tích cần tưới, tiêu bằng động lực theo quy hoạch.

Việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi thời gian qua đã đem lại hiệu quả to lớn cho tỉnh Hưng Yên, góp phần nâng cao khả năng phục vụ sản xuất và đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu cho nông nghiệp, khắc phục tình trạng ngập úng, hạn hán, tiêu thoát nước cho diện tích công nghiệp, dân cư. Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Quân, trên địa bàn tỉnh nhiều trạm bơm đã xây dựng từ lâu, đến nay bị xuống cấp nghiêm trọng mà chưa được đầu tư, cải tạo, nâng cấp. Hệ thống kênh mương chủ yếu là kênh đất thường xuyên bị sạt trượt, bồi lắng, mặt cắt dòng chảy thu hẹp cho nên hiệu suất phục vụ tưới tiêu không cao. Trong khi đó, nguồn kinh phí đầu tư dự án các công trình thủy lợi còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết xây dựng và cải tạo, nâng cấp các công trình trong thời gian qua.

Trước đây, phần lớn các công trình thủy lợi được xây dựng chủ yếu là tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, tốc độ phát triển các khu công nghiệp, đô thị, giao thông trên địa bàn tỉnh Hưng Yên diễn ra nhanh dẫn đến việc làm gia tăng nhu cầu thoát nước khi có mưa lớn xảy ra. Ðiều này, gây áp lực lớn cho các công trình thủy lợi do không đủ công suất phục vụ. Cùng với đó, tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi còn xảy ra ở nhiều địa phương nhưng chưa được giải quyết triệt để. Tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý của các khu công nghiệp, đô thị, làng nghề trước khi vào hệ thống thủy lợi khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là tại phía thượng lưu sông Kim Sơn (hệ thống Bắc Hưng Hải), vị trí cống Xuân Thụy (sông Cầu Bây)...

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Ðỗ Minh Tuân, để khắc phục khó khăn, hạn chế nêu trên, thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi nội đồng để nâng cao hiệu quả phục vụ, đáp ứng nhu cầu cấp nước và tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ dân sinh và phát triển các ngành kinh tế. Ðồng thời, tập trung nâng cấp, cải tạo và hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi hiện có theo hướng hiện đại, đồng bộ phục vụ phương thức sản xuất tiên tiến, đẩy mạnh các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước tưới cho cây trồng cạn. Ðối với hệ thống kênh đất đã bị xuống cấp, tỉnh sẽ tăng cường cứng hóa, đồng bộ hệ thống kênh tưới, tiêu. Ðể ngăn chặn, xử lý tình trạng vi phạm các công trình thủy lợi, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu với tỉnh để gắn trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp, các đơn vị liên quan…