Hưng Yên cần có giải pháp đột phá để phát triển nhanh, toàn diện, bền vững

NDO -

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh cải cách hành chính, khai thác tiềm năng, lợi thế, có giải pháp đột phá để phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.

Đồng chí Trương Hòa Bình làm việc với tỉnh Hưng Yên ngày 8-8.
Đồng chí Trương Hòa Bình làm việc với tỉnh Hưng Yên ngày 8-8.

Ngày 8-8, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác cải cách hành chính (CCHC) và giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Hưng Yên.

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình cho biết, dịch bệnh Covid-19 gây ra đã tác động tiêu cực đến toàn thế giới, trong đó có nước ta, để tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dịch chuyển chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), hạ tầng thông tin, nguồn nhân lực…

"Và một yếu tố quan trọng là CCHC thực chất theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư FDI, thúc đẩy khởi nghiệp trong nước; đồng thời thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, trong đó có đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng" - đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Theo đồng chí Trương Hòa Bình, Hưng Yên phải phát huy mọi nguồn lực, sức mạnh của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng và thực hiện các giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp công nghiệp lớn trong khu vực và thế giới tới đầu tư; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ ở các khu, cụm công nghiệp, tạo liên kết chuỗi sản xuất, trở thành động lực cho phát triển công nghiệp; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Gắn CCHC với việc thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, bảo đảm đúng nguyên tắc “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC.

Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và gắn kết chặt chẽ với chính sách tinh giản biên chế; đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giải quyết công việc gắn quyền hạn với trách nhiệm trong công tác tổ chức bộ máy và cán bộ tổ chức triển khai xây dựng Chính quyền điện tử gắn kết chặt chẽ với CCHC nhằm tăng cường tính hiệu quả, bền vững.

Khẩn trương rà soát, tổ chức liên thông các phần mềm quản lý văn bản và điều hành của các đơn vị trực thuộc, bảo đảm 100% kết nối, liên thông 4 cấp hành chính.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Thực hiện hiệu quả công tác đầu tư công trên địa bàn tỉnh; tránh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư thực hiện các dự án đầu tư công không hiệu quả, lãng phí nguồn lực; đồng thời tích cực giám sát, kiểm tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công. Phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020....

Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ cấp thiết