Hơn 2,1 triệu lượt hộ thoát nghèo bền vững

NDO -

Ngày 15-7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết năm năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và chủ trì, chỉ đạo Hội nghị. 

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị.

Cùng dự và chủ trì điều hành Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH); đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội; đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc NHCSXH.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, trong số các chính sách phát triển kinh tế, xã hội được triển khai trong thời gian qua, tín dụng chính sách xã hội là một điểm sáng, được đánh giá là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

“Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, thông qua đó tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách”, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Kết quả sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 40 ở các địa phương cũng cho thấy, địa phương nào có các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức đúng đắn, đầy đủ về nội hàm tính “sáng tạo” và “nhân văn”, thực sự quan tâm trong triển khai các nhiệm vụ đã nêu tại Chỉ thị, địa phương đó đạt kết quả rất tích cực.

“Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện tốt chương trình tín dụng chính sách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 40 cũng chính là làm tốt công tác dân vận tại cơ sở, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, triển khai tín dụng chính sách một cách chủ động, kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay được xem là một trong các giải pháp đặc biệt cấp bách, quan trọng, có ý nghĩa rất lớn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện ổn định công ăn, việc làm, ổn định cuộc sống”, đồng chí Nguyễn Văn Bình nêu rõ.

Báo cáo Sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 40, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cũng cho biết: Sau năm năm triển khai Chỉ thị số 40, có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh xã hội; an ninh chính trị, quốc phòng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước.

Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua NHCSXH đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Quy mô tăng trưởng tín dụng không ngừng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày một nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao.

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Hơn 2,1 triệu lượt hộ thoát nghèo bền vững -0
Các cá nhân, tập thể nhận Bằng khen tại Hội nghị. 

Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, nhờ thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40 nên số hộ dân tộc thiểu số (DTTS) được vay vốn từ NHCSXH ngày càng tăng. Hiện đồng bào DTTS chiếm 14,7% dân số cả nước nhưng tỷ lệ dư nợ tại NHCSXH chiếm 24,8% tổng dư nợ; toàn quốc có 3,04 triệu hộ DTTS, đã có 1,4 triệu hộ vay vốn NHCSXH, chiếm 46%; dư nợ bình quân một hộ là 38 triệu đồng.

Báo cáo tại Hội nghị Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết thêm, từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40, quy mô về nguồn vốn và tăng trưởng tín dụng của NHCSXH không ngừng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày một nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao. Dư nợ tín dụng chính sách xã hội đến thời điểm hết tháng 6-2020 đạt khoảng 219.900 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào tám chương trình lớn (chiếm hơn 96%/tổng dư nợ).

“Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định phương thức quản lý vốn và mô hình tổ chức quản trị, điều hành, tác nghiệp của NHCSXH là hoàn toàn phù hợp thực tiễn nước ta; đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội”, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nêu rõ.

Đến nay, trên địa bàn toàn quốc, NHCSXH có mạng lưới hoạt động trải khắp đến tất cả các xã, phường, thị trấn, với gần 11 nghìn điểm giao dịch xã và hơn 178 nghìn tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, bản, ấp.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định: Tín dụng chính sách xã hội là một trong những trụ cột quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Qua năm năm thực hiện, Chỉ thị số 40 đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của nhân dân, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới.

Với những kết quả đã đạt được, đồng chí Trần Quốc Vượng cũng ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, MTTQ, đoàn thể ở các cấp, NHNN và nhất là NHCSXH trong thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư.

Định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40 trong thời gian tới, đồng chí Trần Quốc Vượng cũng nhấn mạnh cần tiếp tục tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp và hệ thống NHCSXH; nâng cao tinh thần vì nhân dân phục vụ, cùng người dân quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách, đẩy lùi tín dụng đen. Đồng thời đề nghị Ban Kinh tế Trung ương cần tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến tại hội nghị cùng với kết quả sơ kết để đề xuất, kiến nghị Ban Bí thư ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ. Trong đó cần nghiên cứu, đề xuất, bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi cũng như nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo nhằm nâng cao hơn nữa hoạt động của tín dụng chính sách xã hội.

Phát biểu tiếp thu và bế mạc Hội nghị, đồng chí Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH ghi nhận, tiếp thu những ý kiến phát biểu và đưa vào chương trình hành động trong việc triển khai Chỉ thị số 40 trong thời gian tới. Hội đồng quản trị NHCSXH sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương các cấp và chỉ đạo toàn hệ thống NHCSXH triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư tốt hơn nữa, nhằm tập hợp nguồn lực của cả cộng đồng và hệ thống chính trị trong công cuộc giảm nghèo bền vững, để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển đất nước.

Nhân dịp này, 22 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 60 Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn là người dân tộc thiểu số được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 25 tập thể và cá nhân ngoài ngành ngân hàng nhận Bằng khen của Thống đốc NHNN Việt Nam.

Trong năm năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 tỷ đồng, tăng hơn 91.000 tỷ đồng so cuối năm 2014. Nguồn vốn ngân sách các địa phương ủy thác để cho vay tăng 15.697 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 31,3%, tăng gấp 4,1 lần so giai đoạn trước khi có Chỉ thị 40, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đạt 19.505 tỷ đồng.

Huy động vốn của xã hội đạt hơn 31.500 tỷ đồng, tăng hơn 25.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 219.565 tỷ đồng, với tổng số tiền đã giải ngân đạt 336.944 tỷ đồng cho hơn 12 triệu lượt hộ được vay vốn. Hơn 2,1 triệu lượt hộ đã thoát nghèo một cách bền vững. 

Đã xây dựng hơn 7,3 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 142.000 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách... Bên cạnh đó, đã có gần 346.000 lượt học sinh sinh viên được vay tín dụng học tập. Hơn 1,3 triệu lượt người được vay vốn chính sách để tạo công ăn việc làm; 24.000 lượt người được vay vốn đi xuất khẩu lao động…