Hoàn thiện thể chế, minh bạch cơ chế

NDO -

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ba Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, có mục tiêu: tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch; thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp đầu tư.

Thứ trưởng KHĐT Vũ Đại Thắng (đứng) chủ trì Họp báo.
Thứ trưởng KHĐT Vũ Đại Thắng (đứng) chủ trì Họp báo.

Ngày 10-7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tổ chức Họp báo giới thiệu về các Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. 

Luật Đầu tư 2020

Phát biểu tại buổi họp báo, đại diện Bộ KHĐT cho biết, Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 được ban hành với mục tiêu tổng thể là nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh. 

Theo Bộ KHĐT, nhằm khắc phục những bất cập, chồng chéo giữa các Luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Luật Đầu tư mới sửa đổi, bổ sung Điều 4 để phân định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư và các Luật có liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư đã sửa đổi, bổ sung 10 nhóm quy định trong Luật Đầu tư 2014 để bảo đảm tính thống nhất với các Luật liên quan đến đất đai, thuế, đồng thời sửa đổi sáu Luật khác để đồng bộ với quy định của Luật Đầu tư 2020, bao gồm: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Điện ảnh.

Luật đầu tư tiếp tục thể chế hóa nguyên tắc Hiến định về bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà luật không cấm, đồng thời góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh

Luật này đã sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng theo Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các Luật thuế và các Luật liên quan.

Đồng thời Luật Đầu tư cũng quy định nhiều nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí không cần thiết trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Luật Đầu từ cũng hoàn thiện, bổ sung các công cụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, bảo đảm an ninh quốc phòng 

Luật Doanh nghiệp 2020

Theo Bộ KHĐT, mục tiêu tổng quát của Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 là hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4. 

Cụ thể, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới).

Nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới).

Nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà nhà nước có phần vốn góp chi phối.

Tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.    

Luật đầu tư theo phương thức PPP 2020

Cũng theo Bộ KHĐT, việc ban hành một đạo luật riêng để bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác.

Trước kia, quy định chi tiết cho hoạt động PPP chỉ dừng ở cấp nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật khác nhau như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công... 

Khung pháp lý ở cấp nghị định sẽ không ổn định, liên tục phải điều chỉnh, gây nhiều bất lợi cho cả phía nhà nước và doanh nghiệp khi thực hiện các dự án PPP có quy mô đầu tư lớn, dài hạn. 

Hơn nữa, việc xây dựng khung pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi chính sách.

Hợp đồng dự án PPP thường kéo dài từ 20 -30 năm. Nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính bền vững của các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng.

Luật đầu tư theo phương thức PPP số 64/2020/QH14 được ban hành là cơ sở cho việc hoàn thiện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng một cách bền vững, lâu dài.

Đáng chú ý, Luật PPP hoàn thiện các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư để tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút đầu tư mạnh mẽ cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công.

Đây là chính sách then chốt của Luật PPP, được nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế quan tâm và đánh giá là bước tiến trong chính sách thu hút đầu tư qua PPP tại Việt Nam.  

Luật PPP với sự kế thừa những quy định tốt đã và đang thực hiện, đồng thời bổ sung các nội dung mới, quan trọng bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP, tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho các dự án PPP trong thời gian tới.