Hiệu quả từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

Mặc dù có nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng, giàu tiềm năng, nhưng hiện nay một số địa phương vẫn “loay hoay” xác định các dòng sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, để sản phẩm OCOP phát huy được hiệu quả, các địa phương cần lựa chọn đúng sản phẩm chủ lực, có lợi thế về chi phí sản xuất và thị trường tiêu thụ; xây dựng chiến lược phát triển cụ thể, tránh tình trạng làm theo phong trào, dàn trải...

Chế tạo các sản phẩm thêu ren tại một cơ sở của tỉnh Ninh Bình.
Chế tạo các sản phẩm thêu ren tại một cơ sở của tỉnh Ninh Bình.

Bài 2: Tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm

Còn không ít thách thức

Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Ngô Tất Thắng cho biết, chương trình OCOP sau hơn một năm triển khai đến nay đã có những kết quả vượt bậc về số lượng; mẫu mã, chất lượng sản phẩm, từng bước được khẳng định, dần hình thành nhóm sản phẩm đặc sản của từng vùng. Đến nay, có 59 tỉnh, thành phố ban hành các quyết định, kế hoạch, đề án thực hiện chương trình, bốn tỉnh đang trong giai đoạn hoàn thiện. Dự kiến, đến năm 2020 số sản phẩm được chuẩn hóa OCOP khoảng 3.800. Trong đó, nhóm thực phẩm có 2.182 sản phẩm, nhóm đồ uống có 397, nhóm thảo dược có 263, nhóm vải may mặc 100, nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí có 665 và nhóm dịch vụ, du lịch và bán hàng có 193 với nguồn lực huy động đạt gần 9.863 tỷ đồng.

Mặc dù chương trình OCOP mang lại những tín hiệu tích cực giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn nhưng hiện nay một số địa phương vẫn chưa xác định được dòng sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường: Công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế; mô hình sản xuất kinh tế hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao; chế biến sản phẩm còn ở dạng thô, thiếu sự liên kết: Việc quản lý chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức; quản lý nhà nước còn bất cập về định hướng quy hoạch sản xuất, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, kết nối thị trường; người dân chưa phát triển sản phẩm truyền thống theo hướng hàng hóa; việc chuẩn hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, thị trường chưa được coi trọng. Việc đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị chưa được thực hiện nhiều.

Ở một số địa phương, việc triển khai thực hiện chương trình OCOP đang gặp nhiều khó khăn. Tại Tuyên Quang, theo Phó Chi cục trưởng Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Huy Hùng, chương trình OCOP đã triển khai được một thời gian nhưng hiện nay sự vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị chưa được quyết liệt, mạnh mẽ. UBND các huyện, thành phố gặp nhiều khó khăn trong tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình; việc hoàn thiện hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP do nội dung triển khai thuộc nhiều lĩnh vực, các ngành khác nhau, trong khi nhân lực tham gia thực hiện lại kiêm nhiệm; không có kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, đơn vị và các hộ sản xuất đầu tư hoàn thiện sản phẩm nhằm đạt tiêu chí của chương trình OCOP. Hay như tỉnh Bắc Giang, khi thực hiện chương trình OCOP, nhiều sản phẩm chưa có nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ…; tại các xã thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, số hợp tác xã, doanh nghiệp ít, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết cho nên việc đề xuất ý tưởng sản phẩm không nhiều.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Việc thực hiện chương trình OCOP đang mở ra hướng phát triển với các sản phẩm có lợi thế, đặc trưng ở các vùng miền. Nước ta mỗi khu vực có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu khác biệt tạo ra những sản phẩm truyền thống, đặc trưng, lợi thế độc đáo khác nhau. Thí dụ tại Bến Tre, nhờ chú trọng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đến nay, tỉnh đã tổ chức đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP lần thứ nhất với 31 sản phẩm đạt bốn sao và 14 sản phẩm đạt ba sao. Hiện nay, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh có chất lượng tốt từ chương trình OCOP không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được phân phối ở các chuỗi siêu thị trong nước, có mặt trên một số chuyến bay quốc tế. Theo UBND tỉnh Bến Tre, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về chương trình OCOP, giúp nhân dân hiểu rõ về lợi ích, sự cần thiết khi tham gia. Qua đó, thay đổi dần tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết, hợp tác và phát huy lợi thế đặc trưng của địa phương.

Theo Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Ngô Tất Thắng, để triển khai hiệu quả chương trình OCOP, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, từ khâu chọn giống đến khâu làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm; tăng cường truyền thông, quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương, tổ chức xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ trong nước và ngoài nước; hỗ trợ kinh phí từ ngân sách cho các chương trình kết nối với các địa phương khác để hình thành hệ thống cung ứng và phân phối hàng hóa.

Mặt khác cũng cần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung chuyên môn hóa vào các ngành có lợi thế của từng địa phương và từng ngành để xây dựng chiến lược phát triển. Nghiên cứu các thông tin về thị trường đầu ra, khả năng cạnh tranh, tránh tình trạng làm theo phong trào, tràn lan. Đồng thời, cần đầu tư nâng cao chất lượng dự báo thị trường, nhất là vấn đề dự báo dài hạn và hằng năm để giúp các doanh nghiệp định hướng kinh doanh. Cùng với đó, tổ chức mở các hội chợ đặc sản vùng miền ở quy mô địa phương, quốc gia, qua đó tạo thêm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm; thiết lập và thúc đẩy hệ thống phân phối, từ đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Chính quyền địa phương nơi có sản phẩm OCOP nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc gìn giữ và phát triển các sản phẩm mang tính truyền thống. Các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn làm tốt vai trò cầu nối, hỗ trợ tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trong việc khai thác, phát huy các giá trị của sản phẩm đã được bảo hộ.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai dự án tăng cường tiếp cận thị trường cho người dân nông thôn thông qua mạng lưới thông tin thị trường dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường tiếp cận thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn thông qua việc thiết lập cổng thông tin điện tử hỗ trợ tiếp cận thị trường; xây dựng mô hình thí điểm “Kênh hỗ trợ thương mại điện tử các sản phẩm OCOP”...

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, đến nay, đã có 11 tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận hơn 530 sản phẩm OCOP. Trong đó có chín sản phẩm năm sao, ba sản phẩm đề xuất năm sao; 174 sản phẩm bốn sao, 347 sản phẩm ba sao, bao gồm: tỉnh Bắc Kạn có 37 sản phẩm, Quảng Nam 25 sản phẩm, Lào Cai 46 sản phẩm, Quảng Ninh 196 sản phẩm, Bến Tre 45 sản phẩm, Nam Định 36 sản phẩm...

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 25-12-2019.

Hiệu quả từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”