Hiệu quả chương trình OCOP ở Phú Xuyên

Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), UBND huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã tập trung trong công tác chỉ đạo, ban hành nghị quyết chuyên đề và xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm với việc rà soát các sản phẩm. Ðến nay, huyện đã có 84 sản phẩm được công nhận OCOP trong đó có 80 sản phẩm OCOP 4 sao; bốn sản phẩm OCOP 3 sao.    

Một gian trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Phú Xuyên.
Một gian trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Phú Xuyên.

Những tác động tích cực

Tính đến nay, chương trình OCOP trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã phát huy hiệu quả, cho giá trị kinh tế cao. Từ các sản phẩm mang “màu sắc” địa phương như: Giò chả, xúc xích, thịt xông khói; các sản phẩm nông nghiệp (bưởi, nấm…); đến các sản phẩm làng nghề (giày da xã Phú Yên; màn tuyn xã Ðại Thắng; bánh kẹo xã Hoàng Long; hàng mây, tre đan xã Phú Túc; tò he xã Phượng Dực…) được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Theo chị Trần Thị Kim Thoa - thành viên Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất giày dép da Việt Anh chia sẻ: Khi tham gia chương trình OCOP, công ty được đơn vị tư vấn hỗ trợ mọi mặt về tư vấn sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Do đó, sản phẩm giày, dép da của Việt Anh đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Từ đó đơn hàng công ty nhận được nhiều hơn, thu nhập của công nhân cũng tăng lên đáng kể.

Mặc dù mới triển khai chương trình OCOP, nhưng ở Phú Xuyên người dân đã bắt nhịp rất nhanh khi chủ động lựa chọn sản phẩm đặc trưng của địa phương trở thành mũi nhọn, tạo đột phá cho phát triển kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường. Ghi nhận tại huyện Phú Xuyên, nơi có nhiều làng nghề truyền thống, được xem là một trong những điều kiện thúc đẩy chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế địa phương. Chúng tôi nhận thấy, đã và đang có nhiều hơn những khu dân cư sầm uất, những con đường có hoa, nhà có số... cho thấy chiến lược phát triển kinh tế của địa phương đã đúng và trúng.

Không chỉ thành công bước đầu trong chương trình OCOP, hiện giờ huyện Phú Xuyên đã sở hữu số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác tương đối nhiều. Ðây chính là sức mạnh nội sinh giúp sản xuất nông nghiệp nói chung, làng nghề nói riêng trên toàn huyện đi vào chuyên nghiệp hóa, hướng đến sản xuất chuyên sâu trong trao đổi, kết nối, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của từng người dân cũng như các cơ sở sản xuất. Ngoài ra, OCOP  còn tạo điều kiện để địa phương hoàn thiện hơn về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hướng đến quy trình sản xuất hiện đại, an toàn và thân thiện với môi trường. Trong đó, yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu, coi đây là yếu tố  then chốt giúp sản phẩm OCOP của địa phương chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.

Ðịnh hướng phát triển

Ðể các sản phẩm OCOP tiếp tục phát triển sau khi chấm điểm và đạt các tiêu chuẩn tại địa phương, huyện đã và đang tập trung phát triển các trung tâm để giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn. Ðồng thời đẩy mạnh phát triển 12 cụm điểm công nghiệp làng nghề. Trong thời gian tới, tất cả các điểm công nghiệp làng nghề sẽ đưa ra cụm điểm để tăng cường bảo vệ công tác môi trường trên địa bàn huyện cũng như gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP. Huyện phấn đấu đến hết năm 2020, có 107 sản phẩm tham gia dự thi cấp thành phố và được công nhận đạt 3 sao trở lên.

Hiện, UBND huyện Phú Xuyên đang tập trung đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh và tham gia triển khai thực hiện chương trình OCOP cho cán bộ quản lý nhà nước cấp huyện, xã và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình. Trước mắt, huyện tập trung phát triển vào sáu nhóm/ngành chính như: nhóm thực phẩm, nhóm thảo dược, nhóm vải và may mặc, nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí, nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng... Song, theo lãnh đạo huyện Phú Xuyên, việc thực hiện sáu nhóm, ngành nói trên cũng không dễ dàng, do thực tế sản xuất tại địa phương còn không ít bất cập. Hiện sản phẩm nông sản của huyện phần lớn có quy mô sản xuất nhỏ, lẻ; việc áp dụng khoa học - kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn, nhiều sản phẩm chưa xây dựng được nhãn hiệu, nhiều sản phẩm kết nối thị trường, xúc tiến sản phẩm còn thiếu... Việc quản trị doanh nghiệp còn gặp phải vướng mắc... Nhiều sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn chưa phát huy được hiệu quả.

Vì thế, ngay từ năm 2019, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng chương trình phát triển du lịch gắn với làng nghề, với trải nghiệm trong nông nghiệp. Qua đó kế hoạch UBND huyện đã được xây dựng và xin ý kiến của các ban, ngành liên quan. Trong thời gian tới khi kế hoạch này được phê duyệt thì sẽ giúp cho ngành du lịch gắn kết các sản phẩm OCOP, trải nghiệm nông nghiệp trên địa bàn của huyện sẽ giúp giá trị gia tăng sản phẩm và việc quảng bá du lịch được tốt hơn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Hoàng Trọng Vĩnh khẳng định.

Ngày 10-11, tổ tư vấn thành phố đã phối hợp UBND huyện Phú Xuyên tổ chức đánh giá 84 sản phẩm của huyện. Kết quả phân hạng 80 sản phẩm 4 sao, bốn sản phẩm được 3 sao. Trong đó những sản phẩm như: tò he truyền thống, tò he hình đuôi rồng lưỡng long quy tụ (thôn Xuân La, xã Phượng Dực); túi xách bèo, lồng đèn mây (thôn Trung Lập, Tri Trung); đồng hồ quả lắc (thôn Sơn Thanh, xã Sơn Hà); giày đế da Việt Anh (thôn Tư Sản, xã Phú Túc); xúc xích Hotdog; nem chua (thôn Cát Bi, xã Nam Tiến) được đánh giá cao, hơn 80 điểm đạt OCOP 4 sao năm 2020.