Hiệu quả Chương trình cảnh quan bền vững xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn được xác nhận ở Đắk Lắk

NDO -

Chiều 1-12, tại TP Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động Chương trình cảnh quan bền vững tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020 và xây dựng định hướng cho giai đoạn 2021-2025, hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn được xác nhận (VSA) ở Tây Nguyên.

Các đại biểu trao đổi về hiệu quả của Chương trình cảnh quan bền vững tại hội nghị.
Các đại biểu trao đổi về hiệu quả của Chương trình cảnh quan bền vững tại hội nghị.

Dự hội nghị có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng; đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), lãnh đạo các công ty, tổ chức, tập đoàn gồm: IDH, JDE, Nestle, Simexco, ACOM, LDC, OLAM, INTIMEX, Vinacafe, Nedcoffee, các công ty cung ứng vật tư nông nghiệp, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Dự án VNSAT, WASI cùng đại diện của 10 hợp tác xã và hơn 100 nông dân đại diện cho người dân trên địa bàn các xã của tỉnh Đắk Lắk triển khai chương trình, các đối tác ở khu vực tư của chương trình…

Chương trình cảnh quan bền vững bắt đầu được triển khai ở tỉnh Đắk Lắk từ những năm 2013, chương trình chủ yếu tập trung hỗ trợ cho các hộ nông dân sản xuất cà-phê đạt được chứng chỉ bền vững như UTZ, 4C, mưa rừng nhiệt đới… nhằm hướng đến mục tiêu phát triển chuỗi giá trị sản phẩm và sản xuất bền vững. Trong giai đoạn đầu từ năm 2013 đến 2014, có hơn 17 nghìn nông hộ trên địa bàn 28 xã thuộc tám huyện của tỉnh Đắk Lắk đã được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình.

Hiệu quả Chương trình cảnh quan bền vững xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn được xác nhận ở Đắk Lắk -0
Các đại biểu, đối tác của Tổ chức IDH tham quan mô hình vùng nguyên liệu quy mô lớn được xác nhận tại xã Ea Tân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. 

Bước sang giai đoạn năm 2015, chương trình đã tiến hành nhân rộng thành công của giai đoạn trước, xây dựng gần 200 mô hình trình diễn tại 17 xã trên toàn tỉnh nhằm tạo điểm cho nông dân chung quanh học hỏi và nhân rộng. Thời điểm này, chương trình còn triển khai các hoạt động đào tạo, triển khai các giải pháp như: hệ thống tưới nước tiết kiệm, mô hình nông-lâm kết hợp, cải thiện dịch vụ dinh dưỡng cây trồng và sử dụng hóa chất nông nghiệp an toàn…

Giai đoạn 2018, chương trình triển khai phương pháp mới tiếp cận theo hướng xây dựng các khu vực tiểu vùng cảnh quan, liên kết nông hộ trong cùng một khu vực lên kế hoạch cùng đầu tư và thay đổi cảnh quan theo hướng bền vững cho 500 ha cà-phê ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng với các giải pháp đồng bộ về nước tưới, quản lý đầu vào, xây dựng vùng đệm, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm…

Từ đầu 2019 đến nay, khu vực tiểu cảnh quan đã được mở rộng với diện tích 5.200 ha ở ba xã Ea Tân, Ea Toh và Đlie Ya của huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk với tên gọi Chương trình sản xuất kết hợp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn được xác nhận (VSA) trên địa bàn huyện.

Hiệu quả Chương trình cảnh quan bền vững xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn được xác nhận ở Đắk Lắk -0
 Các đại biểu và đại diện Tổ chức IDH trao đổi với người dân tham gia Chương trình cảnh quan bền vững xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn được xác nhận tại xã Ea Tân, huyện Krông Năng.

Sau hai năm 2019-2020 triển khai thực hiện, chương trình đã tạo ra được những tác động rất cụ thể trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, đời sống của người nông dân ở địa phương. Ở góc độ sản xuất và bảo vệ môi trường, chương trình thí điểm đã góp phần giảm 14% lượng phân bón hóa học được sử dụng và giảm 17% lượng nước tưới trong sản xuất cà-phê. Việc áp dụng các biện pháp thực hành canh tác bền vững đã góp phần làm giảm 11% chi phí sản xuất và 10% lượng CO2 được phát thải ra môi trường. Thu nhập của người nông dân trong vùng thí điểm tăng thêm 30% thông qua trồng xen và đa dạng hóa cây trồng. 100% lượng cà-phê được sản xuất trong vùng thí điểm được thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường.

Với những kết quả đạt được và lợi ích do chương trình mang lại, theo kế hoạch đến năm 2025, chương trình cảnh quan bền vững sẽ tiếp tục nhân rộng ra các huyện khác của tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên với mục tiêu đưa tổng diện tích toàn vùng lên khoảng 90 nghìn ha…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng khẳng định: “Bước đầu, chương trình cảnh quan bền vững đạt hiệu quả tốt, phù hợp với tình hình thực tế và được nhân dân địa phương ủng hộ. Chương trình cũng đi đúng định hướng của tỉnh là phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với bảo vệ phát triển rừng bởi Đắk Lắk là một tỉnh có điều kiện rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Để có được thành công như ngày hôm nay, các đối tác công, tư và Tổ chức IDH đã mất nhiều năm thí điểm các mô hình. Dù mô hình còn nhỏ nhưng lại có sức lan tỏa rất lớn và quan trọng nhất là được người dân đồng tỉnh ủng hộ. Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã có chỉ đạo sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra khoảng 90 nghìn ha trên toàn tỉnh, hướng bà con tới canh tác bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe và môi trường”.

Trong khi đó, bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc khu vực châu Á, Chương trình cảnh quan bền vững của Tổ chức IDH cho rằng, sở dĩ chương trình đã đạt được những kết quả trên thứ nhất là nhờ huy động được sức dân. Chương trình luôn được thực hiện với sự đồng hành của người dân. Tổng số đóng góp của người dân chiếm khoảng 14% trong tổng kinh phí thực hiện chương trình lên tới 11 triệu euro. Ngoài ra, người dân còn đóng góp sức người cho các hoạt động của chương trình, hiến đất cho việc xây dựng các công trình thủy lợi cộng đồng, xây dựng các công trình công cộng. Thứ hai là xây dựng và vận hành hiệu quả cơ chế hợp tác công tư: Các bên tham gia đã đồng thuận các mục tiêu chung và cam kết phối hợp kế hoạch hành động và đầu tư dựa trên các yêu cầu của thị trường và hài hòa hóa với các mục tiêu tăng trưởng của địa phương. Thứ ba là thay đổi trong chiến lược kinh doanh sản phẩm bền vững của các doanh nghiệp chuỗi cung ứng trong và ngoài nước. Cuối cùng là vai trò của Tổ chức IDH trong việc vận động và kết nối khối công-tư cũng như hỗ trợ thiết kế các giải pháp can thiệp sáng tạo, phù hợp. Trong việc triển khai các chương trình, Tổ chức IDH đã vượt qua vai trò của nhà tài trợ mà trở thành đối tác quan trọng trong quá trình vận động, kết nối và hình thành liên minh công tư, huy động và kết hợp nguồn lực từ các đối tác và nhà tài trợ khác cho việc triển khai có hiệu quả chương trình.

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk và Tập đoàn JDE cùng Tổ chức IDH đã ký kết biên bản ghi nhớ triển khai thực hiện vùng nguyên liệu quy mô lớn được xác nhận tại tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030…