Hàng không mở rộng mạng bay, khôi phục thị trường

Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt gần đây, đã giúp tần suất các chuyến bay nội địa tăng trưởng rất nhanh. Các chuyên gia dự báo, nếu tình hình dịch tiếp tục có diễn biến khả quan, thị trường hàng không nội địa trong năm nay và sang năm sau có cơ hội phục hồi, nhưng vẫn chưa thể lấy lại được “phong độ” như trước đây.

Hành khách làm thủ tục hàng không tại sân bay Nội Bài.
Hành khách làm thủ tục hàng không tại sân bay Nội Bài.

Tăng trưởng ấn tượng

Theo Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (NIA) Tô Tử Hà, từ đầu tháng 9 đến nay, lượng hành khách qua sân bay Nội Bài tăng trưởng từ 15 đến 25% hằng tuần. Đặc biệt, cuối tháng 9 vừa qua, NIA đã đón gần 340 lượt chuyến bay, với gần 50 nghìn lượt hành khách mỗi ngày, tăng gấp hơn ba lần so tháng 8. Đây là con số rất ấn tượng, cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ của ngành hàng không bởi thời điểm tháng 8 trước đó, khi dịch bùng phát lần thứ hai ở Đà Nẵng, ngày thấp nhất NIA chỉ đón 118 chuyến, với khoảng 13 nghìn lượt hành khách. Phục vụ các chuyến bay tăng trưởng mạnh trở lại, NIA đã trang bị các màn chắn giọt bắn tại một số vị trí ở nhà ga hành khách T1 và T2. Đồng thời, ban hành quy trình khai thác áp dụng tại sân bay Nội Bài, thực hiện tất cả khuyến cáo phòng dịch của Bộ Y tế, chi tiết hóa các bước thủ tục mà hành khách đi và đến sân bay sẽ thực hiện, nhằm bảo đảm sức khỏe cho hành khách và nhân viên, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Dù bối cảnh nền kinh tế và thị trường có nhiều biến động do đại dịch Covid-19, song Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) vẫn giữ vững vị thế dẫn đầu ngành hàng không trong nước. Trưởng ban Tài chính - kế toán VNA Trần Thanh Hiền đánh giá: Trong chín tháng qua, Vietnam Airlines Group (bao gồm các  hãng VNA, Pacific Airlines và VASCO) chiếm 51,7% thị phần vận chuyển hành khách nội địa, thực hiện an toàn tuyệt đối 46.700 chuyến bay, vận chuyển gần 11,9 triệu lượt hành khách và 146 nghìn tấn hàng hóa. Tuy quý III ghi nhận sự tăng trưởng tích cực về sản lượng vận chuyển hành khách so quý II, nhưng do các hãng hàng không trong nước tăng tải ồ ạt, đồng thời thực hiện nhiều chương trình kích cầu thúc đẩy du lịch theo mục tiêu lớn của Chính phủ và thị trường hàng không quốc tế chưa được khai thác trở lại cho nên hiệu quả trực tiếp cho Vietnam Airlines Group còn rất hạn chế. Hãng đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp mạnh mẽ để ứng phó, duy trì sản xuất, kinh doanh như tổ chức lại sản xuất phù hợp quy mô thị trường bị thu hẹp; tiết kiệm, cắt giảm triệt để chi phí; tái cơ cấu và tổ chức lại lao động; đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, bay thuê chuyến chở khách hồi hương và khách chuyên gia; thanh lý đội tàu bay cũ,... Các giải pháp này đã góp phần giúp VNA có tổng doanh thu hợp nhất trong chín tháng ước đạt gần 24 nghìn tỷ đồng, mức lỗ hợp nhất dự kiến 10.750 tỷ đồng, trong đó Công ty mẹ lỗ hơn 8.700 tỷ đồng. Với nỗ lực tìm kiếm cơ hội để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, ngoài tăng cường vận chuyển hàng hóa, VNA đã mở mới thêm 22 đường bay nội địa, hiện hãng đang khai thác hơn 60 đường bay nội địa với trung bình 300 chuyến bay mỗi ngày. Sản lượng vận chuyển hành khách nội địa có thời điểm vượt 12% so với cùng kỳ, đánh dấu sự phục hồi ấn tượng kể từ sau đợt dịch Covid-19 lần thứ hai tại Việt Nam. 

Cần được hỗ trợ cấp bách

Đại dịch Covid-19 đã đẩy ngành công nghiệp vận tải hàng không thế giới vào giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hơn 100 năm hình thành, các hãng đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng tiền mặt vì không thể tạo ra doanh thu nhưng mỗi phút phải tốn tới 300 nghìn USD để duy trì việc cầm cự, chờ thị trường phục hồi. Cuối tháng 9 vừa qua, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã có báo cáo đánh giá về thị trường hàng không thế giới năm 2020, cho thấy sản lượng hành khách, doanh thu đều sụt giảm. Các hãng hàng không Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, mặc dù có lợi thế về tốc độ tăng trưởng cao duy trì liên tục nhiều năm qua và quy mô thị trường nội địa. Giữa năm nay, IATA đã đánh giá khu vực châu Á - Thái Bình Dương chịu thiệt hại nặng nề nhất với mức lỗ 29 tỷ USD, riêng các hãng hàng không Việt Nam mất khoảng bốn tỷ USD doanh thu. 

Các chính sách hỗ trợ cho ngành hàng không thời gian qua chưa phát huy nhiều tác dụng do thời gian thực hiện ngắn và quy mô quá nhỏ so với mức thiệt hại chưa từng có. Đơn cử, chính sách giảm 50% giá dịch vụ cất, hạ cánh, giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa và quy định mức giá tối thiểu 0 đồng đối với tám dịch vụ hàng không chỉ được áp dụng từ ngày 1-3 đến hết ngày 30-9-2020. Chính sách giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay cũng chỉ áp dụng từ ngày 1-8 tới hết ngày 31-12-2020,… TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, VNA là hãng bay bị tác động nặng nề nhất nhưng cũng là nhân tố đầu tiên phục hồi nhanh nhất. Nhà nước với tư cách chủ sở hữu lớn nhất cần có chính sách tháo gỡ hữu hiệu. Còn TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng nêu quan điểm, Nhà nước không có đủ tiền để cứu tất cả doanh nghiệp, cứu VNA phải hiểu là cứu nền kinh tế chứ không phải là doanh nghiệp đơn thuần. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, VNA có tiềm lực tài chính rất mạnh, cho nên thời gian qua vẫn cầm cự hoạt động dù chưa nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ, song mức dự trữ tiền mặt cũng chỉ đủ “nuôi” hãng khoảng 2,5 tháng và đến nay đã tiệm cận mức cạn kiệt dòng tiền. Đại diện lãnh đạo VNA cũng bác bỏ thông tin cho rằng hãng có đơn xin Chính phủ phá sản, bởi VNA là Hãng hàng không quốc gia, Nhà nước nắm giữ phần lớn cổ phần, dù dịch Covid-19 tác động nặng nề, song không chỉ hãng mà Chính phủ cũng sẽ sử dụng các giải pháp nhằm duy trì vị thế, thương hiệu, hình ảnh của hãng đối với thế giới. 

Hiệp hội Hàng không Việt Nam đã đệ trình một gói hỗ trợ chung để giúp các hãng hàng không duy trì sản xuất, kinh doanh, không để chủ nợ gây khó khăn. Đối với VNA, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã kiến nghị Chính phủ gói hỗ trợ 12 nghìn tỷ đồng cho VNA, bao gồm cho vay cấp bù lãi suất 4.000 tỷ đồng thông qua ngân hàng thương mại và tăng vốn chủ sở hữu 8.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này cần được thực hiện kịp thời, trong đó cần làm rõ nội dung về tính pháp lý trong phát hành cổ phiếu cho số cổ đông hiện hữu và thời hạn tái cấp vốn sau khi tổ chức tín dụng cho vay, tạo cơ sở để Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tham gia đầu tư vào VNA bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Là doanh nghiệp nhà nước nắm hơn 86% số cổ phần, khả năng hoạt động liên tục của VNA phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ, cũng như việc được gia hạn thanh toán các khoản vay phải trả từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, nhà cung cấp và diễn biến của dịch bệnh. VNA đã kiến nghị Chính phủ được vay tối thiểu 4.000 tỷ đồng trong ít nhất ba năm với lãi suất ưu đãi theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phù hợp tình huống hỗ trợ khẩn cấp, có bảo lãnh của Chính phủ.