Hạn, mặn tiến công đồng bằng sông Cửu Long

Tính đến nay, đã có 12 tỉnh công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó có mười tỉnh thuộc nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là Bình Thuận, Ninh Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh và hai tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai và Kon Tum.

Người dân thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại (Bến Tre) kéo ống dẫn từ téc nước tăng cường để tưới cho hoa màu đang chịu hạn, mặn.
Người dân thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại (Bến Tre) kéo ống dẫn từ téc nước tăng cường để tưới cho hoa màu đang chịu hạn, mặn.

Dự báo, thiên tai sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, hàng trăm nghìn hộ dân có thể sẽ bị đói do mất nguồn lương thực. Đối phó và thích nghi với hạn, mặn đang cần sự chung sức của nhiều ngành, địa phương, các cơ quan chức năng và các tổ chức quốc tế.

Thiên tai kép

Từ cuối năm 2014, do tác động của hiện tượng El Nino mạnh, kéo dài nhất trong lịch sử ảnh hưởng đến nước ta, làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa. Tại ĐBSCL, mùa mưa năm 2015 đến muộn, kết thúc sớm, tổng lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Trong khi đó, những tháng đầu năm 2016, dòng chảy từ sông Mê Công suy giảm, xâm nhập mặn sớm, sâu nhất trong lịch sử đã xảy ra ở ĐBSCL (trên sông Vàm Cỏ, mặn xâm nhập sâu vào cửa sông 93 km, các cửa sông khác đều từ 50 đến 70 km), ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Theo báo cáo nhanh của các tỉnh ĐBSCL, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tính đến trung tuần tháng 3-2016, thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn làm 409.917 hộ bị ảnh hưởng; 168.501ha lúa bị thiệt hại, nhiều diện tích mất trắng.

Hơn 15 nghìn ha hoa màu, gần 13.500 ha cây ăn quả và hơn một nghìn ha thủy sản bị thiệt hại nặng nề. Đáng nói là hạn hán, xâm nhập mặn đã có những diễn biến bất thường, không thể lường trước. Cụ thể, Vĩnh Long là tỉnh không hề giáp biển, từ trước đến nay vẫn đầy ắp nước ngọt quanh năm; nhưng năm nay, mới từ đầu mùa khô, nước đã chuyển mặn khiến cây héo, lúa chết, người dân thiếu nước sinh hoạt. Huyện Mang Thít lần đầu bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, độ mặn đo được ở nhiều xã có mức cao nhất lên đến sáu phần nghìn. TP Cần Thơ, dù cách cửa biển tới gần 100 km nhưng cũng bị nước mặn tiến công.

Hiện nước mặn đã xâm nhập đến cảng Cái Cui (cách bến Ninh Kiều 7 km). Nếu mặn tiếp tục xâm lấn sâu vào bến Ninh Kiều và tiến công vào đầu nguồn sông Cần Thơ thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Là một trong số những tỉnh sớm công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, đến đầu tháng 3, tỉnh Long An đã có gần 9.000 ha lúa bị thiệt hại, trong đó mất trắng 2.100 ha. Dự báo đến hết tháng 3, sẽ có thêm khoảng 9.230 ha lúa hè thu sớm bị thiệt hại từ 30 đến 50%, tổng giá trị tương đương 97,7 tỷ đồng. Trong tháng 4-2016 sẽ có thêm hơn năm nghìn ha lúa bị thiệt hại với giá trị khoảng 54 tỷ đồng, chưa kể 20 nghìn ha chắc chắn thiếu nước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được cho biết: Tỉnh đã triển khai một số biện pháp chống hạn, mặn trong thời gian qua nhưng nếu tình hình nghiêm trọng hơn thì cần có sự hỗ trợ từ T.Ư về kinh phí khôi phục sản xuất, nạo vét kênh và đắp một số đập ngăn mặn, ước tính 60 tỷ đồng. Tỉnh cũng đề xuất Chính phủ cho đầu tư hai công trình cấp nước sinh hoạt cho hai huyện Cần Đước và Cần Giuộc vì hai huyện này gần biển, không có nguồn nước ngọt.

Chung sức chống hạn, mặn

Đến thời điểm này, toàn bộ 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đã bị xâm nhập mặn. Nếu tình trạng khô hạn và tốc độ xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay thì dự báo trong vòng ba năm nữa, nền sản xuất nông nghiệp khu vực sẽ bị kiệt quệ. Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Ma Quang Trung cho biết: Theo báo cáo và khảo sát thực tế tại các địa phương, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang ở mức hết sức nguy cấp. Vì vậy, cần các giải pháp cấp bách để cứu nguy cho sản xuất và người dân. Ngành nông nghiệp đã có những giải pháp ứng phó trước mắt, cụ thể là phát hướng dẫn bằng văn bản tới từng hộ dân, hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái.

Đối với lúa đông xuân ở giai đoạn lúa trổ làm đòng ở vùng nhiễm mặn hơn ba phần nghìn cần tranh thủ thời gian có nước ngọt để tích tối đa vào kênh mương; vùng nhiễm mặn ít hơn ba phần nghìn tranh thủ tưới trong giai đoạn lúa trổ. Trường hợp không đủ nước tưới có thể sử dụng nước nhiễm nhẹ (ít hơn hai phần nghìn) hoặc dùng nước ngọt phun lá. Với vụ hè thu, ở vùng cách biển ít hơn 50 km tuyệt đối không xuống giống; vùng cách biển từ 50 đến 80 km có thể xuống giống ngắn ngày và chịu mặn; vùng cách hơn 80 km có thể xuống giống bình thường. Đối với cây ăn trái, khi có nguy cơ nhiễm mặn, cần sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình) phủ gốc giữ ẩm cho cây. Đồng thời cắt tỉa cành, tạo tán gọn để hạn chế thoát hơi nước.

Sau cuộc họp tại TP Cần Thơ đầu tháng 3-2016 về công tác chống xâm nhập mặn cho các tỉnh ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ vừa có thông báo kết luận về các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của các bộ, ngành chức năng và các địa phương. Trong đó, vấn đề quan trọng là kinh phí thực hiện được nhấn mạnh. Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2016 cho 34 địa phương (trong đó có chín tỉnh ĐBSCL); đồng ý nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách T.Ư đối với các địa phương khó khăn, bị ảnh hưởng nặng do xâm nhập mặn để lắp đặt thêm hệ thống đường ống dẫn nước ngọt, vận hành hệ thống kiểm soát mặn, đắp đập tạm, khoanh vùng ngăn mặn, giữ nước ngọt, vận chuyển nước ngọt phục vụ sinh hoạt của nhân dân.

Về lâu dài, trên cơ sở dự báo kịch bản biến đổi khí hậu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, cập nhật điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH vùng như: hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, khu đô thị, dân cư… phù hợp tình hình biến đổi khí hậu. Hệ thống thủy lợi trong toàn vùng cũng phải được rà soát, quy hoạch lại để bảo đảm tính đa mục tiêu, vừa ngăn mặn vừa trữ ngọt hợp lý. Bên cạnh đó, các địa phương đề cao tinh thần năng động, sáng tạo trong phát triển. Đặc biệt, cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện cụ thể để sớm phát huy hiệu quả trên thực tế.

ĐBSCL chiếm 12% diện tích tự nhiên, gần 20% dân số, đóng góp 17% GDP cả nước, 47% diện tích trồng lúa, 56% sản lượng lương thực, 90% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản phẩm thủy sản xuất khẩu của nước ta… Đây là vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm an ninh lương thực cả nước nhưng nền sản xuất nông nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị kiệt quệ do hạn, mặn, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều vùng có nguy cơ thiếu đói. Chính vì vậy, cần triển khai chống xâm nhập mặn và hạn hán với tinh thần tích cực, khẩn trương để giảm thiệt hại đối với sản xuất và sinh kế của người dân.

Ứng phó hạn, mặn trong sản xuất nông nghiệp vùng duyên hải Nam Trung Bộ

Ngày 18-3, tại Ninh Thuận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Các giải pháp ứng phó với tình hình hạn hán trong sản xuất nông nghiệp vùng duyên hải Nam Trung Bộ”. Diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân về quản lý, sử dụng tiết kiệm nước và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với hạn hán. Đồng thời giới thiệu các giống cây trồng có khả năng chịu hạn, cho năng suất cao. Theo kế hoạch, từ năm 2016 đến 2020, vùng duyên hải Nam Trung Bộ tiếp tục chuyển đổi khoảng 56 nghìn ha lúa sang các cây trồng khác hiệu quả hơn.