An toàn giao thông

Gỡ vướng cơ chế, bảo đảm an toàn bay

Mới đây, tại hội nghị sơ kết công tác an ninh, an toàn hàng không (ATHK), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đã yêu cầu các bộ, ngành và hãng hàng không cần hợp tác, bảo đảm tuyệt đối ATHK, không để xảy ra tình trạng giành giật phi công, hướng đến phát triển ngành hàng không lành mạnh.

Đường cất cánh - hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất hư hỏng, xuống cấp, gây mất an toàn bay.
Đường cất cánh - hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất hư hỏng, xuống cấp, gây mất an toàn bay.

Sự cố uy hiếp an toàn bay giảm

Từ đầu năm đến nay, thị trường hàng không Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng nhanh về sản lượng vận chuyển (tăng 8,4% so cùng kỳ năm 2018), đội tàu bay tăng 29 tàu. Thị trường có thêm một hãng hàng không mới là Bamboo Airways. Trong bối cảnh đó, ATHK vẫn được bảo đảm tốt hơn so với cùng kỳ năm 2018, nhất là không để xảy ra tai nạn, sự cố mất an toàn bay nghiêm trọng (mức B). Số lượng sự cố các mức C và D giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2018, tuy nhiên các sự cố liên quan đến vật ngoại lai vẫn cao so với cùng kỳ. Theo Thứ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn, trong bảy tháng qua, công tác bảo đảm ATHK cơ bản được duy trì tốt, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và đầu cao điểm hè không để xảy ra tai nạn, sự cố mất an toàn bay nghiêm trọng (mức B); các sự cố uy hiếp an toàn cao mức C cũng giảm so cùng kỳ năm 2018. Tháng 3 vừa qua, sau các tai nạn với tàu bay B737 Max của hãng Lion Air và Ethiopia Airlines, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã chủ động, kịp thời đưa ra quyết định cấm khai thác tàu bay B737 Max trong không phận Việt Nam. Ngày 15-2, Cục HKVN đã chính thức đạt Chứng nhận năng lực giám sát ATHK quốc gia mức 1 của Cục Hàng không LB Hoa Kỳ, ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong hoàn thiện tổ chức giám sát an toàn hàng không, đáp ứng hội nhập quốc tế, là tiền đề mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn còn để xảy ra một số vụ việc như trộm cắp tài sản, hành khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm sai quy định; gây rối trật tự công cộng, đe dọa nhân viên hàng không (điển hình như vụ việc hành khách say rượu có hành vi sàm sỡ nữ hành khách và tiếp viên). Ngoài lỗ hổng về tuyên truyền pháp luật ATHK, vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu tuân thủ quy trình xử lý, năng lực chuyên môn, tính chủ động chưa cao của đội ngũ nhân viên hàng không. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, các hãng sử dụng phi công nước ngoài chiếm tỷ lệ cao, nhiều quốc tịch, việc này có nguy cơ gây khó khăn trong kiểm soát và tiêu chuẩn hóa. Các cơ quan quản lý ngành hàng không cần có biện pháp hạn chế tình trạng giành giật phi công trong nước. Phi công do Nhà nước đào tạo là tài nguyên quốc gia, phải hướng đến ngành hàng không lành mạnh, tăng vị thế quốc gia, tránh mặt trái của kinh tế thị trường, phát triển đúng chiến lược về nguồn nhân lực, tàu bay.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông hàng không cho toàn xã hội, lấy xây dựng văn hóa an toàn trong cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thực thi công vụ và doanh nghiệp hàng không làm động lực. Các địa phương phải quản lý tốt địa bàn, phát hiện sớm những nơi nào tiềm ẩn nguy cơ, tuyên truyền cho dân cư khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay để phòng ngừa, phát hiện, xử lý trường hợp nghi vấn sử dụng chất cháy, chất nổ và các phương tiện bay siêu nhẹ.

Gỡ vướng cơ chế nâng cấp khu bay

Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng HKVN (ACV) Vũ Thế Phiệt, vướng mắc lớn nhất có thể ảnh hưởng đến an ninh, ATHK tại cảng hàng không nằm ở cơ chế đầu tư, nâng cấp khu bay. Tuy nhiên, cơ chế hiện nay không cho phép ACV được đầu tư vào đây, kể cả bảo dưỡng, sửa chữa lớn hạ tầng cũng không được. Trong khi đó, nguy cơ mất an toàn do xuống cấp nghiêm trọng hai đường cất cánh - hạ cánh (CCHC) tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất là rất lớn, không biết sẽ phải đóng cửa, dừng khai thác vào lúc nào. Bày tỏ sự lo lắng lớn cho ATHK, ông Phiệt cho biết: “Tại sân bay Nội Bài, khi máy bay CCHC, bùn liên tục phụt lên bề mặt. ACV bảo dưỡng, trám vá bằng công nghệ mới nhất, nhưng cũng không kéo dài được lâu vì nền móng trong quá trình khai thác lâu ngày đã hư hỏng, xuống cấp. Chúng tôi đang phải huy động lực lượng kiểm tra hằng ngày, hằng giờ đối với hai đường CCHC này. Hiện tại, ACV chỉ có thể duy trì khắc phục đến hết mùa mưa năm nay, sang năm 2020, việc đầu tư sửa chữa là hết sức cấp bách”.

Đường băng sân bay Tân Sơn Nhất được sửa chữa, đưa vào sử dụng từ tháng 6-2013, bảo đảm khai thác tàu bay B777 - 300 ER hoặc tương đương với tần suất hoạt động 55.100 lần CCHC trong 10 năm. Trong khi đó, tính đến hết tháng 4-2018, tổng số lần CCHC trên đường này (quy đổi) lên tới 126 nghìn lần, vượt nhiều lần so thiết kế. Tại sân bay Nội Bài, đường băng khai thác năm 2003, khai thác tàu bay B747-400 cho khoảng 10.500 lượt CCHC trong 20 năm. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 4-2018, tổng số lần CCHC đã lên tới 284.200 lần. Nếu không sớm cải tạo, nâng cấp mà vẫn tiếp tục duy trì khai thác như hiện nay, sẽ tiềm ẩn nguy cơ phải đóng cửa, không khai thác hai đường CCHC trên. Việc đóng cửa sẽ tăng thêm áp lực khai thác cho hai đường CCHC còn lại, gây ảnh hưởng an toàn bay, đồng thời giảm sản lượng khai thác tại hai sân bay lớn này.

Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng xem xét bố trí kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn dự phòng của Chính phủ, dự kiến gần 4.500 tỷ đồng để nâng cấp sửa chữa các hạng mục kể trên. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV Lại Xuân Thanh, nếu có cơ chế giao cho ACV quản lý khai thác hạ tầng khu bay, đơn vị có thể dùng quỹ đầu tư phát triển để đầu tư. Tuy nhiên, Cục HKVN cho biết, Cục đang xây dựng Đề án quản lý khai thác hạ tầng khu bay trình Bộ GTVT xem xét, thẩm định trong tháng 8 này, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều này cũng đồng nghĩa, hiện chưa rõ khu bay sẽ được quản lý khai thác theo hình thức nào (giao hay cho thuê), ACV chỉ duy tu bảo dưỡng hay cũng được cả đầu tư, nguồn vốn đầu tư khu bay lấy từ đâu,…

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã bày tỏ sự lo lắng về hạ tầng khu bay tại sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất đang xuống cấp nhanh chóng, có thể ảnh hưởng đến an ninh, ATHK và trực tiếp chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng tháo gỡ cơ chế, sớm xử lý vướng mắc đầu tư nâng cấp hạ tầng khu bay. Hạ tầng khu bay, cụ thể là đường CCHC tại sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất xuống cấp, cần tập trung tháo gỡ để nâng cấp, cải tạo nhanh. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xử lý các vấn đề liên quan để sớm khởi công dự án đầu tư, nâng cấp khu bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Đây là vấn đề rất cấp bách, cần thiết phải tách riêng để xử lý.