Gỡ khó cho ngành mía đường

Một phần nguyên nhân tình trạng đường tồn kho, giá sụt giảm diễn ra hơn một năm nay xuất phát từ cơ chế "xin - cho" trong việc cấp phép, dẫn tới việc xuất khẩu đường chậm không đúng thời điểm thuận lợi. Thực tế này cần sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan nhằm đưa ra các chính sách linh hoạt, phù hợp để gỡ khó cho ngành mía đường.

Giá thấp, lượng đường tồn kho nhiều đang gây khó khăn, áp lực đối với ngành mía đường. Ảnh: VĂN MIÊN
Giá thấp, lượng đường tồn kho nhiều đang gây khó khăn, áp lực đối với ngành mía đường. Ảnh: VĂN MIÊN

Ổn định vùng nguyên liệu

Tỉnh Thanh Hóa hiện có bốn nhà máy đường với tổng công suất ép 19.500 tấn mía/ngày và diện tích mía nguyên liệu gần 34.778 ha trải rộng ở hơn 10 huyện vùng bán sơn địa, miền núi trong tỉnh. Mấy chục năm qua, cây mía thật sự là cây xóa đói giảm nghèo, mở hướng làm giàu cho nông dân nơi đây. Trong quy hoạch tổng thể, ngoài bảo đảm diện tích trồng mía, tỉnh dành hơn 3.000 ha để trồng luân canh, cây họ đậu nhằm cải tạo, tăng độ phì cho đất trồng mía. Cùng với việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu mía giảm xuống còn hơn 30 nghìn ha vào năm 2015, niên vụ 2012 - 2013, nhờ cơ giới hóa khâu làm đất được áp dụng hơn 80% diện tích trồng mới, cơ cấu giống mía mới có tiềm năng cho năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh..., cho nên năng suất mía bình quân đạt 61 tấn/ha, tăng 5,6 tấn/ha, chữ lượng đường đạt 9,8 CCS, tăng 0,8 CCS so với niên vụ trước. Niên vụ 2013-2014, năng suất mía bình quân ước đạt 61,7 tấn/ha, sản lượng hơn 2,1 triệu tấn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa Mai Bá Luyến khẳng định: Trên cơ sở quy hoạch vùng nguyên liệu đã được phê duyệt, các huyện tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng kế hoạch phát triển mía nguyên liệu ở địa phương phù hợp với quy hoạch chung toàn vùng cũng như quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp của tỉnh. Kiên quyết không bố trí trồng mía trên đất dốc 15 độ trở lên và diện tích đã quy hoạch trồng các loại cây trồng khác...

Tại Quảng Ngãi, hiện tỉnh này đã quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía khá ổn định với tổng diện tích khoảng 5.000 ha. Nhiều huyện đã xây dựng vùng mía tập trung chuyên canh đạt năng suất bình quân 65 tấn/ha (có nơi đạt hơn 80 tấn/ha). Dự kiến vụ mía năm 2013 - 2014, toàn tỉnh đạt sản lượng gần 300 nghìn tấn mía cây, đủ nguyên liệu cho Nhà máy đường Phổ Phong với công suất 2.000 tấn mía/ngày hoạt động ổn định và bảo đảm thu mua, chế biến hết sản lượng mía cho nông dân.

Tổng Giám đốc Công ty CP đường Quảng Ngãi Võ Thành Ðàng cho biết, năm nay giá đường trên thị trường trong nước cũng như thế giới biến động thường xuyên cho nên lượng đường tiêu thụ chậm, ảnh hưởng đến việc trồng mía của nông dân. Tuy nhiên, công ty đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân đầu tư phát triển cây mía. Hiện, với hàng nghìn hộ đã tham gia trồng mía bằng biện pháp thâm canh, bảo đảm tăng năng suất, chữ đường. Nhiều địa phương trong vùng trọng điểm mía đã tiến hành quy hoạch đất, thực hiện dồn điền, đổi thửa và giao ruộng đất cho nông dân trồng mía. Nông dân bước đầu đã tích tụ được ruộng đất và có điều kiện đầu tư mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh mía. Nếu trước đây, nông dân sản xuất cây mía theo hình thức manh mún thì nay nhiều hộ thuê đất trồng mía đã có vài chục ha mía và mức thu nhập đã lên tới hàng trăm triệu đồng/năm.

Tỉnh Hậu Giang, với vùng mía nguyên liệu ở huyện Phụng Hiệp luôn thu hoạch sớm nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long để tránh lũ. Trong vụ mía 2013 - 2014, tỉnh có hơn 14 nghìn ha mía, trong đó riêng Phụng Hiệp có hơn 9.550 ha mía phải thu hoạch sớm. Những vùng mía ở TP Vị Thanh, huyện Long Mỹ thường thu hoạch sau Phụng Hiệp, nhưng năm nay do triều cường cao hơn mọi năm làm hàng trăm ha mía bị ngập sâu trong nước. Vì lý do này mà giá thuê nhân công đốn mía từ 160 đến 170 nghìn đồng/tấn mía cây, tăng 50 nghìn đến 60.000 đồng/tấn so vụ trước. Người trồng mía đang đối mặt với khó khăn chồng chất. Ông Võ Văn Tám ở ấp Phương Quới B, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp than: "Tôi có năm công mía bị ngập, nhưng hơn 10 ngày qua vẫn chưa tìm được nhân công đốn mía. Giá nhân công cao, giá mía lại thấp khiến tôi rất buồn vì cảnh trồng cây mía hiện nay". Ðiệp khúc được mùa, rớt giá, không đầu ra đang là vấn đề đau đầu đối với ngành mía đường.

Doanh nghiệp tìm cách vượt khó

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) Lasuco - Lê Văn Thanh, trong bối cảnh khủng hoảng thừa sản phẩm đường tinh luyện như hiện nay, mỗi doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm khách hàng; cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm. Với hai nhà máy công suất ép 9.500 tấn đến 10 nghìn tấn mía/ngày, vụ ép năm 2013 - 2014, Lasuco dự kiến sản xuất 120 nghìn đến 130 nghìn tấn đường. Là đơn vị đi tiên phong trong áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, nên sản phẩm đường kính tinh luyện của Lasuco sánh ngang hàng với các sản phẩm đường chất lượng trên thế giới. Lasuco tiếp tục đầu tư mở rộng vùng mía thâm canh, năng suất, chất lượng cao; thành lập các xí nghiệp, công ty nguyên liệu nhằm giảm chi phí trung gian trong đầu tư ứng trước, thu mua, vận chuyển, thanh toán, nâng cao thu nhập cho hộ trồng mía... Tuy nhiên, trước tình cảnh ngành mía đường vẫn cung thừa so với cầu như hiện nay, luôn là áp lực lớn đối với doanh nghiệp.

Phó Giám đốc phụ trách Nhà máy đường Phổ Phong - Tạ Công Tường cho biết, trong vụ mía năm nay, nhà máy đã phải cho nông dân mượn vốn trồng mía không tính lãi hàng chục tỷ đồng (trong đó vùng mía chuyên canh được nhà máy đầu tư khâu làm đất, giống, phân bón và công trồng, chăm bón, thu hoạch mía). Ngoài ra, nhà máy còn thực hiện ký cam kết với từng hộ trồng mía về năng suất, chất lượng, bảo đảm đạt hơn 80 tấn mía/ha. Nhà máy đang khuyến khích nông dân thực hiện dồn điền, đổi thửa, cải tạo đất và đầu tư thâm canh cây mía. Nhiều diện tích sản xuất một vụ lúa trong năm, năng suất thấp đã được nông dân chuyển sang trồng mía. Nhiều địa phương đã tiến hành quy hoạch, bố trí lại cây trồng và giao ruộng đất cho nông dân phát triển hàng trăm ha mía chuyên canh, với năng suất, chữ đường ngày càng tăng. Nếu như cách đây vài năm, bình quân năng suất mía trong tỉnh chỉ đạt 50 tấn/ha thì vụ này ước đạt hơn 65 tấn/ha (tăng gần 20 tấn/ha)...

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) Nguyễn Hoàng Ngoan chia sẻ, tính từ đầu vụ đến nay, công ty đã sản xuất gần 25.000 tấn đường, với giá bán hiện tại từ 14.350 đến 14.400 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg so với đầu vụ. Giá đường thấp, lượng đường tồn kho của các nhà máy lớn như hiện nay và hàng trăm nghìn tấn đường nhập lậu mỗi năm, cộng thêm vụ mía mới bắt đầu, càng làm tăng áp lực cho các nhà máy. Dự báo tới đây giá đường trong nước sẽ còn tiếp tục giảm. Trong điều kiện khó khăn, nếu công ty vay vốn ngân hàng phải chịu lãi suất hằng tháng là 550 đồng cho mỗi kg đường. Vì vậy, công ty đang tập trung tìm đầu mối trung gian để xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Cần có chính sách linh hoạt

Bài toán đặt ra lúc này, nếu trong niên vụ tới, đường tiếp tục tồn kho nhiều, chắc chắn giá sẽ lại giảm và các nhà máy sẽ không thể tiếp tục thực hiện việc bảo trợ giá cho nông dân trồng mía. Khi đó nông dân thua lỗ sẽ phá cây mía và câu chuyện thiếu nguyên liệu mía là điều không thể tránh khỏi như những năm trước đây.

Theo Hiệp hội mía đường (HHMÐ) Việt Nam, hiện nay, giải quyết đầu ra bằng đường xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc là lối thoát phù hợp đối với mặt hàng đường, nhưng lại có vướng mắc. Trong năm 2013, HHMÐ Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công thương cho phép xuất khẩu đường, nhưng việc giải quyết chậm trễ. Ðến khi Bộ cho phép xuất khẩu cả đường trắng RS và đường luyện RE thì đã quá muộn, vì khách hàng không còn nhu cầu... Cụ thể, cuối năm 2012, HHMÐ Việt Nam và Bộ NN và PTNT đã đề nghị Bộ Công thương cho xuất khẩu tiểu ngạch 300 nghìn tấn, nhưng phải đến tháng 3-2013 mới cho xuất chưa đến 200 nghìn tấn và chỉ cấp phép đến tháng 6. Trong khi lượng đường còn tồn nhiều thì Bộ Công thương chỉ gia hạn thêm một tháng. Ðứng trước áp lực đường tồn kho, HHMÐ Việt Nam lại phải "xin" thêm một lần nữa để Bộ cấp phép đến hết tháng 12-2013.

Hiện, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ cho xuất khẩu tiểu ngạch (qua cửa khẩu phụ) đường nhập khẩu từ nước khác, như Công văn số 9842/BCT-XNK ngày 30-10-2013, Bộ đề nghị cho Công ty Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu đường vào Việt Nam là gây thêm khó khăn cho ngành đường trong nước. Chủ trương trên đã tạo điều kiện cho hàng nông sản của nước thứ ba xuất khẩu qua cửa khẩu phụ để một mặt cạnh tranh với đường trong nước, mặt khác được hoàn thuế, đây là hành vi gian lận thương mại. HHMÐ Việt Nam đề nghị Chính phủ và các bộ liên quan xem xét kỹ đề nghị này của Bộ Công thương.

Ðể ngành mía đường và người trồng mía vượt qua khó khăn, rất cần sự quan tâm tháo gỡ vướng mắc về chính sách hỗ trợ tiêu thụ đường từ các bộ, ngành liên quan. Ðồng thời, các cơ quan chức năng cần ngăn chặn quyết liệt tình trạng nhập lậu đường, kiểm soát chặt chẽ đường tạm nhập tái xuất. Có như vậy, ngành mía đường mới được hưởng trọn niềm vui trong những mùa vụ sau.

Gỡ khó cho ngành mía đường ảnh 1

Công nhân Nhà máy mía đường Sơn Dương (Tuyên Quang) thu hoạch mía tại vùng mía nguyên liệu. Ảnh: DUY HÙNG