Gỡ điểm nghẽn cho ngành cơ khí nông nghiệp (Kỳ 2) (*)

Bài 2: Cơ hội bứt phá

Khoảng 30 năm trước, Việt Nam đã chú trọng đưa nhiều loại máy móc nông nghiệp vào sản xuất, đạt chất lượng tương đối ổn định. Tuy nhiên, do đặc thù sản xuất nhỏ, một số máy cơ khí nông nghiệp (CKNN) không tương thích, năng suất, hiệu quả thấp dẫn đến mất dần vị thế.

Nông dân huyện Thới Lai, TP Cần Thơ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: TẤN PHÚC
Nông dân huyện Thới Lai, TP Cần Thơ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: TẤN PHÚC

Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp và dịch vụ, nhất là các khu công nghiệp mọc lên tại nhiều địa phương, đã thu hút nhiều lao động ở nông thôn, cộng thêm xu thế tất yếu đưa máy móc vào sản xuất của nông nghiệp hiện đại, chính là thời cơ vàng để ngành CKNN bứt phá.

Hiệu quả cơ giới hóa

Trên cánh đồng rộng hàng trăm héc-ta của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Vĩnh Đồng (thôn Vĩnh Đồng, thị trấn Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), khi thời tiết ấm lên cũng là lúc lúa đông xuân làm đòng và chuẩn bị trổ bông. Đưa chúng tôi ra thăm đồng, Giám đốc HTX Nguyễn Duy Toàn chỉ vào khoảnh ruộng 14 ha được thuê cấy bằng máy chia sẻ: Trước đây, ngoài khâu làm đất và gặt có áp dụng máy móc, riêng khâu cấy lúa người dân Vĩnh Đồng vẫn chủ yếu làm bằng tay. Thế nhưng lao động làm nông ngày càng ít đi, thanh niên ra thành phố kiếm sống hoặc làm công nhân trong các khu công nghiệp, cho nên vào mùa vụ rất khó thuê được người cấy. Vì thế, vụ đông xuân năm nay, lãnh đạo HTX bàn bạc, quyết định khoanh 14 ha ruộng để thử nghiệm cấy bằng máy.

Ban đầu, nhiều người trong HTX còn ngần ngại vì chưa biết hiệu quả thuê dịch vụ cấy máy ra sao. Nhưng hiện giờ, nhìn cây lúa cấy bằng máy lên đều tăm tắp, thẳng hàng và khỏe mạnh, trong khi nhiều thửa cấy bằng tay gần đó khóm nhỏ, khóm to, mọc lên loi thoi, độ dày mỏng khác nhau, nhiều người tiếc nuối vì đã không mạnh dạn thử nghiệm. Mặc dù chưa thu hoạch, chưa thể đánh giá được hiệu quả năng suất, nhưng chỉ tính riêng chi phí và công sức bỏ ra, đã thấy cấy máy “ăn đứt” cấy tay.

Cụ thể, giá khoán cho một sào (360 m2) cấy tay là 250 nghìn đồng, nhưng chủ ruộng phải tự gieo, chăm sóc mạ rồi bứng chuyển ra đồng, chưa kể phải lo khoản cơm nước cho người cấy thuê, tính chi ly tổng chi phí có khi đội lên tới 400 đến 500 nghìn đồng/sào. Trong khi đó, thuê cấy máy chỉ mất 250 nghìn đồng/sào, đơn vị làm dịch vụ sẽ lo hết từ khâu gieo mạ đến cấy. Không những vậy, 14 ha cấy bằng máy của HTX chỉ mất bốn đến năm ngày, giảm hơn một nửa thời gian so với cấy tay, bảo đảm kịp thời vụ. Cùng gieo một loại giống và thời gian cấy, giản tiện được công chăm sóc, lúa sẽ đồng loạt chín, áp dụng máy gặt khi thu hoạch càng dễ dàng hơn.

Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường An Nguyễn Anh Minh, đơn vị đang triển khai dịch vụ CKNN tại nhiều cánh đồng của tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: Cấy bằng máy tiết kiệm và cần ít phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hơn nhiều so với cấy tay, mặt khác, năng suất lúa cũng cao hơn khoảng 15%. Khi triển khai dịch vụ với chủ ruộng, anh Minh đã đứng ra cam kết rõ trong hợp đồng về năng suất, hiệu quả để nông dân yên tâm hơn.

Có thể thấy, kể từ sau Nghị quyết T.Ư số 26-NQ/TW (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tình hình cơ giới hóa (CGH) trong nông nghiệp đã có nhiều bước phát triển tích cực. Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, số lượng máy kéo trên cả nước đã tăng hơn 50%; máy gặt đập liên hợp (GĐLH) tăng khoảng 80%; máy chế biến thức ăn thủy sản tăng hơn hai lần; máy, thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật tăng hơn ba lần. Mặt khác, mức độ CGH bình quân cả nước tại một số khâu trong sản xuất nông nghiệp đã đạt mức độ khá cao, cụ thể: Làm đất trồng cây đạt 93%, vận chuyển gần 100%, thu hoạch cây đạt hơn 50%,… CGH được đẩy mạnh đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho sản xuất nông nghiệp khi vừa tiết kiệm được tối đa chi phí, vừa giải phóng sức lao động cho người nông dân,…

Bên cạnh đó, chỉ có CGH mới có thể giúp chuyển đổi hiệu quả cơ cấu sản xuất nông nghiệp hiện nay, hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, tiên tiến, có nhiều sản phẩm đạt giá trị cao và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, thực trạng CGH trong nông nghiệp nước ta hiện nay cho thấy, mức độ trang bị động lực còn thấp hơn rất nhiều so các nước trong khu vực và châu Á, hiện mới đạt bình quân 2,4 mã lực/ha canh tác, trong khi Thái-lan đã đạt 4 mã lực/ha; Hàn Quốc 10 mã lực/ha và Trung Quốc 8 mã lực/ha;… Không những vậy, trình độ CGH trong nông nghiệp nước ta còn thấp, hầu hết các máy làm đất đều có công suất nhỏ dưới 35 mã lực (chiếm 93,5%), chỉ thích hợp quy mô hộ gia đình và đất manh mún; khâu cấy chủ yếu sử dụng công cụ gieo sạ; khâu chăm sóc chủ yếu sử dụng máy phun thuốc đeo vai có động cơ,…

Thực trạng này cho thấy đây chính là thời cơ vàng để ứng dụng CGH vào nông nghiệp, với dư địa khá dồi dào nếu tận dụng được hết lợi thế. Nhận định về thời cơ này, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời (doanh nghiệp chuyên kinh doanh về lúa gạo) Huỳnh Văn Thòn cho biết, diện tích lúa cấy đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở những ruộng nhân giống và vùng nguyên liệu trồng lúa chất lượng cao, trong khi đó, lao động cấy lúa thủ công ngày càng khan hiếm. Do đó, triển vọng thị trường máy cấy lúa sẽ ngày càng rộng mở. Kết quả thực tế từ đồng ruộng của công ty cho thấy, cấy bằng máy đạt năng suất cao hơn cấy tay khá nhiều, nhất là với kỹ thuật cấy hàng hẹp (25 cm) với khoảng cách gốc từ 12 đến 22 cm.

GS, TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền nam đánh giá, chưa bao giờ vấn đề CGH lại trở nên bức xúc trong khâu thu hoạch và chế biến nông sản như hiện nay. Mặc dù đây là “chìa khóa” để chuyển đổi cơ cấu có lợi nhất cho nông nghiệp, nhưng tỷ lệ áp dụng CGH cho các lĩnh vực này quá thấp. Chẳng hạn, trong sản lượng 25 triệu tấn rau quả hằng năm trên cả nước, chỉ có 5% được đưa vào chế biến sau thu hoạch, hoặc từ 30 đến 40 nghìn ha trồng đậu phộng trước đây của Tây Ninh, chỉ vì thu hoạch thủ công hiệu suất thấp, cho nên hiện nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng 6.000 ha.

Do ứng dụng CGH yếu kém, khiến tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch trong nông nghiệp của Việt Nam đang ở mức báo động với khoảng 10 đến 12% của cây lúa, 14% của thịt, 12% của thủy hải sản và rau quả lên đến 32%. “Trước thực tế lao động cho nông nghiệp ngày càng giảm sút, cộng thêm áp lực phải sớm chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đã đến lúc phải coi CGH là yếu tố sống còn trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp chứ không thể chỉ dừng lại ở khẩu hiệu suông”, GS, TS Bùi Chí Bửu nhấn mạnh.

Hy vọng máy nông nghiệp “made in Việt Nam”

Theo tính toán của các nhóm nghiên cứu và chuyên gia, hằng năm, Việt Nam chi khoảng 800 triệu USD cho máy nông nghiệp và có thể lên tới một tỷ USD vào năm 2020. Nếu nhìn con số đơn thuần, có thể thấy đây là “miếng bánh” không quá lớn khi so sánh với một số ngành cơ khí khác. Tuy nhiên, hiệu quả mềm mà CKNN đem lại thì vô cùng to lớn, không thể đong đếm bằng tiền.

Kỹ sư Nguyễn Thể Hà (Công ty TNHH Cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ) tính toán: Chỉ riêng việc CGH trong canh tác lúa cũng có thể giảm công lao động và chi phí vật tư, tương đương tiết kiệm khoảng 1.500 đồng/kg lúa. Bên cạnh đó, việc hiện đại hóa công nghiệp chế biến, tận thu triệt để trấu, cám, rơm cũng đem lại nhiều lợi ích trong toàn chuỗi giá trị của cây trồng này. Thí dụ, tính trên 1 kg lúa, giảm thiệt hại trong và sau thu hoạch sẽ tiết kiệm được khoảng 500 đồng, nâng giá trị hạt gạo tăng 500 đồng, thu gom rơm triệt để làm lợi thêm từ 800 đến 2.500 đồng,... Chỉ cần làm được 50% mục tiêu này, với sản lượng 40 triệu tấn lúa mỗi năm, chúng ta đã có thêm được cả trăm nghìn tỷ đồng.

Có thể những tính toán của kỹ sư Nguyễn Thể Hà vẫn còn khá xa vời, nhưng qua đó có thể thấy phần nào hiệu quả to lớn mà CGH nông nghiệp mang lại. Bên cạnh đó, trong thực tiễn bối cảnh lao động làm nông nghiệp đang ngày càng thiếu hụt, càng chứng minh hiệu quả của CGH. TS Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch khẳng định: Hiện nay, đang là thời điểm vàng để CGH nông nghiệp, vấn đề là máy nông nghiệp cho ruộng đồng Việt Nam phải do người Việt Nam làm ra. Cho dù không ít ý kiến cho rằng chỉ cần nhập máy móc nông nghiệp về áp dụng vào sản xuất là đủ, tuy nhiên, thực tế đã có nhiều trường hợp “sống dở, chết dở” vì máy nhập khẩu. Đối với CKNN, nhập khẩu các loại máy làm việc trong nhà xưởng còn dễ, nhưng máy làm ngoài đồng là rất khó vì phải thích nghi được điều kiện đất đai, cây trồng từng vùng cũng như thói quen canh tác của người nông dân. Đơn cử ở đồng bằng sông Cửu Long, máy xới đất cho vụ mùa khô khác biệt hoàn toàn máy xới cho vụ mùa mưa.

Tại An Giang, vùng đất giáp Cam-pu-chia, hoặc vùng phía bắc giáp sông Tiền hay phía nam sông Hậu, điều kiện đất đai cũng rất khác nhau về độ xốp cho nên đòi hỏi các loại máy móc khác nhau. Chính vì vậy, các máy xới đất người dân khu vực này đang dùng chủ yếu là các máy cũ nhập khẩu về rồi “chế” lại. Riêng hãng Kubota (Nhật Bản) sản xuất được máy GĐLH có thể sử dụng tại Việt Nam, cũng phải trải qua cả một quá trình nghiên cứu nhiều năm. Các chuyên gia của Kubota đã bám sát những công trình nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thừa hưởng bề dày thành quả sẵn có, mới có thể phát triển được dòng máy này. Họ thành công do có kỹ thuật chế tạo tốt hơn.

Có thể khẳng định, các hãng chế tạo máy nước ngoài thường coi trọng vấn đề lợi nhuận, không tập trung đầu tư dài hơi, không thể bám sát thực tế sản xuất hiệu quả bằng các đơn vị trong nước. Chính vì vậy, nhiều lĩnh vực quan trọng trong sản xuất nông nghiệp sau cây lúa, như thủy sản, cà-phê hay chế biến hoa quả sau thu hoạch vẫn ở tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng máy móc. Một điều quan trọng khác rút ra qua thực tiễn nhiều năm, đó là chỉ có máy móc và công nghệ do người Việt Nam làm chủ, mới hy vọng được phần lớn người dân được tiếp cận do có giá thành rẻ, góp phần đẩy nhanh quá trình CGH trong nông nghiệp.

Minh chứng cho điều này là câu chuyện của Công ty Vĩnh Thọ, chuyên về các giải pháp và hệ thống chế biến nông sản công nghệ cao. Vĩnh Thọ đang thiết kế, gia công hệ thống dây chuyền chế biến thực phẩm cho một nhà máy của Công ty Vifon tại tỉnh Hải Dương. Giám đốc Công ty Vĩnh Thọ Nguyễn Thọ cho biết: Toàn bộ hệ thống với công nghệ và máy móc theo đúng tiêu chuẩn các nước G7, nhưng Vĩnh Thọ thi công với giá chỉ bằng một phần ba so với giá chào hàng của nước ngoài trước đó.

Sau một thời gian dài hoạt động, chính đại diện Vifon cũng phải thừa nhận, hệ thống của Vĩnh Thọ là một trong những dây chuyền máy móc hiện đại và chạy ổn định nhất trong nhà máy. Do vậy, chính người Việt Nam hay nói cách khác là những đơn vị cơ khí trong nước cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội, vươn lên làm chủ công nghệ, sản xuất được các loại máy móc, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người nông dân và cho ngành nông nghiệp trong nước.

(Còn nữa)

* Bài 1: Lép vế trên sân nhà

------------------------

* Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 23-4-2019.