Giúp người dân gắn bó hơn với rừng

Nông nghiệp có vai trò quan trọng, giúp ổn định cuộc sống cho phần lớn nông dân, là trụ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội, là nền tảng cho duy trì ổn định chính trị, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. 

Người dân huyện Bắc Mê (Hà Giang) chăm sóc rừng trồng. Ảnh: HOÀNG YẾN
Người dân huyện Bắc Mê (Hà Giang) chăm sóc rừng trồng. Ảnh: HOÀNG YẾN

Đại dịch Covid-19 cho thấy, nông nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối với sinh kế của người dân, người lao động trong khu vực nông nghiệp, nhất là lao động trong khu vực phi chính thức. Đồng thời, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, lĩnh vực lâm nghiệp góp phần đáng kể trong bảo vệ môi trường, sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính.

Sau gần 10 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24-9-2010 của Chính phủ đã mang lại một số kết quả tích cực, huy động được nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân và có xu hướng gắn bó lâu dài với rừng. Tuy nhiên, chi trả dịch vụ môi trường rừng mới chỉ tập trung vào ba nhóm đối tượng chính: thủy điện, nước sạch và du lịch; một số đối tượng khác như: cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản mới được quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; dịch vụ hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng vẫn chưa được áp dụng, do còn thiếu quy định, hướng dẫn cụ thể. Chi trả đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng là vấn đề mới, phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân. Theo các nhà khoa học và báo cáo phân tích, đây là công cụ kinh tế nhằm điều chỉnh hành vi của tổ chức, cá nhân theo hướng giảm việc phát thải khí nhà kính, đưa chi phí giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất, kinh doanh vào giá thành sản phẩm theo nguyên tắc “người gây phát thải khí nhà kính phải trả tiền”.

Mặt khác, qua thực tiễn triển khai chính sách cho thấy, áp lực sinh kế cho  nông dân ở  miền núi, vùng sâu, vùng xa là quá lớn. Sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền đang là một thách thức. Nơi thì phát triển nhanh nhưng phải đối mặt với vấn đề môi trường, nơi thì phát triển chậm nhưng lại là vùng có điều kiện sinh thái tốt, là khu vực sinh thủy của cả nước, là dư địa để bảo đảm môi trường quốc gia. 

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Nghị quyết số 88/2019/QH14). Nếu Chính phủ có chương trình chuyên về rừng là hợp lý và kịp thời, đây là giải pháp để cụ thể hóa một số nhiệm vụ, dự án thành phần của Đề án. Đồng thời, chúng ta cần thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. 

Do vậy, cần thiết phải có chính sách cụ thể, rõ ràng, đó là xây dựng và áp dụng bộ chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2  bên cạnh các chỉ số về kinh tế - xã hội để phát triển bền vững và thực hiện nguyên tắc phân bổ nguồn lực phù hợp trong quá trình phát triển. Cần có đánh giá hiệu quả, cơ cấu các quỹ ngoài ngân sách, có nguồn gốc từ ngân sách liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng. Cần các nghiên cứu thêm mối quan hệ, đánh giá tác động, vai trò giữa rừng kinh tế, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên. Trước mắt tập trung quyết liệt giữ ổn định diện tích rừng tự nhiên. Việc xác định các chỉ số kinh tế, kỹ thuật phải thực hiện minh bạch, trách nhiệm, hiệu quả; công tác quản lý nhà nước liên quan đến vấn đề phân cấp.

Kinh nghiệm của quốc tế cho thấy, giải pháp này là trách nhiệm của xã hội cho những địa phương không có điều kiện phát triển công nghiệp, nhưng có điều kiện trồng rừng, bảo đảm môi trường sinh thái quốc gia. Giải pháp này là cơ hội, là điều kiện để người dân trồng rừng, bảo vệ rừng, sống được bằng rừng (có thể tạo điều kiện cho họ nuôi trồng thêm những loại cây, con khác dưới tán rừng). Trồng đến đâu giao khoán bảo vệ đến đó, có thể quy định về giấy chứng nhận, giấy giao khoán (ngoài bìa đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất) vừa để gắn trách nhiệm, vừa để phân biệt với các hình thức giấy chứng nhận khác. Giải pháp này sẽ đặt những nền móng vững chắc cho ngành lâm nghiệp, đồng thời góp phần thực hiện các mục tiêu giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng. Như vậy sẽ bảo đảm tạo được một trào lưu trồng rừng như sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu: “Trồng một tỷ cây xanh trong 5 năm tới”.

Giúp người  trồng rừng được hưởng lợi ích trực tiếp từ rừng sẽ là một trong những giải pháp giải quyết những khó khăn, tồn tại vấn đề hai mặt, đó là việc ổn định, nâng cao cuộc sống của người dân (nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa) với việc bảo vệ và phát triển rừng, làm cho người dân gắn bó với rừng, có trách nhiệm với rừng, thoát nghèo từ rừng và góp phần bảo vệ, phát triển xanh, bền vững môi trường quốc gia.

TS TRIỆU TÀI VINH 

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương