Giải pháp nào cứu ngành thép?

Thời gian qua, lượng phôi thép và thép dài Trung Quốc nhập khẩu vào nước ta tăng vọt, khiến ngành thép trong nước hết sức khó khăn. Bộ Công thương đã quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ tạm thời đối với hai mặt hàng trên (chủ yếu từ Trung Quốc), nhằm chặn “làn sóng” nhập khẩu ồ ạt. Đây là động thái cần thiết, kịp thời, tuy nhiên, nếu ngành thép không có chiến lược đối phó lâu dài và bền vững, nguy cơ đổ vỡ sẽ vẫn luôn rình rập.

Luyện phôi thép tại Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.
Luyện phôi thép tại Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.

Nhập khẩu phôi thép tăng vọt

Sự thâm nhập của mặt hàng phôi thép từ Trung Quốc vào Việt Nam đã âm ỉ từ lâu, tuy nhiên, trong vòng một năm trở lại đây, tốc độ nhập khẩu phôi thép có chiều hướng tăng vọt và ngày càng diễn biến phức tạp. Theo ước tính của các chuyên gia ngành thép, năng lực sản xuất thép Trung Quốc khoảng 1,2 tỷ tấn/năm (thừa khoảng 300 triệu tấn). Để giảm bớt áp lực tồn kho, quốc gia này đã gia tăng xuất khẩu. Việc một số quốc gia áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu, trong khi Việt Nam “mở” khá rộng “cánh cửa” nhập khẩu, đã khiến mặt hàng này càng dễ tràn vào. Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VnSteel) Nghiêm Xuân Đa cho biết, trong năm 2015, lượng phôi thép giá rẻ nhập về Việt Nam lên tới gần 1,9 triệu tấn (tăng hơn 300% so năm 2014), mức bình quân 150 nghìn tấn mỗi tháng. Riêng tháng 12-2015, phôi thép nhập khẩu lên tới 317 nghìn tấn, tháng 1-2016 tới 340 nghìn tấn, trong khi cùng kỳ (tháng 1-2015) nhập 102 nghìn tấn.

Đồng thời, mức giá bình quân nhập khẩu liên tục giảm mạnh, từ mức 451 USD/tấn (tháng 1-2015) xuống 269 USD (tháng 1-2016), đã gây khó khăn lớn đối với các nhà sản xuất trong nước. Đối với sản phẩm thép dài, lượng nhập khẩu thời gian qua cũng tăng rất mạnh. Thị phần của các doanh nghiệp (DN) thép trong nước, cả phôi thép và thép dài đều sụt giảm tương ứng thị phần gia tăng của hàng nhập khẩu. Trong năm 2015, tồn kho của phôi thép tăng 37%, thép dài tăng 39%. Doanh thu bán hàng và lợi nhuận ngành thép giảm sâu, các DN sản xuất phôi thép trong nước lỗ nặng, buộc phải tiết giảm lao động. Nhà máy thép Lào Cai của VnSteel mới đi vào sản xuất, đã bị lỗ tới 600 tỷ đồng, Nhà máy thép Đà Nẵng lỗ 30 tỷ đồng. Đặc thù các nhà máy thép có lò cao (luyện gang) phải duy trì thiết bị, không thể dừng lò, cho nên đành sản xuất cầm chừng, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu rất lớn.

Mặc dù hai DN thành viên của VnSteel là Gang thép Thái Nguyên và Thép Miền Nam cùng các DN sản xuất thép khác (Thép Hòa Phát, Thép Việt - Ý) đã gửi hồ sơ tới các cơ quan chức năng đề nghị xem xét, áp dụng biện pháp tự vệ, tuy nhiên, tình trạng nhập khẩu phôi không có dấu hiệu chững lại mà tiếp tục tăng mạnh hơn. Theo đại diện Thép Hòa Phát, với tốc độ này, lượng nhập khẩu phôi thép cả năm nay vào Việt Nam sẽ không dưới bốn triệu tấn, bằng 70% lượng phôi trong nước sản xuất năm 2015. Ngành thép Việt Nam có nguy cơ đổ vỡ, phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn phôi nhập khẩu như 10 năm trước hoàn toàn có thể xảy ra. Kịch bản trên đã đi ngược lại chủ trương của Chính phủ, coi ngành sản xuất phôi thép là ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn của quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành thép Việt Nam, đến đời sống của hàng trăm nghìn lao động, kéo theo nhiều hệ lụy khác. Vì thế, các DN sản xuất phôi thép đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành có biện pháp cấp thiết để giảm lượng phôi thép nhập khẩu, cứu ngành sản xuất phôi thép trong nước, duy trì ổn định ngành thép Việt Nam, bảo đảm ổn định đời sống người lao động.

“Chiếc phao” của ngành thép

Tuy nhiên, đề nghị áp thuế tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài của bốn DN sản xuất phôi thép trên đã gây ra tranh cãi gay gắt trong nội bộ ngành thép do xung đột lợi ích. Trái với đề nghị trên, sáu DN thép khác “đồng thanh” phản đối với lập luận nếu áp thuế tự vệ, sẽ khiến giá thép tăng. Thực tế, đây là các DN nhập khẩu toàn bộ phôi thép về cán, nếu áp thuế, họ sẽ phải mua phôi thép với giá cao, khiến giá bán thép thành phẩm bị đẩy lên. Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong bất kỳ vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nào trên thế giới và cả Việt Nam, đều dẫn đến xung đột lợi ích giữa các bên. Trong đó, bên hưởng lợi là nhà sản xuất trong nước và ngành công nghiệp thượng nguồn, bên chịu thiệt là nhà nhập khẩu và tiêu dùng, hoặc ngành công nghiệp hạ nguồn. Đối với cơ quan quản lý, điều quan trọng là biện pháp được đưa ra nhằm bảo đảm quyền lợi của quốc gia và được phần lớn các DN trong ngành ủng hộ. Động thái áp dụng biện pháp phòng vệ của Bộ Công thương mới đây được ví như “chiếc phao” tung ra kịp thời, giúp ngành thép đang sắp bị đắm chìm trước “làn sóng” thép nhập khẩu giá rẻ (chủ yếu từ Trung Quốc) có cơ hội phục hồi sản xuất. Trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ, biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng với mức thuế tương đối là 23,3% đối với phôi thép và 14,2% đối với thép dài. Biện pháp này được áp dụng tối đa đến hết ngày 27-10-2016 và hết hiệu lực khi có quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức. Đặc biệt, thép hợp kim có chứa Bo-ron và/hoặc Crôm (trừ chủng loại thép phẳng cán nóng) trước đây áp thuế 0%, giờ bị áp thuế tự vệ 14,2%.

Giải pháp nào cứu ngành thép? ảnh 1

Sản xuất thép xây dựng tại Công ty cổ phần thép Việt Nhật, quận Hồng Bàng (Hải Phòng). Ảnh: HẢI PHONG

Tuy nhiên, tự vệ chỉ là giải pháp trước mắt, giúp DN ngành thép “dễ thở” trong một khoảng thời gian ngắn. Về lâu dài, sự tồn vong của ngành phụ thuộc vào chính các DN. Lâu nay, nước ta đã thật sự trở thành thị trường tiêu thụ thép nhập khẩu, không còn dừng lại ở nguy cơ. Năm 2015, con số 19,8 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm được nhập khẩu, giá trị kim ngạch khoảng chín tỷ USD (tăng 27,24% so với năm 2014) đã minh chứng rõ nét điều này. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Văn Sưa, ngành thép tuy phát triển nhanh, nhưng quy mô nhỏ. Khi nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), hội nhập sâu hơn, đòi hỏi DN cần có quy mô lớn để có thể liên kết, tăng tính cạnh tranh, thực hiện vai trò dẫn dắt thị trường. Sử dụng các biện pháp tự vệ cần áp dụng trong điều kiện tự do hóa thương mại, nhưng về lâu dài, nội lực mới là yếu tố quyết định sự tồn vong của ngành thép trong bối cảnh mở cửa như hiện nay. Có thể thấy, trong một vài năm tới, trật tự ngành thép ít nhiều sẽ có sự thay đổi ngôi vị do quy luật cạnh tranh của thị trường. Theo nhận định của một số chuyên gia, sự chèn ép của thép ngoại thời gian qua, ở khía cạnh nào đó, là một cảnh tỉnh có giá trị đối với ngành thép. Được "nuông chiều" quá lâu, DN thép trở nên yếu ớt trước sóng gió thị trường. Một thời gian dài, DN chỉ "ăn xổi ở thì", đầu tư công đoạn đơn giản nhất, dễ nhất là cán thép, gần như không quan tâm công nghệ luyện gang từ quặng thô vì đòi hỏi đầu tư lớn. Sản xuất theo kiểu " hớt ngọn", khiến ngành thép luôn bị động trước những diễn biến từ bên ngoài. Các biện pháp bảo hộ trước đây vô hình trung càng khuyến khích DN thép nhập tràn lan dây chuyền sản xuất lạc hậu, cũ nát.

Về lợi ích và tầm nhìn lâu dài, bền vững của ngành thép, mục tiêu ưu tiên hàng đầu và lâu dài là cạnh tranh bình đẳng, mỗi DN cần xóa bỏ tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, vì điều này không phù hợp quy định trong quá trình hội nhập. Trong hội nhập, DN đều bình đẳng, không phân biệt và theo chuẩn chung của hoạt động thương mại quốc tế. Vì thế, DN trong nước phải chủ động nâng cao sức cạnh tranh thông qua đổi mới công nghệ, trình độ quản lý thay vì trông chờ cơ quan quản lý can thiệp, áp thuế. Những cam kết hội nhập là uy tín của cả quốc gia và nền kinh tế. Người tiêu dùng đều muốn ưu tiên sử dụng thép trong nước, nhưng đó phải là những sản phẩm đạt chất lượng, giá cả hợp lý, chứ không thể chấp nhận mua thép nội chất lượng thấp, nhưng giá lại cao ngất ngưởng.

Thép nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng trước thông quan

Theo Thông tư liên tịch số 58/2015/BCT-BKHCN về quản lý chất lượng thép của Bộ Công thương - Bộ Khoa học và Công nghệ có hiệu lực từ ngày 21-3 tới đây, cơ quan hải quan chỉ thông quan hàng hóa khi tổ chức, cá nhân nhập khẩu cung cấp bản thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu chất lượng theo quy định. Riêng phôi thép hợp kim, phải bổ sung thêm bản kê khai thép nhập khẩu đã được Bộ Công thương xác nhận và bản sao giấy xác nhận nhu cầu nhập khẩu thép. Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm thép phải có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng cho thép nhập, không được thấp hơn tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đã quy định.