Giải pháp căn cơ phát triển ngành mía đường

Vụ mía đường 2016-2017, mặc dù các địa phương và đơn vị sản xuất, kinh doanh mía đường áp dụng nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển, nhưng diện tích mía vẫn có xu hướng giảm, lượng đường tồn kho tăng. Giải pháp nào để ngành này phát triển bền vững?

Nông dân xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) thu hoạch mía nguyên liệu. Ảnh: QUANG AN
Nông dân xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) thu hoạch mía nguyên liệu. Ảnh: QUANG AN

Chuỗi giá trị thiếu vững chắc

Mía đường đang là một trong những ngành đi đầu trong việc gắn kết nông dân sản xuất nguyên liệu với nhà máy, tạo đầu ra ổn định. Có thể nói, mía là cây trồng thứ hai sau lúa, được các doanh nghiệp đầu tư đầu vào (giống, phân bón, thiết bị cơ giới hóa, hệ thống tưới...), và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Nhiều địa phương, doanh nghiệp chú trọng đầu tư xây dựng cánh đồng mía lớn, có chính sách hỗ trợ người trồng mía. Các nhà máy đầu tư chiều sâu, cho nên trình độ công nghệ, thiết bị từng bước được nâng cao, hiện đại hóa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc phát triển các sản phẩm phụ sau đường (điện, phân vi sinh...) được nhiều nhà máy quan tâm, có kế hoạch đầu tư. Một số nhà máy đã sản xuất sản phẩm đường có giá trị gia tăng cao như đường hữu cơ, đường tinh luyện cao cấp.

Tuy vậy, nhìn một cách toàn diện, niên vụ 2016 - 2017 đang tồn tại nhiều bất cập lớn: một số vùng không trồng mía theo đúng quy hoạch, quy hoạch còn chồng chéo, thiếu đầu tư liên kết với nông dân, các nhà máy tranh mua tranh bán nguyên liệu. Giá thành sản xuất cao do giá mía nguyên liệu, giá nhân công cao. Việc đầu tư nâng cao năng lực, trình độ sản xuất của các nhà máy chưa đi vào chiều sâu, nhiều doanh nghiệp mới chỉ chú trọng mở rộng công suất nhưng lại thiếu cân đối với khả năng cung cấp của vùng nguyên liệu.

Quy mô sản xuất hộ gia đình manh mún, nhỏ lẻ là nguyên nhân lớn gây hạn chế việc đầu tư xây dựng hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong trồng, chăm sóc và thu hoạch. Do cây mía kém cạnh tranh với các cây trồng khác, người dân chuyển sang trồng một số cây ăn quả như cam, bưởi, thanh long... Trong khi đó, nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường thiếu hụt, không đáp ứng đủ công suất.

Tình trạng mua mía xô, bao tạp chất, chữ đường cũng như xác định chữ đường hoặc đo chữ đường ở một số nơi còn chưa thật sự minh bạch, ảnh hưởng lớn đến tâm lý người trồng. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì rất khó đưa giống có chữ đường cao vào sản xuất vì không khuyến khích được nông dân. Hiện nay, ở một số địa phương đang xảy ra tình trạng thiếu nhân lực lao động, nhất là vào vụ thu hoạch mía. Việc tiếp cận vốn ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến hạn chế việc đầu tư sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh. Mối liên kết giữa các thành phần tham gia chuỗi giá trị sản xuất mía đường thiếu vững chắc.

Ðổi mới phương thức sản xuất, tiêu thụ

Niên vụ 2017-2018, cả nước có 41 nhà máy hoạt động, sản lượng mía ép là 15,17 triệu tấn, sản lượng đường đạt 1,42 triệu tấn, trong đó đường tinh luyện là 600.000 tấn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trước thực trạng diện tích ngày càng thu hẹp, vùng trồng mía bị chuyển sang trồng những cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, nếu các doanh nghiệp không có sự đầu tư thì khó có thể đạt theo kế hoạch đặt ra. Vì vậy, các nhà máy cần đánh giá lại khả năng cung cấp nguyên liệu để có kế hoạch sản xuất, tiêu thụ phù hợp, cũng như xây dựng cơ chế đầu tư, hỗ trợ nông dân, giữ ổn định vùng nguyên liệu.

Ngành mía đường cần tập trung ổn định vùng nguyên liệu sẵn có, mở rộng thêm vùng nguyên liệu để bảo đảm sản xuất của các nhà máy đường. Các nhà máy xây dựng kế hoạch thu mua, kết hợp chặt chẽ với khâu chế biến, bảo đảm mía sau khi thu hoạch đưa vào ép sớm, giảm tổn thất trong thu hoạch. Không để xảy ra hiện tượng các nhà máy tranh mua mía nguyên liệu.

Ðể bảo đảm chất lượng đường thành phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trước vụ thu hoạch, các nhà máy cần tổ chức tốt việc bảo dưỡng, kiểm định thiết bị. Ðồng thời quan tâm, đầu tư thích đáng về công nghệ, chế biến các sản phẩm từ phế phụ phẩm trong sản xuất mía đường.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cần chủ trì phối hợp các nhà máy đường, rà soát lập kế hoạch sản xuất với cơ cấu sản phẩm đường hợp lý, từng bước nâng tỷ lệ đường tinh luyện, quan tâm đến xu hướng sản xuất đường hữu cơ. Rà soát, nắm chắc tình hình sản xuất, tiêu thụ và tồn kho đường của các nhà máy để báo cáo Bộ, phục vụ công tác điều hành thị trường. Các nhà máy cần xây dựng kế hoạch mua bán hợp lý với đối tác tiêu thụ, để cân đối thị trường, giải phóng tồn kho; thực hiện nghiêm túc hợp đồng mua bán đường đã ký với các đối tác. Tổ chức hội nghị khách hàng, bàn giải pháp phối hợp trong cung ứng, tiêu thụ đường...

Niên vụ mía đường 2016 - 2017, cả nước có 39 trong số 41 nhà máy đường hoạt động sản xuất được 1.239.000 tấn đường, trong đó đường luyện là 411.000 tấn, thấp hơn 18% so với kế hoạch. Lượng đường tồn nằm tại kho các nhà máy là 554 nghìn tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 350 nghìn tấn.

(Nguồn: Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN và PTNT)