Giải ngân vốn đầu tư công ở Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

(Tiếp theo và hết) (★)

BÀI 2: “Chạy nước rút” để giải ngân 100% vốn đầu tư công

Ðường Trần Quốc Nghiễn, tuyến đường bao biển ở tỉnh Quảng Ninh, mới hoàn thành thi công. Ảnh: THỌ QUANG
Ðường Trần Quốc Nghiễn, tuyến đường bao biển ở tỉnh Quảng Ninh, mới hoàn thành thi công. Ảnh: THỌ QUANG

Chín tháng qua, các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTÐBB) rất quyết liệt và nỗ lực trong giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên vẫn chưa đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA. Ngoài yếu tố khách quan do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguyên nhân chủ yếu gây chậm trễ vẫn là những bất cập về cơ chế, chính sách, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tinh thần trách nhiệm với công việc của cán bộ trong các cơ quan công quyền còn hạn chế. Những bất cập này đã được các địa phương nhìn nhận và quyết tâm khắc phục để hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020.

Giải ngân dự án ODA chậm

Tại Hà Nội, hiện có khá nhiều dự án đầu tư công trọng điểm triển khai chậm trễ, có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp. Ðến hết tháng 9-2020, các dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp thành phố mới hoàn thành được 54 dự án, trong số 273 dự án cần giải ngân. Có sáu đơn vị có tỷ lệ giải ngân 0%, 14 đơn vị cấp thành phố và chín đơn vị cấp huyện giải ngân dưới 30%. Ngoài ra, kế hoạch vốn năm 2019 kéo sang 2020 là hơn 5.600 tỷ đồng, đến hết tháng 9, mới giải ngân được 1.952 tỷ đồng, đạt 34,7% kế hoạch. Ðiển hình là dự án đường vành đai 1, đoạn từ Hoàng Cầu đến Voi Phục. Tháng 10-2018, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt dự án này, triển khai trong giai đoạn 2018 - 2020, nhưng hiện tại, việc đo vẽ, kiểm đếm đất và tài sản trên đất của các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn chưa hoàn thành. Ngay cả hai hạng mục cần làm trước là cầu vượt nút giao Nguyễn Chí Thanh - Ðê La Thành và cầu vượt nút giao Giảng Võ - Ðê La Thành cũng chưa có mặt bằng để khởi công.

Tại Quảng Ninh, dự án đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Ðông Triều, đoạn từ nút giao Ðầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1) do vướng mắc thủ tục về đất đai, rừng tự nhiên... đã phải dừng triển khai và giảm kế hoạch vốn là 273 tỷ đồng; dự án đường nối khu công nghiệp (KCN) Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long - Vân Ðồn kế hoạch đầu năm 2020 bố trí 200 tỷ đồng, giữa năm bổ sung 650 tỷ đồng, tuy nhiên do triển khai không bảo đảm tiến độ, phải điều chỉnh giảm 294 tỷ đồng.

Ðáng lo ngại nhất là việc giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA, như dự án tuyến đường sắt đô thị (ÐSÐT) thí điểm TP Hà Nội số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) mới giải ngân được 43%. Số vốn năm 2020 tại dự án tuyến ÐSÐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Ðạo đã được cấp, nhưng cũng không thể giải ngân kịp trong năm nay, do thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án chưa thực hiện xong và quy hoạch ga ngầm C9 (khu vực hồ Hoàn Kiếm) chưa hoàn tất, cho nên không thi công được các gói thầu xây lắp. Hai dự án trường nghề thuộc dự án “Tăng cường lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp”, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản nhưng chưa thể giải ngân được. Tại Hưng Yên, dự án Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội các đô thị Việt Trì, Hưng Yên và Ðồng Ðăng - hợp phần dự án tại TP Hưng Yên, sử dụng vốn ODA Hàn Quốc đã thi công cơ bản hoàn thành, nhưng do phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương dự án để bảo đảm điều kiện giải ngân phần vốn ODA còn dư, cho nên tiến độ giải ngân vốn còn thấp.

Qua phân tích tình hình thực tế, hầu hết lãnh đạo các địa phương đều thừa nhận, nguyên nhân cơ bản của tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, chưa đạt kế hoạch là do việc đầu tư còn dàn trải, công tác chuẩn bị đầu tư còn hạn chế, hồ sơ thủ tục chưa kỹ càng; việc điều chỉnh, cắt, giãn, hoãn các dự án chưa kiên quyết. Các dự án đầu tư công chủ yếu thực hiện công trình hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, giáo dục, nông nghiệp, thì bị vướng do công tác GPMB chưa đáp ứng tiến độ đề ra. Ðối với các dự án ODA, các thủ tục về lập thiết kế, dự toán, đấu thầu mất nhiều thời gian, phải rà soát các nội dung theo ý kiến của nhà tài trợ, chỉ đạo của các cơ quan trung ương dẫn đến chậm lập hồ sơ giải ngân vốn vay và vốn đối ứng…

Ðơn cử dự án cải tạo thoát nước sông Pheo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hiện nay còn 4% diện tích GPMB chưa thực hiện được do khó khăn trong công tác điều tra sử dụng đất, một số hộ dân không đồng ý với mức giá đền bù; việc trả tiền bồi thường cho người dân còn chậm. Quận Bắc Từ Liêm đang hoàn thiện các phương án bồi thường, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận, phấn đấu trong quý II-2021 sẽ GPMB xong. Ban quản lý Dự án ÐSÐT Hà Nội đang tích cực cùng các đơn vị liên quan giải quyết sự chồng lấn về chỉ giới đường đỏ dự án tại khu vực chân cầu thang ba nhà ga trên cao thuộc tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, đến nay việc này đã cơ bản được cởi gỡ để dự án tiếp tục được triển khai. 

Tuy nhiên, ngoài những nguyên nhân khách quan nêu trên, mấu chốt nhất vẫn là do năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ còn hạn chế. Giám đốc Ban quản lý Dự án Ðầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội Nguyễn Văn Hùng thừa nhận: “Ban tiếp nhận cán bộ từ toàn bộ các ban cũ theo quyết định ngày 31-12-2016, nhưng có đồng chí đến nay chưa làm quen được các công việc. Bên cạnh đó là những cán bộ dù năng lực chuyên môn tốt, nhưng còn e dè, không dám làm…”. Ngày 21-10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu dẫn đầu Tổ công tác số 1 của UBND thành phố kiểm tra công tác giải ngân vốn đầu tư công hai dự án tại quận Hà Ðông. Năm 2020, UBND thành phố bố trí kế hoạch gần 580 tỷ đồng vốn đầu tư công cho dự án Xử lý nước thải Cụm công nghiệp Biên Giang và dự án Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây - Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa trên địa bàn quận Hà Ðông. Ðến nay, việc giải ngân ở hai dự án trên mới đạt 46% và 38,7% tổng kế hoạch vốn giao, nguyên nhân chậm chủ yếu là do vướng mắc trong GPMB. Ðồng chí Nguyễn Văn Sửu yêu cầu cấp ủy, chính quyền quận Hà Ðông chỉ đạo quyết liệt để dự án xử lý nước thải Cụm công nghiệp Biên Giang hoàn thành tiến độ giải ngân vốn. Ðối với dự án Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây - Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, các đơn vị chức năng và quận Hà Ðông cần tăng cường nhân lực, tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB. Trong đó, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, bảo đảm minh bạch trong công tác kiểm soát chi và thanh toán cho các hộ dân, nhà thầu nhanh chóng, kịp thời…

Mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn

Mới đây, trong các buổi làm việc với các địa phương thuộc Vùng KTTÐBB về công tác giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo, các địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân; tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có năng lực, tránh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư gây lãng phí nguồn lực; yêu cầu chủ đầu tư cam kết thực hiện đúng tiến độ, kiên quyết điều chuyển nguồn vốn đầu tư công đối với các dự án có tiến độ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng hoàn thành, có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, UBND tỉnh đã trình HÐND tỉnh điều chỉnh bổ sung dự toán ngân sách nhà nước cơ chế biện pháp điều hành ngân sách năm 2020; trong đó điều chỉnh giảm kế hoạch vốn các chương trình, dự án được bố trí từ nguồn thu tiền đấu giá đất, nguồn thu bán tài sản công là 1.254,6 tỷ đồng; giảm các dự án giải ngân không bảo đảm tiến độ 788,9 tỷ đồng; yêu cầu tất cả 13 đơn vị cấp huyện điều chỉnh giảm kế hoạch chi đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng phân bổ vốn, điều hòa vốn, quản lý đầu tư công ở cấp huyện. Ðồng thời giảm kế hoạch vốn năm 2020 của các nguồn vốn chưa phân khai, các dự án chưa giải ngân hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung vốn cho các dự án trọng điểm, các dự án có tiến độ giải ngân tốt, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, thời gian hoàn thành trước ngày 15-11. TP Hà Nội xây dựng phương án điều hành kế hoạch đầu tư công đợt hai của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa vào sử dụng. Ðồng thời, làm việc với các cơ quan trung ương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện giải ngân vốn cho các dự án ODA. Thành phố tiếp tục rà soát, thực hiện cải cách hành chính đối với các thủ tục về đầu tư xây dựng, bồi thường GPMB, thu hồi đất…, nhất là với 16 dự án trọng điểm còn vướng mắc. Tăng cường kiểm tra, giám sát dự án đầu tư đối với các chủ đầu tư, UBND cấp huyện có kết quả giải ngân thấp để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các dự án chậm tiến độ. Yêu cầu các chủ đầu tư phải hoàn thiện thủ tục thanh toán ngay sau bốn ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, không để dồn vào các tháng cuối năm. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đang triển khai, các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục đầu tư khởi công các dự án mới, nhất là các công trình quan trọng, có tính chất tạo động lực...

Một giải pháp quan trọng mà tất cả các địa phương đều triển khai nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là đề cao trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu gắn với bình xét thi đua. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh khi để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 ở cơ quan, đơn vị mình. Kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi. Nếu kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan. Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Bắc Ninh Nguyễn Ðình Xuân cho biết, sở đã đề xuất phương án điều chuyển vốn đầu tư công đến hết ngày 15-11-2020 từ các dự án không còn khả năng giải ngân sang các dự án có nhu cầu. Căn cứ kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến hết ngày 30-9 và cả năm 2020 báo cáo UBND tỉnh đánh giá thi đua, khen thưởng.

Ngoài sự chủ động triển khai của các địa phương, công tác phối hợp tháo gỡ các vướng mắc giữa địa phương và bộ, ngành trung ương rất quan trọng. Ðại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư góp ý, các địa phương trong vùng cần chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành, quản lý kế hoạch vốn đầu tư công, kiểm soát và thực hiện đúng các quy định về phân bổ, sử dụng vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước; rà soát và chủ động điều chuyển đối với nguồn vốn đầu tư công từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng giải ngân cao, nhu cầu vốn lớn theo quy định của Luật Ðầu tư công và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, cơ quan trung ương.  Chủ động phối hợp các bộ, ngành trung ương trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư khi triển khai thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA.

Chỉ còn hơn hai tháng nữa là kết thúc năm 2020, vì vậy, đây là lúc các bộ, ngành, địa phương trong cả nước nói chung, các tỉnh, thành phố Vùng KTTÐBB nói riêng, cần huy động tổng lực để “chạy nước rút”, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn ODA, tạo động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, từ đó hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của đất nước trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 27-10-2020.

Giải ngân vốn đầu tư công ở Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Bài 1)