Giải ngân vốn đầu tư công ở Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước cũng như các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTÐBB), đã có chuyển biến rõ nét. Ðẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đã kích cầu nền kinh tế, tạo thêm việc làm, thu nhập, tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến cuối năm 2020 giải ngân được 100% vốn đầu tư công, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phối hợp nhịp nhàng nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Ðẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường Hồ Sen - Cầu Rào 2 (Hải Phòng). Ảnh: Ngô Quang Dũng
Ðẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường Hồ Sen - Cầu Rào 2 (Hải Phòng). Ảnh: Ngô Quang Dũng

Bài 1 Dồn sức khơi thông các "điểm nghẽn"

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chín tháng năm 2020 của Vùng KTTÐBB đạt 53,57%, cao hơn mức bình quân chung của khối địa phương (50,96%) và là vùng có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong bốn vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Có được kết quả này là do thời gian qua, các địa phương đã quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy nhanh tiến độ.

Những tín hiệu tích cực

Trong tháng 9 và tháng 10-2020, nhiều dự án giao thông trọng điểm được đầu tư từ ngân sách của TP Hà Nội đã hoàn thành vượt tiến độ đề ra. Ðơn cử dự án tuyến đường vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Ðàm đã được các nhà thầu thi công ba ca liên tục, bảo đảm chất lượng. Ngoài việc triển khai đúc dầm và các cấu kiện bê-tông ở nhà máy, nhà thầu đã tăng cường hai bãi đúc ngay tại công trường để tiết kiệm thời gian vận chuyển, nhờ đó, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng sau gần 11 tháng thi công, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ với đường Giải Phóng và khu vực Linh Ðàm. Các dự án: cầu vượt tại nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; mở rộng đường Tản Lĩnh - Yên Bài cùng nhiều dự án giao thông tại các quận, huyện đều đã hoàn thành trong dịp này, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thủ đô. Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ thi công nút giao đường vành đai 3 với đường cao tốc Hải Phòng, đồng thời bắt đầu thi công dự án hầm chui tại nút giao Lê Văn Lương, vành đai 3.

Tỉnh Quảng Ninh đã phát động chiến dịch 30 ngày đêm (từ ngày 15-7 đến 15-8) giải phóng mặt bằng (GPMB) tuyến cao tốc Vân Ðồn - Móng Cái sau điều chỉnh và đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Tuyến cao tốc Vân Ðồn - Móng Cái dài 80,23 km gồm hai dự án độc lập, đoạn cao tốc Tiên Yên - Móng Cái dài 63,26 km, được thực hiện theo hình thức BOT, đoạn Vân Ðồn - Tiên Yên dài 16 km, thực hiện bằng hình thức đầu tư công. Nhờ sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, chỉ sau 15 ngày, 1.168 hộ dân nằm trong diện GPMB dự án đã tự nguyện ký biên bản bàn giao mặt bằng. Ngay sau khi hoàn thành GPMB, ngày 6-8, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát động chiến dịch "500 ngày đêm" hoàn thành xây dựng tuyến cao tốc Vân Ðồn - Móng Cái. Ông Nguyễn Tiến Oánh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ðầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Ðồn (nhà thầu thi công dự án cao tốc Tiên Yên - Móng Cái) cho biết: "Chúng tôi sẽ bổ sung thêm nhân lực, đôn đốc các đơn vị thi công tăng ca, để sớm hoàn thành dự án vào cuối năm 2021". Dự án này hoàn thành không chỉ thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực miền đông Quảng Ninh phát triển bứt phá, mà còn khép kín hành lang đường bộ, cửa ngõ giao thông kết nối Việt Nam, các nước ASEAN với Trung Quốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển liên kết vùng, thu hút các nguồn vốn đầu tư.

TP Hải Phòng những ngày này giống như một đại công trường. Các dự án xây dựng cầu Dinh (huyện Thủy Nguyên), cầu Quang Thanh (huyện An Lão); tuyến đường đảo Cái Viềng - Mốc Trắng và đường 356 (huyện Cát Hải); tuyến đường nối từ cầu Lạng Am tới đường bộ ven biển (huyện Vĩnh Bảo)… đều được đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, cơ bản bám sát kế hoạch vốn được giao. Giám đốc Sở Tài chính Lê Ngọc Trữ cho biết, thành phố và các ngành chức năng tập trung đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt giá đất của các địa phương, vừa phục vụ công tác GPMB, vừa hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất, bảo đảm cân đối vốn cho các dự án.

Tháng 8-2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã bàn giao công trình nhà kỹ thuật nghiệp vụ và nội trú thuộc Bệnh viện Sản - Nhi của tỉnh cho ngành y tế đưa vào sử dụng, với tổng mức đầu tư hơn 1.171 tỷ đồng, quy mô 500 giường bệnh. Cùng thời điểm này, dự án Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc (mới) gồm 45 phòng học lý thuyết, 25 phòng học bộ môn và các hạng mục khác, đáp ứng nhu cầu học tập khoảng 1.500 học sinh, sau 18 tháng xây dựng đã hoàn thành, bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra. Tại tỉnh Hưng Yên, chín tháng qua, phần lớn các công trình đầu tư mới đều được khởi công đúng hạn, tiến độ thi công nhiều dự án được đẩy nhanh, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như: dự án cải tạo nâng cấp đường và kè bờ khu vực sông Kẻ Sặt, huyện Ân Thi; dự án cải tạo nâng cấp đường ÐT 387 (Lương Tài - Bãi Sậy); dự án nâng cấp đê tả sông Luộc cơ bản hoàn thành thi công giai đoạn 1 đã đáp ứng tốt cho nhu cầu công tác phòng, chống lụt bão và đi lại của nhiều xã ven đê sông thuộc các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ và TP Hưng Yên… Tỉnh Hải Dương mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, song tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của tỉnh đạt khá cao so với trung bình của cả nước, trong đó một số dự án đã hoàn thành, dự án chuyển tiếp có tỷ lệ giải ngân đạt từ 65% đến 90%; một số dự án khởi công mới đã đạt tỷ lệ giải ngân gần 60%.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, tỷ lệ giải ngân chín tháng năm 2020 của Vùng KTTÐBB đạt 53,57%, cao hơn mức bình quân chung của khối địa phương (50,96%), đưa Vùng KTTÐBB trở thành vùng có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong bốn vùng KTTÐ của cả nước. Trong đó, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Ninh thuộc nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Tiếp đó là Hải Dương, TP Hải Phòng. TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc tuy có tỷ lệ vốn đầu tư công được giải ngân thấp hơn mức bình quân chung cả nước, nhưng cũng được ghi nhận là có nhiều khởi sắc, tỷ lệ giải ngân tăng đáng kể so với thời điểm sáu tháng đầu năm nay.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Có được kết quả nêu trên là nhờ các địa phương đã thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần trách nhiệm, sâu sát cơ sở, giải quyết những vướng mắc về vốn và mặt bằng, đồng thời tăng cường kỷ luật công vụ, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trong quý I-2020, khi tình hình sản xuất, kinh doanh đối mặt nhiều khó khăn, lãnh đạo các địa phương đã rà soát, tính toán các cân đối lớn, ưu tiên nguồn lực dành cho đầu tư công; phấn đấu không cắt giảm vốn đầu tư công đã giao. Ngay từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, tỉnh Hưng Yên đã thành lập Ban Chỉ đạo thu, chi ngân sách nhà nước, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, đấu thầu đối với dự án khởi công mới. Tỉnh tổ chức Hội nghị kiểm điểm, ký cam kết về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 giữa các chủ đầu tư và nhà thầu thi công; đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải có cam kết tiến độ giải ngân vốn đầu tư theo các mốc thời gian và bảo đảm mức vốn giải ngân theo chỉ đạo của Chính phủ đạt ít nhất 60% trước ngày 30-9-2020; trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết sẽ xem xét điều chuyển cho dự án có tiến độ giải ngân tốt. Tỉnh Quảng Ninh thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh triển khai dự án cao tốc Vân Ðồn - Móng Cái do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban chỉ đạo để thúc đẩy tiến độ các dự án giao thông động lực. Ðồng thời kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của trưởng ban quản lý dự án từ cấp tỉnh đến cấp huyện nếu không đạt tiến độ giải ngân, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn tỉnh. Tại Hà Nội, đến ngày 31-8-2020, mới giải ngân đạt 42,5% kế hoạch Thủ tướng giao, sau khi thành phố thành lập năm tổ công tác đôn đốc công tác giải ngân, chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, đến ngày 30-9, tỷ lệ giải ngân đạt 48,93%.

Ðáng chú ý, những điểm nghẽn trong GPMB các dự án đã được các địa phương dồn sức khơi thông. Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) thời gian qua đã huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia GPMB đoạn đường từ cầu Mai Ðộng đến ngã tư Vọng thuộc dự án xây dựng đường vành đai 2, trên tinh thần rõ người, rõ việc và có sự kiểm tra chéo lẫn nhau trong quá trình làm việc, cấp ủy cùng tham gia với chính quyền từ công tác chỉ đạo đến tuyên truyền, vận động; phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác GPMB. Nhờ đó, quận đã hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư toàn bộ 1.364 hộ dân và 61 tổ chức trong diện di dời. Ðến thời điểm này, 1.285 hộ và 45 tổ chức đã nhận tiền bồi thường; 1.328 hộ và 53 tổ chức đã phá dỡ bàn giao mặt bằng; chỉ còn 36 hộ dân, tám tổ chức chưa bàn giao mặt bằng. Quận phấn đấu trong tháng 10 năm nay hoàn thành GPMB các trường hợp còn lại, bàn giao mặt bằng sạch để thi công đoạn còn lại trong tuyến giao thông huyết mạch của Thủ đô.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục Hồ Sen - Cầu Rào 2, vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng là một dự án giao thông đô thị lớn của TP Hải Phòng. Ðể thi công tuyến đường dài gần 2 km này phải GPMB 470 hộ dân và năm tổ chức thuộc bốn phường. Ðây là khu dân cư đông, có nhiều dòng họ sinh sống qua nhiều thế hệ, khó xác định nguồn gốc đất... Khó khăn này đã khiến dự án bị "treo" cả chục năm qua. Bí thư Quận ủy Lê Chân Lê Trung Kiên cho biết, quận phát động chiến dịch 20 ngày đêm thực hiện GPMB dự án với sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các đoàn thể, quần chúng, vừa tuyên truyền, vận động, thuyết phục, đối thoại, vừa bố trí lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ người dân tháo dỡ, di chuyển, bố trí nơi ở tạm, triển khai khu tái định cư… Những trường hợp khó khăn được chính quyền hỗ trợ tạo việc làm, tạm ứng tiền đền bù giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. "Chiến dịch" đã thành công, nút thắt GPMB được tháo gỡ, công trình đang phấn đấu hoàn thành trong tháng 11. Ðồng thời, thành phố tiếp tục cho mở rộng dự án, kéo dài tuyến đường ra đến ngã tư Tô Hiệu, tạo thành trục đường rộng rãi với tổng mức đầu tư lên tới hơn 2.000 tỷ đồng…

Ngoài tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng, các địa phương kiên quyết thu hồi, điều chuyển nguồn vốn đầu tư từ các dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án có tỷ lệ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn đầu tư. Tỉnh Quảng Ninh đã thu hồi 49 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn, để dành nguồn lực bố trí cho các dự án đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm. Cuối tháng 8, tỉnh Hải Dương đã giảm hơn 124,7 tỷ đồng vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019 chuyển sang năm 2020 của sáu dự án không có khả năng giải ngân trong năm nay. Tại tỉnh Bắc Ninh, dự án xây dựng đường nối từ đê sông Cầu, xã Dũng Liệt (huyện Yên Phong) đi Khu công nghiệp Yên Phong I mở rộng có tổng mức đầu tư 71 tỷ đồng, kế hoạch vốn được phân bổ năm 2020 là 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, không có khả năng giải ngân, đã được tỉnh điều chuyển toàn bộ nguồn vốn được phân bổ sang dự án khác có nhu cầu bổ sung.

Chánh Văn phòng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Ðức Tâm phân tích: Vốn đầu tư công tập trung chủ yếu để thực hiện các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, khi nguồn vốn này được giải phóng có vai trò như vốn mồi thu hút nguồn vốn từ khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài, qua đó góp phần tăng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Chính vì vậy, chín tháng qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, hầu hết các địa phương trong Vùng KTTÐBB vẫn duy trì mức tăng trưởng dương. GRDP của TP Hải Phòng tăng 11,39% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó ngành công nghiệp và xây dựng có mức tăng cao nhất, đạt 17,92%; tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh đạt 6,5%, của Hà Nội đạt 3,27%..., góp phần ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước.

(Còn nữa)