GDP năm 2019 vượt mục tiêu, tăng 7,02%

NDO -

NDĐT - Chiều 27-12, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã thông báo một số vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam quý IV và năm 2019. Theo đó, nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao, tăng trưởng GDP năm 2019 ước tính đạt 7,02%, vượt mục tiêu đề ra, quy mô được mở rộng với chất lượng ngày càng được cải thiện.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì buổi Họp báo.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì buổi Họp báo.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP năm 2019 đạt kết quả ấn tượng, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6%-6,8%, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực thực hiện để đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng. Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 7,08% của năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của các năm 2011-2017.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,90%, đóng góp 50,4%; khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Cung cầu hàng hóa trong nước bảo đảm, tiêu dùng tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao nhất giai đoạn 2016-2019. Công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ thị trường tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa xác lập kỷ lục mới, đạt 516,96 tỷ USD với giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay. Ngành du lịch tạo dấu ấn với lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt người. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút nhiều doanh nghiệp thành lập mới và đầu tư nước ngoài.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện
Năm 2019, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 ước tính đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018[8]); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 6,2% do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2019 tăng cao.

Hiệu quả đầu tư được cải thiện với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017; 5,97 năm 2018; năm 2019 ước tính đạt 6,07. Bình quân giai đoạn 2016-2019 hệ số ICOR đạt 6,14, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015.

Tổng cục Thống kê nhận định, bước sang năm 2020, kinh tế Việt Nam cần nhận diện những cơ hội cũng như những thách thức để có bước đi đúng trong tiến trình “về đích” của giai đoạn 2016-2020. Để có thể hoàn thành các mục tiêu kế hoạch không chỉ của năm 2020 mà của cả giai đoạn 2016-2020, Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương cần tháo gỡ các nút thắt, phát huy tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, trong đó tập trung vào sáu nhóm động lực có tính nền tảng cho tăng trưởng kinh tế năm 2020 và các năm tiếp theo với các nội dung chủ yếu sau:

(1) Hoàn thiện thể chế kinh tế; (2) Nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của nền kinh tế; (3) nâng cao năng suất lao động; (4) Tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước; (5) Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; (6) Đô thị hóa là quá trình tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.