“Gạo sạch Việt Nam - khẳng định vị trí - vươn tầm quốc tế”

NDO -

NDĐT - Đồng bằng Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa quan trọng nhất cả nước với khoảng 1,2 triệu ha, chiếm 56% về lượng và cung cấp hơn 95% sản lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, thị trường đầu ra của hạt gạo vẫn chưa ổn định và luôn chịu rủi ro về giá cả.

Gạo sạch Việt Nam trưng bày tại Festival lúa gạo lần III tại Long An.
Gạo sạch Việt Nam trưng bày tại Festival lúa gạo lần III tại Long An.

Để nâng cao vị thế hạt gạo trên trường quốc tế, ngày 21-12, trong khuôn khổ Festival lúa gạo lần III đang diễn ra tại Long An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Long An tổ chức Hội thảo “Gạo sạch Việt Nam - khẳng định vị trí - vươn tầm quốc tế” với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, trung ương, địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu gạo và nông dân trồng lúa ở khu vực ĐBSCL.

Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn chia sẻ: Vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 27% GDP của cả nước, thu ngoại tệ khoảng ba tỷ USD, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho cả nước, nâng cao đời sống vật chất, tạo cơ hội việc làm cho cư dân ở khu vực nông thôn. Thời gian qua, sản lượng lúa ở khu vực ĐBSCL tăng chủ yếu do tăng năng suất từ ứng dụng giống lúa mới, áp dụng khoa học kỹ thuật, hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư và năng lực, trình độ kỹ thuật canh tác của nông dân được nâng lên. Tuy vậy, nếu so với những tiềm năng và yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL còn rất nhiều hạn chế như: quy mô của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhỏ, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo còn gặp khó khăn về vốn, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, trong khi trình độ công nghệ còn thấp; công tác nghiên cứu thị trường, quảng cáo, xây dựng thương hiệu chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức, tình trạng tranh mua tranh bán giữa các doanh nghiệp với nhau vẫn còn diễn ra; vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất và chế biến đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái tự nhiên và đời sống của người dân.

Vì vậy, để hội nhập với kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL cần phải có chiến lược phát triển dài hạn, bền vững, tận dụng tối đa những tiềm năng, lợi thế sẵn có, khắc phục những yếu kém, tồn tại của mình nhằm nâng cao năng lực kinh doanh, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đối với người trồng lúa.

Quyết định phê duyệt của Thủ tướng chính phủ số 942/QĐ TTG, ngày 3-7-2017 về chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 là: Điều chỉnh giảm dần lượng gạo xuất khẩu nhưng giữ ổn định và tăng giá xuất khẩu gạo. Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2020, lượng gạo xuất khẩu hàng hóa khoảng 4,5 đến 5 triệu tấn/năm, giá trị đạt bình quân 2,2 đến 2,3 tỷ USD; Giai đoạn 2021 - 2030 còn lại 4 triệu tấn/năm, giá trị vào năm 2030 đạt 2,3 đến 2,5 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu đề ra thì giải pháp chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu gạo thương phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 20% tỷ trọng, tăng tỷ trọng gạo trắng cấp cao lên 25%; tỷ trọng gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm 30%, gạo nếp chiếm khoảng 20%; còn lại là các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như: gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ…. Mục tiêu năm 2030, tỷ trọng gạo trắng xuất khẩu chiếm khoảng 25%, gạo cấp thấp không quá 10%, tỷ trọng gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm 40%, gạo nếp chiếm khoảng 25%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao phải đạt hơn 10%.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học hiến kế: Để tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL nói riêng có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao thì toàn vùng cần phải đưa ra những tiêu chí như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng quản trị, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới nhằm mục đích nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ chiều rộng sang phát triển chiều sâu. Tăng cường hơn nữa các hoạt động đối ngoại, quảng bá hình ảnh, mở rộng hoạt động giao lưu học hỏi kinh nghiệm quốc tế, khu vực nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế, kết hợp với các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, thâm nhập thị trường; chủ động kết nối với mạng lưới Việt kiều yêu nước ở nước ngoài. Tập trung phát triển các ngành có những chỉ số hàm lượng trí tuệ cao và phải coi đây là chủ lực trong mặt bằng tổng thể phát triển nền kinh tế của vùng.

Để phát huy giá trị hạt gạo Việt Nam, khẳng định vị trí - vươn tầm quốc tế thì việc tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản, quảng bá Logo thương hiệu gạo Việt Nam, tăng tường quan hệ hợp tác quốc tế và đầu tư với các quốc gia và vùng lãnh thổ để mở rộng thị trường xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu, hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như đầu tư về cơ sở hạ tầng, logistics, thanh toán… Các địa phương của cần phải tạo điều kiện, chính sách để các doanh nghiệp đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng và tăng cung của thị trường thì hạt “Gạo sạch Việt Nam - khẳng định vị trí - vươn tầm quốc tế”.