EVFTA và cơ hội cho vận tải biển

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mở ra nhiều cơ hội cho các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, trong đó có ngành vận tải biển.

Các cam kết trong EVFTA được đánh giá sẽ giúp cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải biển Việt Nam mở rộng quy mô thị trường, cũng như nhiều điều kiện để thực hiện hiệu quả dịch vụ này. Cụ thể, EU hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển đạt 30,31 tỷ USD, chiếm gần 54%. Không những vậy, EVFTA còn dự kiến sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng hơn 40% và nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng 35% vào năm 2025. Khi hoạt động xuất, nhập khẩu giữa hai bên càng tăng trưởng, thị trường dịch vụ logistics càng mở rộng, nhất là dịch vụ vận tải biển.

Ở một khía cạnh khác, EU cũng là thị trường cung cấp các loại phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị, công nghệ chất lượng cao phục vụ hoạt động logistics. Những cam kết xóa bỏ thuế quan của Việt Nam dành cho các loại phương tiện, thiết bị nhập khẩu từ EU chính là cơ hội để doanh nghiệp vận tải biển có thể tiết kiệm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng cung ứng dịch vụ, cải thiện năng lực công nghệ. Mặt khác, việc mở cửa thị trường dịch vụ vận tải biển trong khuôn khổ EVFTA sẽ thúc đẩy các công ty logistics EU đầu tư vào thị trường Việt Nam, là cơ hội để các doanh nghiệp vận tải biển của ta phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, EVFTA cũng đặt các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam trước những thách thức không nhỏ. Vì các nhà cung cấp dịch vụ EU vốn rất mạnh trong lĩnh vực logistics, với các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại, chiếm thị phần đáng kể trên thị trường logistics thế giới. Trong khi đó, sự chênh lệch trình độ phát triển giữa các doanh nghiệp logistics của EU và Việt Nam sẽ tạo ra một sự cạnh tranh khốc liệt hơn. Mặt khác, dù EU cũng mở cửa thị trường dịch vụ logistics, nhưng lại đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ cũng như các ràng buộc pháp lý gián tiếp (về nhập cảnh, về quốc tịch của người lao động,…), cho nên việc đáp ứng tiêu chuẩn thị trường không hề đơn giản.

Các chuyên gia khuyến nghị, để tận dụng tốt các cơ hội từ EVFTA mang lại, cũng như sẵn sàng vượt qua các thách thức hiện hữu, các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản; nâng cao năng lực hoạt động, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ; học tập, áp dụng các mô hình thành công để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh. Ðồng thời, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh; tạo chuỗi cung ứng dịch vụ thông qua thúc đẩy liên kết hoạt động của các doanh nghiệp. Ðặc biệt, các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam cần nắm rõ các cam kết mở cửa dịch vụ logistics trong EVFTA để nhận diện được các nguy cơ mới trong cạnh tranh với các đối thủ từ EU; hiểu đúng, hiểu rõ trong các nội dung cam kết của EVFTA để có sự chuẩn bị tiếp cận với thị trường.

NGUYỆT BẮC