EVFTA nâng tầm hội nhập của Việt Nam

Một trong những đặc điểm chính của hợp tác kinh tế - thương mại quốc tế trong thời gian gần đây là việc xuất hiện những mối liên kết hợp tác kinh tế mới và sự phát triển mạnh của các xung đột thương mại ở cấp độ song phương, khu vực, thậm chí cả trong khuôn khổ đa phương của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong bối cảnh phức tạp và khó lường đó, Việt Nam là một trong số ít nước vẫn duy trì quyết tâm mở cửa, hội nhập với nền kinh tế thế giới trên cơ sở các nguyên tắc phù hợp đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ. Một dẫn chứng cho đường lối kiên định đó chính là Hiệp định Thương mại

EVFTA nâng tầm hội nhập của Việt Nam

Tình hình quốc tế đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều nước đã hướng đến các biện pháp bảo hộ mậu dịch, thậm chí tham gia “chiến tranh thương mại”. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít nước vẫn tiếp tục kiên định với hội nhập kinh tế quốc tế. Một trong những chủ trương quan trọng đã được đưa ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5-11-2016 về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Kim chỉ nam cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế được xác định là “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc”. Chủ trương đã giúp nước ta tự tin bước vào giai đoạn mới của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giai đoạn chủ động xây dựng các quy tắc mới trong thương mại quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Kết quả đầu tiên của tiến trình thực hiện các chủ trương mới của Ðảng về hội nhập kinh tế quốc tế chính là Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua và có hiệu lực vào tháng 1 năm nay. Ðến giữa năm, lại có thêm một thông tin tích cực nữa về việc thực hiện các chủ trương của Nghị quyết 06, đó chính là việc ký kết EVFTA. Như vậy, không chỉ có một mà đến hai hiệp định thương mại tự do (FTA) “thế hệ mới” được Việt Nam tham gia, góp phần thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi với một số nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Ðặc biệt, Việt Nam là nước thứ hai trong ASEAN và là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực ký kết FTA với EU. Ðây là kết quả của chặng đường dài, thể hiện các bước tiến lớn để đưa nước ta từ một nước đi sau, lần đầu tiên vươn lên thuộc nhóm nước đi đầu khu vực trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Nói đến một FTA mọi người thường chú ý đến các cơ hội gia tăng thương mại. Quả vậy, EVFTA là một hiệp định dự kiến có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam. Với EVFTA, ngay khi hiệp định có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau bảy năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (các mặt hàng còn lại theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%). Tuy nhiên, với những FTA thế hệ mới, phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa. Hiệp định EVFTA điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác như mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và mua sắm của các cơ quan Chính phủ; thương mại điện tử; quyền sở hữu trí tuệ; doanh nghiệp nhà nước và phát triển bền vững. Các quy định dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế trong nhiều lĩnh vực về kinh doanh, thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ... Ðây chính là cơ sở để chúng ta tiến hành cải cách, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả, đối đầu thành công với các thách thức trong giai đoạn nền sản xuất thế giới đang đứng trước các thay đổi như vũ bão của cách mạng công nghiệp 4.0. Chính vì vậy, theo tính toán của các chuyên gia Việt Nam, nếu EVFTA được thực hiện ngay, có thể sẽ góp phần làm tổng sản phẩm quốc dân (GDP) tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% cho giai đoạn 2019-2023; 4,57 đến 5,30% cho giai đoạn 2024-2028 và từ 7,07 đến 7,72% cho giai đoạn 2029-2033. Song song với tăng trưởng kinh tế, EVFTA cũng giúp tăng thêm việc làm cho khoảng 146 nghìn lao động mỗi năm. Ðây có thể nói là con số cao nhất so với các FTA đã được ta ký kết và thực hiện cho đến nay.

Tất nhiên, cùng với các cơ hội thì việc thực thi EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, nhất là nền kinh tế của Việt Nam có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU. Thứ nhất, sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, cạnh tranh luôn có tính hai mặt rõ ràng. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém, nhất là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu. Mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Quan trọng hơn cả, chúng ta cần nhìn nhận đây là con đường mà sớm hay muộn cũng phải đi qua để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, các cam kết nhiều lĩnh vực mới trong EVFTA cũng đặt ra yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật. Trong thời gian qua, Quốc hội đã chủ động đưa ra lộ trình sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Bộ luật Lao động, Luật Sở hữu trí tuệ,... Ðây chính là các bước đi chủ động để chuẩn bị cho quá trình hội nhập, trong đó có việc thực hiện EVFTA. Cuối cùng, thị trường EU là một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất trên thế giới. Việc bước qua được các rào cản thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của ta sẽ được thị trường EU chấp nhận. EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó (thí dụ không được dùng hải sản đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép). Hay các đòi hỏi về lao động, môi trường của EU cũng thuộc hàng cao nhất thế giới. Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước phải không ngừng vươn lên mới có thể vượt qua được các thách thức, khai thác được các cơ hội do EVFTA đem lại.

Năm 2020 tới đây, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Hiệp định EVFTA được coi là khuôn mẫu để các nước ASEAN cùng EU xây dựng một FTA chung giữa hai khối, tạo ra xung lực mới cho hợp tác khu vực. Chúng ta cùng hy vọng và tin tưởng vào một chặng đường mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU nói riêng cũng như ASEAN và EU nói chung.