Ðể phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau

Trong nhiều năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật phát triển vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi không ngừng được hoàn thiện và đem đến những kết quả quan trọng.

Mô hình “Mỗi hộ có một vườn rau xanh và cây ăn trái” của Hội Phụ nữ xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.
Mô hình “Mỗi hộ có một vườn rau xanh và cây ăn trái” của Hội Phụ nữ xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Ðó là không chỉ hỗ trợ trực tiếp về đời sống người DTTS nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng, mà còn mở ra nhiều cơ hội về sinh kế, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội cho phụ nữ DTTS.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Với mục tiêu chăm lo, giúp đỡ hội viên, phụ nữ DTTS phát triển kinh tế, có sự chuyển biến và thay đổi từ nhận thức đến hành động, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức, tham gia xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS. Mô hình "Mỗi hộ có một vườn rau xanh và cây ăn trái" đã thu hút nhiều hội viên, phụ nữ tích cực tham gia, được các cấp Hội tập trung xây dựng ở vùng đồng bào DTTS; phối hợp cán bộ khuyến nông "cầm tay, chỉ việc" hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ bà con kinh phí mua cây giống, nhằm thay đổi cách thức trong lao động sản xuất, bảo đảm nguồn thực phẩm sạch bảo vệ sức khỏe...

Từ năm 2018, gia đình chị Ksor H’Nhit (làng Breng 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) bắt đầu cải tạo đất để trồng các loại rau. Trước đây, gia đình chị trồng hồ tiêu nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Nhờ sự vận động, hỗ trợ của Hội LHPN xã trong việc triển khai mô hình "Mỗi hộ có một vườn rau xanh và cây ăn trái", kinh tế gia đình chị trở nên ổn định, phát triển hơn. Hiện nay, làng Breng 1 đã có gần 150 hộ hội viên phụ nữ tham gia mô hình và tại xã Ia Dêr có sáu làng triển khai thực hiện mô hình, đem lại thu nhập bình quân mỗi hộ từ 30 đến 50 triệu đồng/năm, trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp ra thị trường rau xanh an toàn.

Chị Puih H’Sới, Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Dêr cho biết, năm 2018, ban đầu Hội chọn 10 hội viên ở làng Breng1 để làm điểm mô hình, gồm những hộ có hoàn cảnh khó khăn và chưa có thói quen trồng rau. Nhận thấy hiệu quả, mô hình đã được nhân rộng nhanh chóng ra các làng còn lại. Thời gian tới, Hội LHPN xã Ia Dêr hướng đến xây dựng tổ liên kết "Trồng rau sạch", kết nối đầu ra sản phẩm tại các nhà hàng, hệ thống siêu thị của tỉnh Gia Lai và các tỉnh lân cận.

Năm 2019, Hội LHPN tỉnh Gia Lai đã giao Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh xây dựng và triển khai sản phẩm "Mục đích sử dụng vay xây nhà tiêu hợp vệ sinh", nhằm hỗ trợ hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Gia đình chị Oul (làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang), những năm về trước do kinh tế khó khăn, gia đình chị sinh hoạt hằng ngày trong điều kiện không có nhà tiêu, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Từ nguồn vốn vay chín triệu đồng của Hội LHPN xã, gia đình chị Oul đã xây nhà tiêu hợp vệ sinh, bảo đảm môi trường, an toàn sức khỏe gia đình. Ðến thời điểm này, trên địa bàn xã Kon Thụp đã có 25 hội viên, phụ nữ của tất cả làng được vay với mức chín triệu đồng/hộ, trong đó, 20 hộ đã xây xong và sử dụng hiệu quả.

Lắng nghe tiếng nói...

Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển, đặc biệt là công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tuy nhiên, với phụ nữ DTTS nói riêng và người DTTS nói chung vẫn còn những khoảng cách trong thụ hưởng thành tựu phát triển. Vừa qua, tại hội thảo "Thách thức và giải pháp để phụ nữ DTTS không bị bỏ lại phía sau", Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: "Với những đặc điểm giới và định kiến xã hội tồn tại qua nhiều thế hệ, phụ nữ và trẻ em gái DTTS đang phải đối mặt nhiều sự phân biệt đối xử. Ðiều này ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận, tham gia và thụ hưởng từ các chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Họ bị tụt hậu trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe và hòa nhập xã hội, bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển".

Chia sẻ với chúng tôi, chị Trương Thị Liên (dân tộc Mường, xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, phụ nữ DTTS thường mặc định suy nghĩ, cuộc sống xoay quanh công việc gia đình, công việc chân tay, chăm sóc con cái. Dù có hiểu biết về một vấn đề nào đó, nhưng họ lại không dám nói lên ý kiến, quan điểm vì sợ mọi người không lắng nghe. Phụ nữ DTTS không có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập; hiệu quả sản xuất nông nghiệp bấp bênh...

Chị Liên cho biết thêm: "Trước đây, tôi chưa bao giờ biết đến những chính sách dành cho cộng đồng, phụ nữ DTTS; không biết phụ nữ DTTS có quyền gì, hay mình có quyền nói những điều gì. Vì thế, tôi nghĩ chính sách cho người DTTS cần phù hợp với từng cộng đồng nhỏ, từng địa phương để người dân ở đó có thể tiếp cận dễ dàng và tham gia".

PGS, TS Ðặng Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và Giới cho biết: "Giải pháp quan trọng nhất là phải cải thiện quá trình xây dựng chính sách, xây dựng chính sách từ cộng đồng, từ nhu cầu thực tế của phụ nữ. Phải để phụ nữ DTTS nói được tiếng nói của họ, họ cần gì, muốn gì. Cùng với sự tham gia của các nhóm xã hội, những người có uy tín, cán bộ xã, chính quyền tiếp thu và nói lên tiếng nói của phụ nữ, lúc đó mới thay đổi định kiến được. Khi phụ nữ có cơ hội tốt, họ sẽ thể hiện và phát triển được bản thân".

Thực tế cho thấy, đã có những tấm gương phụ nữ dân tộc vượt qua định kiến để học tập, phát triển kinh tế gia đình, tự tin đưa các sản phẩm của địa phương tới các vùng miền của đất nước và quốc tế. Do đó, năng lực của phụ nữ nói chung và phụ nữ vùng đồng bào DTTS nói riêng cần được xã hội nhìn nhận, đánh giá một cách đúng đắn, để giúp đỡ họ vươn lên, tự chủ trong cuộc sống.