Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn

Ðể ngành mía đường phát triển bền vững

Vài năm trở lại đây, ngành mía đường nước ta gặp nhiều khó khăn do giá đường xuống thấp, đường nhập lậu, tồn kho nhiều. Ðặc biệt, niên vụ mía đường 2018-2019 ở các tỉnh miền trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long năng suất, sản lượng mía, đường đều giảm. Vì vậy, ngành mía đường cần những giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững.

Sản xuất đường tinh luyện tại Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (Phú Yên). Ảnh: TRÌNH KẾ
Sản xuất đường tinh luyện tại Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (Phú Yên). Ảnh: TRÌNH KẾ

Chương trình một triệu tấn đường được Chính phủ khởi động từ năm 1995 và đến năm 2000 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu. Ðến nay, diện tích mía cả nước có khoảng 300.000 ha, tăng khoảng mười lần so năm 1995. Cây mía đã trở thành cây trồng chính trong sản xuất nông nghiệp, từ đó hình thành ngành công nghiệp chế biến đường, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Ngành mía đường tạo việc làm, bảo đảm thu nhập cho hơn 330 nghìn hộ nông dân, hơn 1,5 triệu lao động nông nghiệp, 350 nghìn công nhân công nghiệp; góp phần xóa đói, giảm nghèo khu vực nông thôn, nhất là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Mặc dù, trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, bão, lũ, xâm nhập mặn và sự cạnh tranh quyết liệt của các loại cây trồng khác, nhưng vùng nguyên liệu mía tập trung vẫn duy trì, năng suất mía bình quân phổ biến ở mức hơn 65 tấn/ha. Riêng niên vụ 2013-2014 và niên vụ 2014-2015 sản xuất được hơn 16 triệu tấn mía, ép được hơn 1,5 triệu tấn đường.

Tuy nhiên, thời gian qua ngành mía đường liên tục gặp những khó khăn ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của các nhà máy và người trồng mía. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ mía đường 2018-2019 là năm thứ ba liên tiếp chịu sự tác động tiêu cực của thời tiết cũng như giá cả thị trường trong nước và quốc tế. Ðến nay, toàn bộ 36 nhà máy đường đã vào vụ sản xuất, ép được gần tám triệu tấn mía, cho ra 750 nghìn tấn đường các loại. Mặc dù giá đường đã nhích lên 10.500 đồng/kg, nhưng tình hình tiêu thụ vẫn chậm, lượng đường tồn kho lớn. Bên cạnh đó, những điều kiện bất lợi về thời tiết cũng khiến mía ở một số địa phương bị trổ cờ sớm và sâu bệnh gây hại cho nên diện tích, năng suất mía đang giảm mạnh. Ðặc biệt, ở các địa phương vùng miền trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long năng suất niên vụ này giảm 13%, sản lượng mía giảm 22% và sản lượng đường giảm 23%.

Hiện nay, hầu hết các nhà máy đường đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do thiếu vốn lưu động, đường tiêu thụ chậm cũng như các ngân hàng thắt chặt việc cho vay. Nhiều công ty mía đường đã không có tiền thanh toán mía nguyên liệu cho người dân. Mặt khác, ở một số nơi, giá thu mua mía nguyên liệu của các nhà máy cũng giảm, cho nên ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân. Mặc dù các nhà máy đã cố gắng giữ giá bảo hiểm và bổ sung chính sách hỗ trợ người trồng mía nhưng nhìn chung giá vẫn thấp hơn so niên vụ trước. Do đó, ở một số nơi diện tích mía đã bị thu hẹp và xuất hiện tình trạng chuyển diện tích mía sang trồng cây sắn.

Cơ hội và thách thức lớn trước mắt và lâu dài đối với ngành mía đường là cạnh tranh gay gắt hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế; tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; cạnh tranh quyết liệt của cây trồng khác; tình trạng khan hiếm và thiếu lao động trong nông nghiệp, trước hết lao động thu hoạch mía.

Để ngành mía tồn tại, phát triển và nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, nhất là sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, thì các bộ, ngành, địa phương và nhà máy cần tập trung cơ cấu lại ngành mía đường nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập theo cơ chế thị trường. Ðặc biệt, tập trung cơ cấu lại sản xuất nguyên liệu mía nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu để nông dân có lời. Trong đó, cơ cấu lại khâu nghiên cứu và tổ chức sản xuất giống (hình thành lại hệ thống giống 3 cấp); phấn đấu sau năm 2020 chấm dứt tình trạng dân tự để giống để trồng mới.

Mặt khác, cần cơ cấu lại giá mía nguyên liệu theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa nhà máy với nông dân theo tỷ lệ 70/30; cơ cấu lại công nghiệp chế biến đường theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. Phấn đấu giá đường xuống dưới 10.000 đồng/kg. Cơ cấu lại hệ thống thương mại, tiêu thụ, bán lẻ theo thị trường, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước nhằm ổn định sản xuất, bình ổn thị trường giá cả trong nước, chia sẻ lợi ích giữa sản xuất và tiêu dùng (hiện nay chênh lệch giữa giá bán lẻ trên thị trường với giá bán tại nhà máy từ 3.000 đến 3.500 đồng/kg, có thời điểm cao nhất khoảng 5.000 đồng/kg). Cơ cấu lại doanh nghiệp, từng bước hình thành doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ; gắn công nghiệp chế biến đường với công nghiệp chế biến thực phẩm và nước giải khát. Ðồng thời, lực lượng chức năng cần triển khai có hiệu quả các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng đường cát nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đường cũng như người trồng mía…

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, bình quân mỗi năm lượng đường nhập lậu vào thị trường nước ta khoảng 500 nghìn tấn. Ngoài ra, đường lỏng nhập khẩu tiếp tục gia tăng những năm gần đây cũng ảnh hưởng việc tiêu thụ đường cát trong nước. Năm 2014, nhập khẩu đường lỏng vào nước ta khoảng 46 nghìn tấn, năm 2018 đã lên khoảng 140.000 tấn, tăng hơn ba lần. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngành mía đường gặp khó khăn như hiện nay.

Niên vụ mía đường 2018-2019, sản lượng mía ước đạt khoảng 14 triệu tấn, sản lượng đường ước đạt khoảng 1,3 triệu tấn, giảm so niên vụ trước. Dự kiến, niên vụ mía đường 2019-2020, sản lượng sẽ tiếp tục giảm. Trong đó, diện tích mía giảm xuống còn 220.000 ha, sản lượng mía còn khoảng 13 triệu tấn và sản lượng đường khoảng 1,25 triệu tấn, giảm 5% so niên vụ trước.

(Nguồn Hiệp hội Mía đường Việt Nam)

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường: 

Phải đa dạng hóa sản phẩm

Tại buổi làm việc với Hiệp hội Mía đường Việt Nam ngày 3-4, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, về lâu dài ngành mía đường cần giảm giá thành ở tất cả các khâu; nâng giá trị tối đa ở tất cả các nhóm sản phẩm; có sự đồng lòng, quyết tâm cao giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân… Nhất trí với các giải pháp, kiến nghị của Hiệp hội Mía đường về xây dựng giống ba cấp, đổi mới hệ thống canh tác, đồng bộ cơ giới hóa, minh bạch chữ đường, chất lượng đường, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, ngành mía đường còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế khác cho nên cần đa dạng hóa sản phẩm để tăng nguồn thu nhập, thí dụ như bã mía, không chỉ để làm nguyên liệu phát điện mà còn có thể làm giá thể nấm, phân bón hữu cơ cũng mang lại lợi nhuận và hiệu quả cao.

Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Phạm Quốc Doanh:

Tăng cường cơ giới hóa, áp dụng công nghệ mới

Ðể ngành mía đường phát triển, thời gian tới các địa phương cần cơ cấu lại các biện pháp canh tác và quy trình công nghệ theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, áp dụng tiến bộ công nghệ mới thay thế phương pháp canh tác truyền thống, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên hiện có; đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất, hình thành chuỗi giá trị; hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã trồng mía, trong đó nhà máy, công ty tham gia cổ phần và là thành viên của hợp tác xã; cơ cấu lại khâu quản lý chất lượng mía, bao gồm kiểm soát, giám sát chữ đường và tạp chất để sớm chấm dứt tình trạng mua mía xô như hiện nay của nhiều nhà máy.

Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) Nguyễn Hoàng Phước:

Nông dân tham gia cánh đồng mía lớn vẫn có lãi 

Những năm gần đây, Nhà máy đường An Khê (Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi) tập trung đầu tư mở rộng diện tích mía nhằm chủ động sản xuất, kinh doanh. Nhà máy tăng cường liên kết sản xuất với nông dân xây dựng các cánh đồng mía lớn để chủ động cơ giới hóa sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng mía, tăng thu nhập cho nông dân. Ðến nay, Nhà máy đường An Khê có vùng mía nguyên liệu khoảng 26 nghìn ha, trong đó có 3.800 ha sản xuất theo cánh đồng mía lớn. Qua thống kê, mía sản xuất trên cánh đồng lớn có năng suất cao hơn, chi phí giảm so với trồng truyền thống có bình quân năng suất đạt hơn 85 tấn/ha; một số nơi có năng suất cao từ 130 tấn đến 140 tấn/ha. Mặc dù người trồng mía ở nhiều nơi khác đang thua lỗ, nhưng nông dân tham gia cánh đồng mía lớn vẫn có lãi từ 13 triệu đến 20 triệu đồng/ha.

Nông dân Lê Thành Phương (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng)

Mía rớt giá thê thảm

Với 10 nghìn m2 trồng mía, chưa năm nào nhà nông gặp cảnh rớt giá thê thảm như năm nay. Giá mía thời điểm đầu vụ còn vớt vát được đôi chút, nhưng càng vào vụ, mía càng giảm giá. Trước đây, giá mía được thương lái thu mua từ 600 đồng đến 700 đồng/kg, nhưng nay nông dân chúng tôi phải chật vật lắm mới bán được mía với giá 300 đồng/kg.