Duy trì thường xuyên hoạt động bảo trì hạ tầng đường sắt

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư (Đề án).

Theo đó, đối với việc quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, thống nhất với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đối với việc giao dự toán bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, Bộ GTVT khẩn trương chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trong thời gian Đề án chưa được phê duyệt, Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan duy trì hoạt động bảo trì thường xuyên, liên tục, bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác và hiệu quả, theo đúng quy định.

Tăng trưởng ngành xây dựng đạt khoảng 9,2%

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tốc độ tăng trưởng ngành Xây dựng năm 2019 đạt mục tiêu Chính phủ giao, tăng khoảng 9,2% so cùng kỳ. Tính đến ngày 1-12, Bộ Xây dựng được giao 214 nhiệm vụ, đã hoàn thành 159 nhiệm vụ (chiếm 74%), đang thực hiện 55 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ nào quá hạn. Đồng thời, Bộ tiếp tục triển khai nhiệm vụ then chốt, lâu dài là hoàn thiện thể chế. Trong năm 2019, Bộ đã ban hành hơn 20 thông tư, ba tiêu chuẩn. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 39,2%, tăng 0,8% so năm 2018. Thị trường bất động sản cơ bản ổn định, không có dấu hiệu cực đoan...

Xuất khẩu thủy sản năm 2020 phấn đấu đạt chín tỷ USD

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2019 dù ngành thủy sản nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức như: Dịch bệnh liên tục xuất hiện, nguồn nguyên liệu sụt giảm, thị trường đưa ra hàng loạt rào cản mới... nhưng vẫn duy trì tốt đà tăng trưởng khi tăng gần 7% về sản lượng và giá trị so với năm 2018. Năm 2020, ngành thủy sản đặt mục tiêu đạt được chín tỷ USD về giá trị xuất khẩu, tăng 7% so với năm 2019.

Cơ hội xuất khẩu gạo vào thị trường Hàn Quốc

Cục Xuất, nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, bên cạnh việc phân bổ 20 nghìn tấn gạo cho tất cả thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là 55.112 tấn gạo, bao gồm: các loại gạo mà Việt Nam có thể trồng và xuất khẩu. Đáng chú ý, Hàn Quốc bảo đảm áp dụng cơ chế phân bổ hạn ngạch phù hợp với quy định của WTO và không gây ra tác động hạn chế nhập khẩu.

Để tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường Hàn Quốc từ cam kết này, Cục Xuất, nhập khẩu đã có công văn gửi sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam để kịp thời thông tin cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.