Góc nhìn

Dư địa hẹp cho chính sách hỗ trợ

Gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai thực hiện cho năm 2021 và những năm tiếp theo vẫn đang được các bộ, ngành liên quan cân nhắc, tính toán để trình Chính phủ nhằm tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp (DN) bị tác động bởi dịch Covid-19.

Là điểm sáng về phòng, chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế nhưng đến nay, nền kinh tế Việt Nam cũng xuất hiện những nguy cơ tổn thương mới trước tác động to lớn của đại dịch Covid-19. Ðó là sức chống chịu của cộng đồng DN, nhất là DN nhỏ và vừa đã tới hạn; thu nhập của nhiều hộ gia đình sụt giảm, các chương trình xã hội hiện nay vẫn không đủ bao phủ, tỷ lệ đối tượng được nhận hỗ trợ còn thấp. Thực tế này đòi hỏi Chính phủ cần cân nhắc một gói hỗ trợ mới trong năm 2021 và những năm tiếp theo với quy mô lớn hơn và độ bao phủ rộng hơn để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra, việc thiết kế gói hỗ trợ kinh tế trong năm 2021 gặp nhiều thách thức hơn so với gói hỗ trợ kinh tế năm 2020 do dư địa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đều eo hẹp. Quy mô chi tiêu ngân sách có thể gia tăng nếu đại dịch tái bùng phát và kéo dài, trong khi thu ngân sách trở nên khó khăn hơn do nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy giảm. Thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ trở nên căng thẳng hơn, khiến cho dư địa tác động của chính sách tài khóa bị thu hẹp lại. Tương tự, dư địa chính sách tiền tệ cũng đang hạn hẹp khi khoảng chênh lệch giữa lãi suất và tỷ lệ lạm phát không còn nhiều, rủi ro kinh tế vĩ mô có thể gia tăng khi tiếp tục nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Vấn đề đặt ra là năm 2021 cần rà soát dư địa về chính sách tiền tệ trong khi lãi suất không thể giảm sâu nhằm bảo đảm lãi suất thực dương. Việc cơ cấu lại nợ cũng phải tính toán vì về nguyên tắc, kéo dài giải pháp này đến một thời điểm nào đó sẽ tạo sức ép rất lớn cho xử lý nợ xấu.

Ðể gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai thật sự hiệu quả, thiết kế chính sách cần bảo đảm tính minh bạch, công bằng, dễ tiếp cận hơn và hạn chế được thấp nhất tình trạng trục lợi chính sách. Việc hỗ trợ thông qua giảm mức thu các loại phí, lệ phí cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch, không áp dụng dàn trải như năm 2020. Ðối với chính sách tiền tệ, cần tập trung vào việc cắt giảm lãi suất cho vay nhanh hơn thay vì tập trung giảm lãi suất huy động. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến khó lường và có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào, các các gói an sinh xã hội cần được tiếp tục duy trì với mức ưu tiên hàng đầu nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ. Muốn vậy, cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật thông tin về người lao động để các gói hỗ trợ tương tự trong tương lai (nếu có) sẽ được triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng và ít tốn kém nguồn lực.