Dự án Luật PPP: Cơ chế chia sẻ rủi ro cần công bằng và minh bạch

NDO -

NDĐT - Phát biểu về cơ chế chia sẻ rủi ro của Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại phiên thảo luận hội trường ngày 19-11, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định cụ thể cơ chế chia sẻ rủi ro nhằm bảo đảm tính công bằng và minh bạch.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan đoàn Quảng Ninh tại phiên thảo luận ngày 19-11. (ẢNH: DUY LINH)
Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan đoàn Quảng Ninh tại phiên thảo luận ngày 19-11. (ẢNH: DUY LINH)

Cần quy định cụ thể

Đồng tình với việc chia sẻ lợi ích và rủi ro sẽ tạo sự công bằng hợp lý giữa công và tư khi cùng tham gia dự án, nhưng đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang) đề nghị cần quy định giao cho Hội đồng thẩm định dự án PPP xem xét, điều chỉnh tăng mức giá, phí sản phẩm dịch vụ công hoặc là gia hạn thời gian hợp đồng trong trường hợp doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu trong phương án tài chính.

"Bởi lẽ đối tượng trực tiếp tham gia dự án là các bên ký kết hợp đồng nhưng đối tượng hưởng lợi và tốn phí sử dụng sản phẩm và dịch vụ công là cộng đồng dân cư nên việc điều chỉnh này ảnh hưởng đến xã hội", đại biểu Nguyễn Kim Tuyến giải thích.

Về mức tỷ lệ chia sẻ rủi ro và lợi ích, vị nữ đại biểu đoàn Tiền Giang đề nghị, cơ quan soạn thảo xem xét thêm các phương án là không xác định tỷ lệ 50% này mà chọn tỷ lệ là chia sẻ rủi ro theo tỷ lệ cơ cấu góp vốn, chủ sở hữu của doanh nghiệp và vốn nhà nước vào dự án, đồng thời chiếm rủi ro là 50- 50 đối với phần huy động hợp pháp khác.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cũng đề nghị, quy định cụ thể nguồn kinh phí nhà nước sử dụng để chia sẻ rủi ro và các trình tự thủ tục sử dụng khiến nguồn vốn này.

Về quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán trong phạm vi vốn ngân sách nhà nước tại Dự án Luật PPP, đại biểu đoàn Tiền Giang đề nghị xem xét quy định Kiểm toán nhà nước thực hiện toàn bộ dự án PPP.

Dự án Luật PPP: Cơ chế chia sẻ rủi ro cần công bằng và minh bạch ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Kim Tuyến đoàn Tiền Giang. (ẢNH: DUY LINH)

“Do sản phẩm của dự án là tài sản công và dự án tác động đến lợi ích xã hội”, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến giải thích và phát biểu: “Kiểm toán nhà nước cần đồng hành cùng Nhà nước và doanh nghiệp để kịp thời phát hiện các sai sót để chấn chỉnh thay vì kiểm toán khi dự án hoàn thành, khi đó các sai sót nếu có sẽ khó khắc phục hơn”.

Cùng phát biểu về cơ chế chia sẻ rủi ro đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định cụ thể các quy trình đề nghị được chia sẻ rủi ro, các quy định công khai, minh bạch trong thực hiện chia sẻ rủi ro, cơ sở xác định mức chia sẻ rủi ro và cấp có thẩm quyền quyết định mức giảm doanh thu.

Việc quy định cụ thể này, theo đại biểu Đỗ Thị Lan, là “để chia sẻ rủi ro trong trường hợp phù hợp với các luật khác, phù hợp với từng loại hình dự án đầu tư và sao cho bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp giữa các bên nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân”.

Đại biểu đoàn Quảng Ninh cũng đề nghị cần quy định chế tài xử phạt đối với vi phạm trong trường hợp thực hiện các quy định về chia sẻ rủi ro.

Về việc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng, theo đại biểu Đỗ Thị Lan là “chưa phù hợp” và “sẽ làm hạn chế hoạt động đầu tư theo phương thức PPP và các lĩnh vực mà nhà nước đang khuyến khích huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân như y tế, giáo dục, thể thao, môi trường, các dự án đầu tư tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.”

Theo đó, đại biểu Lan đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu không nên quy định cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu như dự thảo luật để phù hợp hơn đối với các lĩnh vực đầu tư. Đồng thời, cũng cần làm rõ hơn căn cứ để quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án theo hình thức đầu tư công tư như dự thảo luật.

Không phải là cơ chế bảo lãnh

Giải trình ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cơ chế chia sẻ rủi ro là “một vấn đề rất lớn, vừa là mới, vừa là khó” nhưng cần thiết vì “đầu tư các dự án công chúng ta phải xác định đây thuộc trách nhiệm nhà nước, nhà đầu tư bỏ tiền ra làm, sau đó vận hành và giao lại cho nhà nước, nên phải có cơ chế chia sẻ rủi ro này với các nhà đầu tư thì các nhà đầu tư mới yên tâm để tham gia đầu tư với chúng ta”.

Dự án Luật PPP: Cơ chế chia sẻ rủi ro cần công bằng và minh bạch ảnh 2

Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội. (ẢNH: DUY LINH)

Bộ trưởng KHĐT cũng nhấn mạnh, “đây không phải cơ chế bảo lãnh, đây là cơ chế chia sẻ rủi ro chứ không phải cơ chế bảo lãnh. Mục tiêu của nhà đầu tư theo chúng tôi hiểu là kinh doanh để kiếm lợi nhuận chứ không phải là chờ thua lỗ để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Đồng thời vị tư lệnh ngành KHĐT cũng nêu rõ “không áp dụng tràn lan” cơ chế chia sẻ rủi ro. “Việc này chúng ta cũng không áp dụng tràn lan và cũng chỉ số ít dự án đặc biệt quan trọng và khi mà chúng ta không thể điều chỉnh thời hạn thì chúng ta mới thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Về vấn đề hạn mức chia sẻ rủi ro, Bộ trưởng KHĐT cho biết “sẽ tiếp tục cùng với cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện để xem xét việc có nên quy định hạn mức không? Quy định mức bao nhiêu là hợp lý để bảo đảm sức thuyết phục hơn, tạo cơ sở vững chắc hơn.”

Về quy mô vốn tối thiểu dự kiến là 200 tỷ đồng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng “tương đối phù hợp” và cho biết quy mô này “phù hợp với các thông lệ quốc tế”. “Các nước hiện nay cũng áp dụng chủ yếu mức từ 50 triệu USD trở lên”, Bộ trưởng dẫn chứng.

Đối với “trường hợp dự án có quy mô nhỏ, thấp hơn”, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng “phải sử dụng bằng ngân sách nhà nước hoặc thu hút nguồn vốn xã hội hóa và đầu tư tư nhân theo Luật Đầu tư”. Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh “PPP sẽ tập trung nguồn lực để phục vụ cho một số dự án hạ tầng lớn.”

Về vấn đề kiểm toán, người đứng đầu Bộ KHĐT cho biết, “nội dung này là một điều phù hợp đã được thiết kế phù hợp với Hiến pháp và Luật Kiểm toán nhà nước. Tức là chỉ thực hiện Kiểm toán nhà nước đối với tài sản công và tài chính công, Hiến pháp cũng bảo hộ quyền tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư nêu tại Điều 51 khoản 3: tài sản hình thành từ nguồn vốn của nhà đầu tư được xác định theo các yếu tố về giá, phí, chất lượng”.

“Theo kinh nghiệm quốc tế thì nội dung của hợp đồng phải được nhà nước xem xét kỹ lưỡng trước khi ký kết và có thể thực hiện Kiểm toán nhà nước ngay từ khâu lập dự án. Nếu chúng ta lập xong, ký hợp đồng rồi mà chúng ta lại kiểm toán lại theo các quy định khác và theo các quy định ở trong nước thì nhà đầu tư không thể yên tâm để thực hiện được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cuối cùng, Bộ trưởng KHĐT cho biết “sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu” và “mong muốn được các đại biểu tiếp tục đóng góp các giải pháp cụ thể để chỉnh sửa” Dự án Luật PPP trong thời gian tới.

>>Cần quy định rõ các cơ chế và nguồn xử lý rủi ro tại Dự án Luật PPP