Đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển

NDO -

Chỉ trong bốn năm triển khai phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” từ năm 2017 đến năm 2020, nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận. Sự thay đổi từ chính sách tới hành động của ngành tài chính đã hỗ trợ tích cực, đồng hành và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp làm thủ tục thông quan hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa: Hoàng Liêm).
Doanh nghiệp làm thủ tục thông quan hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa: Hoàng Liêm).

Đơn giản hóa hàng nghìn thủ tục hành chính 

Nếu như xem giai đoạn 2017- 2020 là thời kỳ cao điểm thực hiện phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, sự chuyển biến thấy rõ nhất của ngành tài chính thể hiện trong các hoạt động như xây dựng cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC).

Cụ thể, trong bốn năm này, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp các đơn vị tham mưu, trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung và ban hành ba văn bản luật; tham mưu trình Chính phủ ban hành hai nghị quyết, 18 nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hai chỉ thị, chín quyết định; ban hành theo thẩm quyền và phối hợp ban hành 69 thông tư; 23 quyết định. 

Hệ thống pháp luật tài chính đối với doanh nghiệp (DN) tập trung tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về chính sách thuế, hải quan, chứng khoán, chế độ kế toán, kiểm toán, TTHC trong lĩnh vực tài chính trên cơ sở bảo đảm tôn trọng quyền tự do kinh doanh, ổn định, minh bạch, thông thoáng, phù hợp với tinh thần Luật DN và Luật Đầu tư sửa đổi 2018. 

Không bó hẹp trong trong một phong trào thi đua, chủ trương này đã được triển khai trong một thời gian dài, với những nỗ lực thay đổi cả về chất và lượng để có thể thúc đẩy DN Việt Nam phát triển. 

Tính chung trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát và đề xuất các phương án đơn giản hóa, cắt giảm TTHC trong tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. Trong đó, tập trung vào nghiên cứu giảm thời gian và chi phí thực hiện TTHC liên quan trực tiếp tới người dân, DN.

Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, Bộ đã thực hiện rà soát, cắt giảm 296 TTHC và sửa đổi, đơn giản hóa 1.138 TTHC; đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa đối với 190/370 điều kiện kinh doanh. 

Về rà soát, cải cách TTHC, những lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc... ghi nhận sự cải cách mạnh mẽ, đồng bộ của Bộ Tài chính. 

Lấy sự hài lòng của người dân và DN làm thước đo

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng. 

Cụ thể, năm 2018 tăng 14 bậc, năm 2017 tăng 8 bậc, năm 2016 tăng 3 bậc. 

Chỉ số nộp thuế theo báo cáo môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam do WB công bố có sự cải thiện mạnh mẽ, tăng 81 bậc so với báo cáo năm 2017; năm 2020 tăng 22 bậc so với năm 2019.

Nhằm hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho DN và người dân, ngành tài chính đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của ngành. Danh mục dịch vụ hành chính công, điều kiện kinh doanh đã thường xuyên được công bố, cập nhật Cổng dịch vụ công quốc gia của ngành tài chính đã lên tới 101 TTHC.

Nhờ áp dụng công nghệ, chỉ tính về thời gian nộp thuế của DN giảm được 300 giờ, từ 537 giờ (năm 2015) còn 237 giờ (2020). So với năm 2015, thời gian thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới giảm được khoảng 297 giờ, nay chỉ còn 111 giờ. Đáng chú ý thời gian tiếp nhận và thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ một tới ba giây...

Để có được những kết quả đó, Bộ Tài chính thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại với DN và cơ quan báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhất là về cơ chế chính sách và TTHC thuế, hải quan..

Tại các đơn vị như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, các cơ quan thuế, hải quan tại các địa phương cũng tổ chức các hội nghị, gặp mặt với các DN, người nộp thuế trên địa bàn nhằm thông tin, tuyên truyền về các chính sách và TTHC mới trong lĩnh vực thuế, hải quan, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho DN. 

Thước đo hiệu quả của các phong trào thi đua đã bao gồm cả sự hài lòng của người dân và DN. Vì vậy, các cơ quan hải quan đã triển khai sâu rộng và hiệu quả Hệ thống trao đổi thông tin Hải quan - DN cho phép trao đổi thông tin qua lại hai chiều một cách nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, tăng cường quan hệ hợp tác giữa DN với các cơ quan thuế, hải quan.

Việc tập trung đẩy mạnh hiện đại hóa trong các lĩnh vực mũi nhọn của ngành tài chính như thuế, hải quan, chứng khoán…đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ nhiều rào cản để DN Việt Nam có thể hội nhập và phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.