Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam

NDO -

Ngày 29-7, tại Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp Ban Kinh tế Trung ương và các Bộ, ngành liên quan tổ chức Tọa đàm khoa học “Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam”.

Tọa đàm khoa học “Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam”.
Tọa đàm khoa học “Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam”.

Tọa đàm có sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan, bộ, ngành Trung ương, trường đại học, viện nghiên cứu và VCCI…

Hơn 40 tham luận và ý kiến trình bày tại tọa đàm đã tập trung vào phân tích kinh tế thị trường Việt Nam, trong mối tương quan với các nước khác dựa trên bộ chỉ số Economic Freedom of  the World (EFW), do Fraser Institute của Canada xây dựng; các yếu tố ảnh hưởng đến các chỉ số thành phần và chỉ số tổng hợp EFW; khuyến nghị các chính sách và giải pháp cần thiết nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển hiệu quả các thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, kinh tế thị trường hiện đại là nền kinh tế trong đó nhà nước và thị trường thực hiện hợp lý vai trò và chức năng của mình, kết hợp và bổ sung cho nhau hướng đến một thị trường hoàn hảo. Nền kinh tế thị trường hiện đại có một số đặc trưng chủ yếu như: Có chế độ sở hữu tài sản và quyền sở hữu tài sản rõ ràng, minh định; Chủ sở hữu là thể nhân, pháp nhân (gồm pháp nhân tư và pháp nhân công quyền)...;  Sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là chủ yếu, phổ biến; Ghi nhận và thừa nhận sự đa dạng về tài sản, gồm cả vật quyền và hiện vật; Mỗi một tài sản (dù thuộc công hữu hay tư hữu) đều có chủ và chủ sở hữu cụ thể; Các chủ sở hữu có đầy đủ các quyền sở hữu…

Đồng thời, trong kinh tế thị trường, sự tự do kinh doanh được khẳng định bởi: Các thủ thể thị trường phải độc lập về pháp lý, có quyền tự do kinh doanh; tự do quyết định sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai; tự do thỏa thuận hợp đồng, tự quyết định giá và trao đổi theo cung cầu thị trường.

Đặc biệt, kinh tế thị trường đòi hỏi bảo đảm sự cạnh tranh công bằng và có trật tự; Độc quyền phải được kiểm soát có hiệu quả; Cạnh tranh không lành mạnh phải bị trừng phạt và loại trừ. Mỗi một chủ thể thị trường (dù đó là người sản xuất hay người tiêu dùng, dù đó là thuộc khu vực công hay khu vực tư,v.v.) đều phải đối mặt với cạnh tranh trong lựa chọn và trao đổi, mua bán với chủ thể khác trong giới hạn của chi phí và khan hiếm nguồn lực… Tự do kinh doanh và cạnh tranh thị trường chi phối phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế, chi phối sự lựa chọn của các chủ thể thị trường. Giá cả tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ và các yếu tố sản xuất (vốn, đất đai và lao động, tài nguyên thiên nhiên) đều được quyết định dựa trên khan hiếm nguồn lực, cạnh tranh và quan hệ cung cầu của thị trường (do thị trường quyết định).

Cuối cùng, kinh tế thị trường hoàn hảo đòi hỏi sự đào thải sáng tạo, tức là: Cạnh tranh thị trường một cách công bằng và có trật tự để lựa chọn người thắng cuộc. Doanh nghiệp, cá nhân hay quốc gia năng động, sáng tạo, tìm kiếm các cách thức phù hợp gia tăng được năng suất lao động, hiệu quả sử dụng các nguồn lực,... thì doanh nghiệp, cá nhân hay quốc gia đó sẽ vượt lên. Các doanh nghiệp không cạnh tranh được sẽ bị thị trường đào thải để nhường chỗ, nhường cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp khác…

Trong kinh tế thị trường, vai trò của nhà nước thể hiện ở việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và thiết lập khung pháp luật và bộ máy thực thi để thị trường hoạt động tốt, bao gồm: Xác lập rõ ràng, cụ thể  sở hữu tài sản và bảo vệ có hiệu quả quyền sở hữu tài sản. Bảo đảm quyền tự do hợp đồng và thực thi hiệu lực các hợp đồng. Bảo đảm cạnh tranh công bằng, bình đẳng và kiểm soát hiệu quả độc quyền kinh doanh dưới mọi hình thức. Bảo đảm trật tự và an toàn xã hội... Khắc phục khiếm khuyết, thất bại của thị trường. Đồng thời, không làm cho thị trường hoạt động một cách méo mó, sai lệnh, tạo ra những tín hiệu thị trường lệch lạc đối với các chủ thể thị trường. Bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển cho mọi người. 

Theo đó, Nhà nước cần tạo lập thể chế bảo đảm bình đẳng về cơ hội cho tất cả mọi người; không tạo lập thể chế riêng biệt cho từng nhóm người; và hỗ trợ, nâng đỡ nhóm xã hội yếu thể để nâng cao năng lực của họ, giúp họ tiếp cận được cơ hội như những người khác; Phân phối lại thu nhập nhằm giảm bớt bất công, bất bình đẳng trong xã hội; giảm sự đau khổ của nhóm người chịu tác động theo chu kỳ của thị trường (phá sản, mất việc làm...). Thiết lập hệ thống bảo hiểm xã hội dưới các hình thức đa dạng đối với tất cả mọi người. Tổ chức cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công thiết yếu và thực hiện các nhiệm vụ xã hội khác thuộc trách nhiệm của nhà nước…

Trong khi thực hiện các chức năng nói trên, Nhà nước cũng phải bị ràng buộc bởi: Giới hạn ngân sách cứng (kỷ luật tài chính) và trách nhiệm giải trình đầy đủ trước dân chúng. Nói cách khác, nhà nước hoạt động theo thị trường và các can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế cũng không trái với nguyên tắc thị trường, mà phải thuận theo thị trường. Trên thực tế, không bao giờ có thị trường hoàn hảo, nhưng can thiệp của nhà nước phải hướng đến sự hoàn hảo của thị trường, khắc phục, sửa chữa các khiếm khuyết của thị trường.