Đổi mới công nghệ khai thác than hầm lò

Trong vài năm trở lại đây, việc tuyển dụng lao động tại các công ty than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang gặp nhiều khó khăn, nhất là vị trí thợ lò. Để giải quyết bài toán này, nhiều công ty đã chủ động đổi mới công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hóa (CGH), nâng cao năng lực, cải thiện môi trường làm việc trong khai thác than hầm lò, góp phần giữ chân lao động, phát triển bền vững ngành than.
Công nhân làm việc tại phân xưởng khai thác 11, Công ty Than Thống Nhất (thuộc TKV).
Công nhân làm việc tại phân xưởng khai thác 11, Công ty Than Thống Nhất (thuộc TKV).

Chăm lo đời sống thợ lò

Đến một số công ty than thuộc TKV, điều chúng tôi cảm nhận rõ nhất đó là điều kiện và môi trường làm việc của thợ mỏ ngày càng được cải thiện và nâng lên. Các chế độ đối với người lao động do Nhà nước quy định, như: Chế độ ăn định lượng; trợ cấp thôi việc; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hỗ trợ, trợ cấp những trường hợp bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp... đều được bảo đảm tốt. Tại phân xưởng khai thác 11 thuộc Công ty Than Thống Nhất, dù vừa trải qua hơn tám giờ làm việc vất vả ở môi trường ẩm thấp, tối tăm dưới lòng đất, chúng tôi nhận thấy nụ cười luôn hiện diện trên khuôn mặt đen nhẻm của những người thợ lò nơi đây.

Gặp thợ lò Lê Văn Biên, khi vừa tan ca, khá bất ngờ khi biết anh đã có gần 20 năm gắn bó với nghề mỏ. Anh Biên vui vẻ chia sẻ, điều kiện làm việc và đời sống của người thợ lò chưa bao giờ được cải thiện tốt như hiện nay. Công nhân đi làm được bố trí xe đưa đón tận nơi, khi vào ca đều đi bằng các phương tiện như xe song loan, mono-ray vào tận nơi sản xuất để giảm bớt sức lực do phải đi bộ; các mỏ hầm lò đều sử dụng cột, giá thủy lực ZH 1600, ZH 1800, máy xúc trong lò. Than sau khi khai thác xong được vận chuyển bằng hệ thống băng tải ra tận bãi tập kết bên ngoài đường lò giúp giảm mức độ nặng nhọc so với bốc xếp thủ công trước đây. Chính vì vậy, sau mỗi ca làm việc, cũng cảm thấy bớt đi sự mệt mỏi. “Đồng thời, chế độ lương cho thợ lò đã phần nào tương xứng với công sức lao động, với thu nhập từ 25 đến 27 triệu đồng/tháng. Do đó, ngoài các chi phí cho cá nhân, mỗi tháng cũng gửi về cho gia đình khoảng 15 đến 17 triệu đồng”, anh Biên tâm sự.

Theo Quản đốc phân xưởng khai thác 11 Đoàn Hải Nam, từ nhiều năm nay, Công ty Than Thống Nhất luôn xác định, bảo vệ quyền lợi cho công nhân và người lao động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Chính vì vậy, công ty chủ động áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, tiết giảm sức lao động; cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cấp các khu nhà ở, tập thể. Đồng thời, thực hiện tổ chức ăn ca, ăn tự chọn với khoảng 20 món ăn các loại nhằm đáp ứng đa dạng sở thích của từng người. Bên cạnh đó, công ty còn lắp đặt hệ thống dẫn nước uống tinh khiết xuống tận các gương lò; đầu tư hệ thống rửa mũi, phát mặt nạ lọc không khí cho từng người để giảm các bệnh về hô hấp; tập trung đầu tư, đổi mới công nghệ, CGH điều kiện chở người và vật tư trong hầm lò... Ngoài ra, các công nhân đi làm xa nhà còn được tạo điều kiện sắp xếp cho một căn phòng hạnh phúc tại nhà khách của công ty để những người vợ có thể ra thăm chồng sau những ngày dài xa cách. Chính vì vậy, khi được hỏi, nhiều công nhân vẫn muốn gắn bó với nghề mỏ khi điều kiện còn cho phép, thậm chí, có những người sau khi bỏ việc được một thời gian, lại xin quay lại mỏ để tiếp tục công việc làm thợ lò.

Cơ giới hóa trong khai thác

Trong tình hình trữ lượng các mỏ khai thác than lộ thiên đang dần cạn kiệt, để bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ đủ nhu cầu tiêu thụ than, việc đẩy mạnh đầu tư, mở mới các lò khai thác xuống độ sâu âm so mực nước biển là việc làm hết sức cần thiết. Thế nhưng, càng khai thác xuống sâu, môi trường làm việc của các thợ lò lại càng gặp phải nhiều khó khăn, vất vả, khiến việc “giữ chân” thợ lò đang là một bài toán khó với ngành than. Trước thực tế đó, giải pháp ưu tiên số một hiện nay của các đơn vị thuộc TKV đang triển khai là đẩy mạnh đầu tư về công nghệ, đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm giảm bớt hao phí sức lực, cải thiện môi trường làm việc cho công nhân hầm lò.

Phó Giám đốc Công ty Than Thống Nhất Nguyễn Văn Phượng chia sẻ, công ty đã triển khai lắp đặt hệ thống chống giá khung, giá thủy lực ZH, khai thác an toàn, ổn định tại tất cả 12 phân xưởng khai thác. Các gương lò hiện đều đã đưa máy xúc để thay thế việc bốc xúc thủ công như trước đây và sử dụng các máy khoan có tốc độ cao để thay thế búa khoan cầm tay. Đồng thời, triển khai các phương án tự động hóa trong hàng loạt các dây chuyền sản xuất với hệ thống 30 tuyến băng tải các loại, hệ thống tuyển than man-hê-tít nhằm thu hồi triệt để than từ đất đá thải loại sau sàng tuyển; đầu tư thiết bị chở người, tời hỗ trợ người đi bộ tại các tuyến lò trục chính, triển khai hệ thống kiểm soát khí mỏ Davis Desby của Anh và KSP2 của Ba Lan, hoạt động 24 giờ/ngày ở các nơi làm việc. Đáng chú ý, công ty còn đầu tư lắp đặt hệ thống hơn 60 ca-mê-ra giám sát sản xuất truyền dẫn bằng cáp quang an toàn phòng nổ tại các vị trí như hầm bơm trung tâm, trạm phân phối, hệ thống băng tải, tời trục để kịp thời xử lý những sự cố trong hầm lò. Với điều kiện khai thác than ngày càng xuống sâu, các khí độc hại như khí mê-tan tăng cao, công ty đã đầu tư lắp đặt bổ sung một trạm quạt gió chính VO-22/14AR của LB Nga và đưa vào vận hành từ tháng 9 vừa qua để nâng cao năng lực thông gió cũng như duy trì lưu lượng không khí phục vụ sản xuất trong hầm lò. Chính vì vậy, về cơ bản tất cả các khu vực sản xuất có đủ điều kiện đều được CGH để giúp giảm lao động thủ công, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, tiết kiệm chi phí và tài nguyên.

Có thể khẳng định, trong lộ trình phát triển ngành than bền vững sẽ chủ yếu nhờ vào khai thác than hầm lò và việc áp dụng công nghệ hiện đại, CGH khai thác than là bước đi đúng hướng, giúp tăng năng suất, sản lượng. Tuy nhiên, việc CGH vẫn còn một số khó khăn khi gặp phải điều kiện địa chất phức tạp, chiều dài vỉa khai thác không lớn, chưa chủ động được về thiết bị CGH do chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài, dẫn tới ảnh hưởng công suất khai thác cũng như hiệu quả đào lò. Chính vì vậy, các đơn vị trong ngành than cần đánh giá chính xác trữ lượng than có khả năng áp dụng CGH; xây dựng trung tâm bảo trì và bảo dưỡng thiết bị, đào tạo thợ cơ khí có tay nghề cao. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ nguồn lực cho quá trình nghiên cứu, triển khai áp dụng các công nghệ mới; khuyến khích huy động nguồn vốn đầu tư xã hội cho các dự án CGH khai thác và đào lò. Tăng cường gắn kết giữa TKV, đơn vị tư vấn, nghiên cứu với các công ty khai thác để từng bước hiện đại hóa các mỏ, nâng cao năng lực sản xuất trong bối cảnh khai thác than sẽ ngày càng khó khăn hơn.