Doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh

Khác với thông lệ, việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của cộng đồng doanh nghiệp (DN) năm 2021 đã phải bổ sung nhiều phương án dự phòng cũng như kịch bản điều hành, do xuất hiện biến số Covid-19. Dự báo triển vọng kinh doanh chưa bao giờ khó đến thế, nhưng kết quả khảo sát của một số tổ chức uy tín và đánh giá của DN ở một số ngành nghề quan trọng đều cho thấy có nhiều tín hiệu khả quan.
 

Một công đoạn trong dây chuyền may áo xuất khẩu của Tổng công ty May 10 (Tập đoàn Dệt may Việt Nam).
Một công đoạn trong dây chuyền may áo xuất khẩu của Tổng công ty May 10 (Tập đoàn Dệt may Việt Nam).

Cơ hội khởi sắc

Công ty cổ phần Hỗ trợ sáng kiến kinh doanh tác động MEVI gần đây liên tục xuất hiện trong các sự kiện và hội thảo về sản xuất, kết nối kinh doanh. MEVI là thành viên mới nhất thuộc hệ sinh thái gồm chuỗi các DN, hợp tác xã do nhóm doanh nhân trẻ sáng lập từ năm 2016. Thông qua hoạt động kết nối, thu mua, điều phối hàng hóa với các nhà sản xuất và bán chéo sản phẩm giữa các thành viên, đến nay, MEVI đã kết nối hơn 60 DN nhỏ và vừa để phân phối gần 200 sản phẩm là đặc sản vùng, miền trong cả nước, sản xuất theo tiêu chí xanh, sạch, truy xuất rõ nguồn gốc. Trong đó có những sản phẩm có giá trị gia tăng cao sau chế biến, đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới, được thị trường đón nhận như bún dâu tây, mỹ phẩm chăm sóc da nguồn gốc thảo dược... Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc MEVI cho biết, bằng lối đi riêng, đột phá vào mắt xích yếu nhất trong DN là tính liên kết, MEVI và hệ sinh thái vẫn hoạt động tốt trong thời kỳ đại dịch Covid-19 với mức tăng trưởng hơn 20%. Năm 2021, DN này kỳ vọng tăng trưởng cao hơn nhờ sự thúc đẩy liên kết ba nhà: Nhà nông, Nhà nước và DN đang được Chính phủ và các bộ, ngành triển khai mạnh mẽ.

Nhiều DN Việt Nam đang có sự phục hồi khả quan nhờ các chính sách kích cầu thị trường nội địa thông qua các loại hình kinh doanh bán lẻ, du lịch, vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống. Trong đó phải kể đến DN du lịch, lữ hành với kế hoạch nỗ lực chuyển hướng tập trung khai thác thị trường khách trong nước ở trạng thái "bình thường mới". Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường nội địa chưa thể giúp ngành du lịch phục hồi hoàn toàn nhưng mang lại nhiều ý nghĩa xã hội khác. Trong đó, quan trọng nhất là tạo việc làm cho một số lượng nhất định người lao động. Thị trường nội địa với mức tăng trưởng bất ngờ sau đại dịch cũng giúp đẩy nhanh đà phục hồi của DN hàng không Việt Nam. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) cho biết, trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2021, sản lượng vận tải hành khách nội địa của VNA dự kiến tăng trưởng tốt hơn năm trước, tiến gần tới điểm phục hồi. Theo kịch bản lạc quan, năm 2022, sản xuất, kinh doanh của VNA sẽ trở về quy mô như trước đại dịch Covid-19; còn theo kịch bản thận trọng, thời điểm phục hồi là năm 2023. Ðây là mức phục hồi nhanh so với tình hình chung của thị trường hàng không quốc tế.

Trong khi đó, DN hoạt động xuất khẩu dự kiến tiếp tục được hưởng lợi từ hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới vừa ký kết hoặc có hiệu lực. Việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2020 đã tác động đáng kể đến thương mại song phương Việt Nam - EU, thể hiện qua sự tăng trưởng mạnh mẽ xuất khẩu của Việt Nam sang EU và kim ngạch nhập khẩu từ EU vào Việt Nam trong những tháng cuối năm. Cơ hội sẽ tiếp tục đến với những DN nhạy bén, chuẩn bị sẵn sàng năng lực hợp tác. Theo phản ánh của các DN, từ cuối năm 2020, thị trường xuất khẩu từng bước được khơi thông cho nên đầu ra của các DN giày dép, dệt may, sản phẩm điện tử, linh kiện… được cải thiện. Nếu tình hình dịch Covid-19 không quá căng thẳng, sản xuất sẽ khả quan hơn ngay từ đầu năm 2021.
Dự báo, kinh tế Việt Nam trong năm 2021 có những tín hiệu, triển vọng lạc quan nhờ bước tiến mới trong thực thi các FTA và công tác ứng phó dịch bệnh đạt kết quả tích cực.

Nâng cao khả năng thích ứng

Khảo sát từ các nhà quản lý cấp cao mới đây của CEL Consulting cho thấy, năm 2021, có đến 77% nhà quản lý cho rằng tình hình kinh doanh sẽ từ cải thiện đến rất cải thiện; chỉ 8% cho rằng sẽ phát triển theo chiều hướng bi quan. Trong báo cáo vừa được công bố, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Ngân hàng HSBC ghi nhận cộng đồng DN Việt Nam tìm mọi cách xoay xở để vượt qua những thách thức do dịch bệnh mang tới. Ðồng thời cải tiến phương thức hoạt động, chuyển đổi số, chủ động tiếp cận ngân hàng để tìm giải pháp tối ưu hóa quản lý dòng tiền…

Số liệu cập nhật về tình hình đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cũng thể hiện sự nỗ lực nâng cao khả năng thích ứng của cộng đồng DN trước khủng hoảng. Sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều DN vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường. Ðồng thời không ngừng tìm kiếm ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể. Vì thế, con số DN thành lập mới, DN "ngủ đông", DN rời bỏ thị trường liên tục có biến động mạnh theo diễn biến của dịch bệnh và chính sách điều hành kinh tế. Ðiều này cho thấy cộng đồng kinh doanh chưa bao giờ hết kỳ vọng vào khả năng phục hồi.

Giám đốc điều hành Economica Việt Nam TS Lê Duy Bình cho rằng, để DN tận dụng được các cơ hội kinh doanh tốt hơn trong năm 2021, Chính phủ cần tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ cộng đồng DN. Trong đó, cần xác định rõ những DN cần hỗ trợ có cơ hội phục hồi để tập trung nguồn lực. Khuyến khích phát triển các DN hoạt động trong ngành nghề mới, DN có tiềm năng phát triển như DN đổi mới sáng tạo, DN số, DN công nghệ cao. Phải chấp nhận quá trình sàng lọc của thị trường đối với các DN không đủ sức cạnh tranh và DN hoạt động trong những ngành nghề kinh doanh không phù hợp bối cảnh mới.

Tại thời điểm này, DN Ô-xtrây-li-a đang rà soát, đánh giá và định hình lại hoạt động, cân nhắc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhất là ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Kỳ vọng khoảng giữa năm 2021, tình hình kinh doanh sẽ có bước khởi sắc với việc mở cửa thị trường quốc tế và khôi phục hoạt động thương mại. Như tất cả các DN có vốn đầu tư nước ngoài khác, những thách thức do dịch Covid-19 gây ra đối với DN Ô-xtrây-li-a đang hoạt động tại Việt Nam là vô cùng lớn. Tuy vậy, chúng ta tin rằng điều tồi tệ nhất đã ở phía sau; cùng với những kiến thức, trải nghiệm sống và làm việc trong bối cảnh đại dịch, chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ phục hồi vững chắc hơn trong tương lai".

Ông Ða-vít Oai-hết

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam