Doanh nghiệp chung tay đối phó dịch Covid-19

Tính đến 17 giờ ngày 3-3, dịch Covid-19 đã lan tới 77 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dịch bệnh đã vượt khỏi khuôn khổ gây ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, mà lan ra làm gián đoạn giao thương, đứt gãy các chuỗi sản xuất toàn cầu cũng như tác động lớn đến kinh tế của nhiều quốc gia, tập đoàn trên thế giới. Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam cũng hứng chịu ngay nhiều biến động xấu về thương mại toàn cầu do dịch Covid-19 gây ra. Khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó khăn mà các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải hứng chịu cũng ngày càng lớn.

Hoạt động vận tải hàng không tại sân bay Nội Bài bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19. Ảnh: MINH HÀ
Hoạt động vận tải hàng không tại sân bay Nội Bài bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19. Ảnh: MINH HÀ

Bài 1: Thiệt hại nặng nề

Các ngành sản xuất của nước ta hiện phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu (NPL), linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Hàn Quốc, Nhật Bản,...). Do đó, khi chuỗi cung ứng bị “đứt gãy”, hầu hết DN lập tức lâm vào cảnh hết NPL phục vụ sản xuất. Tai hại hơn, dịch Covid-19 còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành kinh tế khác như logistics, hàng hải, hàng không hay các lĩnh vực phân phối, bán lẻ trong nước, khu vực cũng như toàn thế giới.

“Ông lớn” cũng phải cầm cự

Thời điểm này năm trước, mỗi tuần, các sân bay lớn trong cả nước có hơn 640 lượt chuyến bay đi và đến Trung Quốc. Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, toàn bộ các đường bay bị tạm ngừng. Hiện tại, các chuyến bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Nhật Bản cũng buộc phải giảm tần suất hoặc ngừng khai thác. Sự suy giảm nghiêm trọng sản lượng hành khách ở các sân bay lớn phản ánh không khí ảm đạm của các ngành hàng không và du lịch. Tổng Giám đốc Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) Dương Trí Thành cho biết, ngành hàng không đang rơi vào tình trạng xấu nhất trong lịch sử 60 năm phát triển. Đội bay 100 chiếc của VNA có 40 chiếc phải ngừng khai thác vì không có khách. Thị trường Trung Quốc đóng cửa; các thị trường quan trọng khác như Hàn Quốc, Nhật Bản phải sơ tán gia đình cán bộ, nhân viên đại diện, chỉ duy trì con số tối thiểu và cũng sắp đến thời điểm không thể khai thác vì dịch Covid-19 đang có xu hướng tiếp tục lan rộng. “Vấn đề duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm đời sống của gần 20 nghìn lao động không còn là chuyện riêng của VNA mà là câu chuyện của hàng không thế giới vì nhiều hãng lớn khác cũng gặp khó khăn. Tại thời điểm này, toàn bộ hệ thống đang phải đưa ra những giải pháp chưa từng có tiền lệ. Ngay cả việc thuê máy bay, VNA chủ động đề nghị đưa ra phương án giảm gần 50 chiếc vẫn được đối tác chấp thuận vì không có khách. Đi đôi với việc cắt giảm công suất, hãng bắt đầu thực hiện chế độ nghỉ phép không lương đối với phi công nước ngoài trong thời hạn ba tuần, các bộ phận khác đang lên kế hoạch nghỉ luân phiên hai đến ba tuần. Lãnh đạo cấp cao của VNA đã giảm 40% lương và thậm chí sắp tới cũng sẽ nghỉ không lương luân phiên”, ông Thành cho biết. Theo đánh giá của VNA, dịch Covid-19 đã kéo lùi sự phát triển của ngành hàng không ba đến bốn năm và những gì tích lũy được trong bốn đến 5 năm tăng trưởng cao vừa qua sẽ về con số không. Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Vũ Thế Phiệt khẳng định, hãng hàng không thiệt hại một thì ACV thiệt hại gấp 1,5 lần vì ảnh hưởng đến toàn bộ dịch vụ qua cảng. Năm 2020, dự báo sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt khoảng 127 triệu lượt, tăng 10% so năm 2019 nhưng cập nhật đến hết tháng 2, ACV dự báo khách nội địa giảm khoảng 20 triệu lượt, khách quốc tế giảm 25 triệu lượt. Do đó, tổng lợi nhuận của ACV có thể chỉ đạt 1.500 tỷ đồng so với mức kế hoạch hơn 11 nghìn tỷ đồng, giảm 80%.

Nguy cơ dừng sản xuất

Khối DN sản xuất, nhất là DN nhỏ và vừa cũng phải hứng chịu phong ba từ Covid-19. Sau vụ cháy xảy ra cuối tháng 3-2018, Công ty Vina Korea (DN sản xuất hàng dệt may ở Khu công nghiệp Khai Quang, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đã phải mất rất nhiều thời gian, chi phí đầu tư xây dựng lại nhà xưởng, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống người lao động. Thế nhưng, dịch Covid-19 ập tới, kéo đổ tất cả nỗ lực của DN này trong hơn một năm qua. Tổng Giám đốc Công ty Vina Korea Kim Sun Sốc cho biết, công ty đang phải “gồng mình” vừa chống chọi với dịch bệnh, vừa lăn lộn ngược xuôi tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu mới. Tình hình sản xuất của công ty đã lâm vào đình trệ khi nguồn nguyên liệu dự trữ hiện chỉ còn đủ để cầm cự hoạt động trong vài ngày đầu tháng 3. Thậm chí, ngay cả khi Việt Nam và Trung Quốc thông thương bình thường trở lại, khả năng công ty vẫn khó tìm đủ nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất vì nguồn cung phía Trung Quốc hiện rất khan hiếm. Vina Korea đã quyết định tạm thời chuyển hướng nhập khẩu nguyên liệu từ Thái-lan và một số nước khác. “Mặc dù nguồn nguyên liệu nhập từ Thái-lan tăng giá từ 10 đến 20%, song công ty chấp nhận giảm lợi nhuận để duy trì hoạt động sản xuất, đáp ứng kịp các đơn hàng của đối tác”, bà Kim Sun Sốc chia sẻ. Cũng lâm vào tình trạng cạn kiệt NPL phục vụ sản xuất, nhưng việc tìm kiếm nguồn cung mới đối với những DN sản xuất trong các lĩnh vực khác như điện tử, ô-tô,... khó khăn hơn nhiều. Theo giám đốc một công ty sản xuất linh kiện điện tử, công ty này vẫn chưa thể tìm được phương án thay thế nguồn hàng NPL nhập khẩu, bởi đây là linh kiện sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác, công nghệ cao, được sản xuất theo đơn đặt hàng cho nên cần có thời gian chuẩn bị khuôn mẫu trước. Trong khi đó, dây chuyền sản xuất của công ty chỉ cần thiếu một linh phụ kiện hay chi tiết nhỏ cũng phải dừng cả dây chuyền. Hiện công ty chỉ còn đủ NPL để “cầm cự” sản xuất cho đến hết quý I và nếu không tìm được nguồn thay thế, rất có thể sẽ phải đóng cửa nhà máy.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp NPL, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản; trong đó, ngành hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là điện - điện tử. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng linh kiện điện tử trị giá khoảng 40 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc 16,8 tỷ USD (chiếm 42%), từ Trung Quốc 13,8 tỷ USD (chiếm 34%), từ Nhật Bản 1,7 tỷ USD (chiếm 4,2%). Theo báo cáo từ các DN, hiệp hội, các DN điện tử chỉ còn lượng linh kiện đủ cho sản xuất đến giữa hoặc cuối tháng 3. Dệt may và da giày, túi xách cũng là những ngành phải hứng chịu hậu quả từ việc chuỗi cung ứng tạm thời bị “đứt gãy”. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 1,32 tỷ USD xơ sợi (chiếm 57,39% tổng lượng nhập khẩu); 7,73 tỷ USD vải (60,91%) và 2,45 tỷ USD NPL dệt may, da giày (43,67%); nhập khẩu từ Hàn Quốc là 2,02 tỷ USD vải (15,91%) và 710 triệu USD NPL dệt may, da giày (12,65%). Hiện nay, phần lớn các DN ngành dệt may, da giày chỉ dự trữ NPL tới hết tháng 3 hoặc cùng lắm đến đầu tháng 4 tới. Do đó, khả năng nhiều DN phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn. Đáng chú ý, sản xuất ô-tô tải hiện phụ thuộc hơn 70% linh phụ kiện từ Trung Quốc. Các dòng xe du lịch có linh kiện được nhập khẩu từ nhiều quốc gia để lắp ráp (Ấn Độ, các quốc gia Đông - Nam Á,...), tuy nhiên những quốc gia này hoặc đang bùng phát dịch bệnh hoặc vẫn phải phụ thuộc vào nguồn NPL từ Trung Quốc để sản xuất linh kiện xuất khẩu sang Việt Nam. Dự kiến đến cuối quý I-2020, các DN sản xuất, lắp ráp ô-tô sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh phụ kiện phục vụ sản xuất. Nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn có nhà máy sản xuất tại Việt Nam dù sở hữu chuỗi cung ứng hùng hậu rộng khắp toàn cầu, cũng chới với trước khó khăn về nguồn NPL. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, hai công ty mang lại nguồn thu lớn về ngân sách cho tỉnh là Toyota và Honda chỉ đủ nguồn NPL đến hết quý I. Trường hợp nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát sớm, không tìm ra nguồn cung thay thế, có thể các đơn vị sẽ tạm thời phải giảm sản xuất, lắp ráp và chuyển hướng sang nhập khẩu xe nguyên chiếc về thông qua các công ty ở nước ngoài.

(Còn nữa)

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chỉ tiêu tăng trưởng của công nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình khống chế dịch bệnh. Trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý I-2020, dự kiến giá trị gia tăng ngành công nghiệp chỉ tăng 5,18% so cùng kỳ năm 2019; trong đó, ngành chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các ngành công nghiệp chỉ tăng 6,28% trong quý I (so với dự kiến 10,47% trước đây). Trường hợp dịch bệnh kết thúc cuối quý II-2020, dự kiến giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong quý II tăng 5,33% so cùng kỳ; trong đó, ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 6,23% (so dự kiến là 11,21%).