Điều chỉnh phí qua trạm BOT hầm Bắc Hải Vân

NDO -

NDĐT - Ngày 21-9, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết, từ ngày 27-9 tới, nhà đầu tư sẽ điều chỉnh mức phí dịch vụ hầm đường bộ qua Trạm thu phí BOT hầm Bắc Hải Vân. Mặc dù được phép điều chỉnh mức thu phí từ tháng 3 vừa qua nhưng nhà đầu tư dự án đã quyết định lùi đến cuối tháng 9 mới thực hiện và đề xuất mức thu phí thấp hơn mức quy định cho phép tại hợp đồng dự án.

Điều chỉnh phí qua trạm BOT hầm Bắc Hải Vân

Mức thu thấp hơn quy định

Đây là trạm thu phí nằm trên quốc lộ 1 ở phía bắc hầm đường bộ qua đèo Hải Vân thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cụ thể, mức phí thấp nhất cho xe ô-tô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn và xe buýt là 70 nghìn đồng/lượt (loại I). Xe ô-tô từ 12 chỗ đến 30 chỗ, xe tải từ 2 đến 4 tấn có mức phí 90 nghìn đồng/lượt. Xe ô-tô từ 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4 đến 10 tấn mức phí là 140 nghìn đồng/lượt. Mức phí của xe tải từ 10 đến 18 tấn, xe container 20 feet là 180 nghìn đồng/lượt. Xe tải từ 18 tấn trở lên, xe container 40 feet mức phí là 240 nghìn đồng/lượt.

Mới đây, tại công văn số 8543/BGTVT-ĐTCT về nội dung điều chỉnh mức thu phí dịch vụ sử dụng trạm thu phí Bắc Hải Vân, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho hay, theo hợp đồng số ký ngày 13-3-2019 giữa Bộ GTVT với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án thì Trạm thu phí Bắc Hải Vân thu phí hoàn vốn cho hầm đường bộ Hải Vân và hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia với mức thu phí giai đoạn 2019 – 2020 mỗi lượt là 90 nghìn đồng/xe loại 1. Bộ GTVT cho rằng, mức thu này phù hợp theo Thông tư 60/TT-BGTVT (Thông tư 60) ban hành ngày 21-12-2018.

Tuy nhiên, ngày 22-8, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã gửi văn bản tới Bộ GTVT đề xuất mức thu mỗi lượt là 70 nghìn đồng/xe loại 1, từ ngày 27-9. Bộ GTVT nhận định mức phí trên thấp hơn mức phí quy định tại hợp đồng dự án và người dân có quyền lựa chọn.

Nói về lý do đề xuất mức thu phí thấp hơn quy định, ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết: “Nhà đầu tư cân nhắc mức thu phí dịch vụ để hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân”.

Trên thực tế, từ ngày 1-1-2016, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả tiếp nhận và chịu trách nhiệm chi trả chi phí quản lý, vận hành hầm Hải Vân, theo phương án ký kết với với Bộ GTVT, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 dự án sửa chữa nâng cấp hầm Hải Vân 1 và sửa chữa, cải tạo mặt đường 25 km trên tuyến đường đèo vào tháng 8-2017 thì công ty được đặt trạm thu phí Nam Hải Vân để hoàn vốn.

Nhưng do trạm thu phí dự kiến này chỉ cách trạm thu phí Bắc Hải Vân khoảng 12 km, không bảo đảm quy định nên Bộ GTVT đã quyết định bỏ trạm thu phí Nam Hải Vân. Đồng thời, Bộ quyết định cho thu gộp phí của dự án trên vào trạm Bắc Hải Vân.

Việc thu gộp này lại ưu tiên hoàn vốn 19 năm cho hầm Phước Tượng - Phú Gia theo quyết định của Bộ GTVT (tháng 6-2018) vì vậy mỗi năm Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả chỉ được phân bổ từ việc thu phí của trạm Bắc Hải Vân. Với việc không cho đặt trạm thu phí mà chỉ sử dụng nguồn tiền phân bổ khiến công ty không đủ nguồn thu để chi trả kinh phí vận hành. Công ty đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT xem xét, có hướng tháo gỡ.

Hài hòa lợi ích người dân – doanh nghiệp

Việc một thời gian dài thu phí hoàn vốn cho dự án với mức giá được áp dụng theo Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT (Thông tư 35) của Bộ GTVT quy định về mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ, nhà đầu tư đã phải huy động nguồn lực tự thân để duy trì vận hành các hầm. Đồng thời, người dân có quyền lựa chọn trả phí để rút ngắn thời gian, bảo đảm an toàn khi đi qua hầm hoặc đi qua đường đèo không mất phí.

Mức phí áp dụng cho hầm theo thông tư này chưa hợp lý bởi giá vé được thu ngang bằng mức phí cầu và đường bộ, trong khi hầm đường bộ là công trình có tổng vốn đầu tư rất lớn, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hoàn vốn trong thời gian dài.

Từ năm 2017, Bộ GTVT cho biết cũng đã nhận thức được chênh lệch trong suất đầu tư hầm và đường, do đó đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu điều chỉnh Thông tư 35 để ban hành khung mức giá dịch vụ phù hợp với tính chất đặc thù của công trình hầm.

Mặc dù, ngày 4-3-2019, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh phương án tài chính Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm Đèo Cả và hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân), mức phí thu tại trạm Bắc Hải Vân được điều chỉnh theo Thông tư 60 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 35 nhưng nhà đầu tư đã lùi thời điểm đến cuối tháng 9 là một nỗ lực rất lớn để hài hòa giữa lợi ích và quyền lợi người dân - doanh nghiệp.

Xí nghiệp vận hành hầm Hải Vân cho biết, công trình hầm Hải Vân sau khi đi vào hoạt động từ năm 2005 đến nay đã đón gần 29 triệu lượt xe qua hầm, góp phần rất lớn vào sự thông thương hàng hóa, giảm thiểu tai nạn, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, kinh tế của cả nước. Không những thế, công trình hầm này còn đem lại những lợi ích về xã hội, góp phần bảo vệ môi trường mà khó có thể lượng hóa cụ thể được.

Bên cạnh đó, dự án mở rộng hầm lánh nạn Hầm đường bộ Hải Vân thành hầm chính với tổng chiều dài hơn 12,6 km, trong đó, đường dẫn phía bắc (nằm ở thị trấn Lăng Cô) dài 2,1 km, đường dẫn phía nam (nằm ở phường Hòa Hiệp Bắc) dài 4,3 km, đường hầm dài hơn 6,2 km, với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng sẽ thông xe vào tháng 10-2019 và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2020.