Đẩy mạnh giao thương Việt Nam - LB Nga

NDO -

Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến trao đổi hàng hóa toàn cầu gặp khó khăn, việc tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và LB Nga được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng. Các doanh nghiệp hai bên bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ kinh doanh một cách thực chất, hiệu quả. 

Giới chức CH Udmurtia (LB Nga) giới thiệu về địa phương của mình.
Giới chức CH Udmurtia (LB Nga) giới thiệu về địa phương của mình.

Triển vọng song phương

Ngày 27-11, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương Việt Nam), Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga phối hợp CH Udmurtia (LB Nga), Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam, Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nghiệp Nga hợp tác với châu Á, đã tổ chức Hội thảo trực tuyến đối thoại doanh nghiệp Việt Nam và CH Udmurtia.

Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Vũ Bá Phú tiếp tục khẳng định, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và LB Nga, gồm CH Udmurtia có bước phát triển vượt bậc. Năm 2019, kim ngạch trao đổi hàng hóa Việt Nam - LB Nga đạt 4,5 tỷ USD. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 23 của Nga, đứng đầu trong khối ASEAN và thứ sáu trong số các nền kinh tế APEC.

Ông Vũ Bá Phú khẳng định, trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến trao đổi hàng hóa toàn cầu gặp nhiều khó khăn, việc tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và LB Nga nói chung, CH Udmurtia nói riêng là nhiệm vụ quan trọng. Cục trưởng Vũ Bá Phú nhấn mạnh, Bộ Công thương Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại sẵn sàng hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp LB Nga và CH Udmurtia mở rộng quan hệ hợp tác, kinh doanh và đầu tư vào Việt Nam.

Về phía Nga, mở đầu bài phát biểu, người đứng đầu CH Udmurtia, ông Alexander Brechalov khẳng định, hai nước LB Nga và Việt Nam còn nhiều cơ hội gia tăng kim ngạch thương mại. Số lượng các doanh nghiệp hai bên hợp tác với nhau hiện còn “khiêm tốn”.

Ông Alexander Brechalov tích cực kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào CH Udmurtia, địa phương có thế mạnh về cả công nghiệp lẫn nông nghiệp, giao thông thuận tiện.

Cụ thể, về công nghiệp, ông Alexander Brechalov nhấn mạnh, các nhà đầu tư có thể thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực chế tạo máy gia công kim loại, các thiết bị, cảm biến cho thành phố thông minh, trang thiết bị y tế, sơn và chất phủ công nghiệp, máy bơm và máy nén, thiết bị điện kỹ thuật số, thiết bị viễn thông, thức ăn gia súc…

Bên cạnh đó, nông nghiệp CH Udmurtia cũng phát triển, với nhiều khu sản xuất nông nghiệp nổi bật. Đại diện chính quyền CH Udmurtia khẳng định, các sản phẩm nông nghiệp của nước cộng hòa được đánh giá cao, như khoai tây, sữa… CH Udmurtia cũng có nhiều chính sách ưu đãi, nhất là liên quan thuế, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, CH Udmurtia cũng có truyền thống văn hóa đặc sắc.

Cần tiếp tục thúc đẩy giao thương

Tại hội thảo, các đại biểu cho biết, nhiều năm qua, CH Udmurtia và Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác thương mại, song số lượng các công ty tham gia vào thị trường của nhau còn rất hạn chế. Điều này do nhiều nguyên nhân.

Theo ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại LB Nga, dù các mặt hàng xuất nhập khẩu chính của Việt Nam và LB Nga được mở rộng và đa dạng (giai đoạn 10 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại hai nước đạt 4,1 tỷ USD, tăng khoảng 8% so cùng kỳ năm 2019), song trong quan hệ thương mại hai nước còn nhiều khó khăn cần khắc phục.

Cụ thể, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) chính thức có hiệu lực từ tháng 10-2016, tuy nhiên, giới doanh nghiệp hai nước vẫn chưa tận dụng hết ưu đãi thuế quan của hiệp định. Ông Dương Hoàng Minh nhấn mạnh, các cơ quan có thẩm quyền hai nước cần tiếp tục phổ biến đến giới doanh nghiệp thông tin và những lợi ích mà hiệp định mang lại, cũng như hỗ trợ các công ty giải quyết vướng mắc, khó khăn nảy sinh trong giao thương.

Cũng theo ông Dương Hoàng Minh, các rào cản phi thuế quan như thủ tục hành chính, hải quan, yêu cầu kiểm dịch thực vật… ảnh hưởng không nhỏ đến việc tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga. Hai nước cần tăng số lượng doanh nghiệp có quyền xuất khẩu nông sản sang thị trường hai bên. 

Đẩy mạnh giao thương Việt Nam - LB Nga -0
Đại diện CH Udmurtia giới thiệu về tiềm năng nông nghiệp. 

Một khó khăn nữa đó là doanh nghiệp hai nước vẫn chưa có đủ thông tin về thị trường của nhau, do đó, giải pháp mà ông Dương Hoàng Minh đề xuất là các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Nga, tích cực tham gia triển lãm, hội chợ tại Việt Nam để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác, thiết lập quan hệ kinh doanh.

Cũng tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và CH Udmurtia tích cực thảo luận về các giải pháp, nhằm mang lại cơ hội hợp tác một cách thực chất và hiệu quả. Một số doanh nghiệp Việt Nam khẳng định, là địa phương có nền nông nghiệp phát triển, CH Udmurtia có thể xem xét xuất khẩu thịt bò, thịt gà vào Việt Nam. Đây là những sản phẩm thị trường Việt Nam có nhu cầu cao.

Về mặt nguyên liệu cho công nghiệp, đại diện doanh nghiệp cho hay, Việt Nam có nhu cầu cao nhập khẩu các loại kim loại đen, cũng như kim loại mầu… Đây là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp hai nước kết nối, trao đổi cơ hội làm ăn.

Với tiềm năng hợp tác “dồi dào” giữa hai nước Việt Nam và LB Nga, đại diện chính quyền và các cơ quan hai bên kỳ vọng, thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ chủ động tìm hiểu thị trường của nhau, mạnh dạn kết nối đầu tư, trong bối cảnh giới chức hai nước nhiều lần khẳng định tạo mọi điều kiện để các công ty hai bên triển khai các dự án hợp tác.

CH Udmurtia (LB Nga) nằm cách thành phố Moscow khoảng 1.200 km về phía đông. Công nghiệp là lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Udmurtia; sản xuất thiết bị cho nhà máy điện hạt nhân, hệ thống viễn thông, thiết bị y tế, thiết bị dầu khí, chế biến gỗ… CH Udmurtia có nhiều tài nguyên thiên nhiên, trong đó quan trọng nhất là dầu, than đá, than bùn và vật liệu xây dựng…

Ngành nông nghiệp CH Udmurtia cũng phát triển. Các sản phẩm thực phẩm từ Udmurtia được xuất khẩu tới hơn 60 khu vực của Nga và nước ngoài. CH Udmurtia có đầy đủ các loại hình giao thông liên kết với các khu vực khác của Nga, gồm đường sắt, đường bộ, đường sông.