Đầm Hà phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Với lợi thế giáp biển, địa hình đất đai nhiều vị trí bằng phẳng, diện tích đất rừng lớn, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) hội tụ nhiều yếu tố để phát triển nông, lâm, thủy sản. Những năm gần đây, huyện Đầm Hà đang đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; triển khai áp dụng các kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, với mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Thu hoạch dưa lưới trồng theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh).
Thu hoạch dưa lưới trồng theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh).

Năm 2017, Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Đầm Hà đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng thuê lại hơn 5 ha đất nông nghiệp tại xã Quảng Tân để xây dựng trang trại trồng rau thủy canh, dưa lưới các loại theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Sau khi hệ thống nhà màng đầu tiên rộng 6.000 m2 được lắp đặt xong, công ty đã lựa chọn trồng thử dưa chuột, dưa lưới theo công nghệ VietGAP, bước đầu cho thu hoạch sản lượng hơn 20 tấn. Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Đầm Hà Nguyễn Hữu Nhượng cho biết: Toàn bộ quy trình trồng và chăm sóc đều được giám sát chặt chẽ, ghi đầy đủ hồ sơ ngày tháng trồng, ngày tưới, tình hình sâu bệnh. Hiện nay, thương hiệu rau sạch Quảng Tân đã đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm VietGAP. Để đáp ứng nhu cầu cung cấp rau sạch cho thị trường, chúng tôi đang lắp đặt thêm 4.000 m2 nhà màng. Dự kiến đến cuối năm 2019, tổng diện tích nhà màng sẽ đạt gần 18.000 m2; dưa có thể trồng quanh năm gối vụ đạt sản lượng 100 tấn/năm. Sắp tới công ty sẽ trồng xen canh thêm một số loại rau thủy canh như xà lách, cải xanh, rau muống và cây sung Mỹ.

Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Đầm Hà đang ấp ủ ý tưởng phát triển mô hình rau sạch ở xã Quảng Tân theo hướng đón khách du lịch đến tận vườn, trực tiếp trồng, chăm sóc, thu hái sản phẩm. Mục tiêu của ý tưởng này là để du khách có thể khám phá những trải nghiệm thú vị về quy trình trồng và chăm sóc các loại dưa lưới, rau thủy canh. Dự kiến đầu năm 2020, ý tưởng mở tua du lịch thăm nhà vườn sẽ bắt đầu triển khai.

Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà Trần Việt Dũng cho biết: Điểm nhấn của mô hình rau sạch Quảng Tân là doanh nghiệp đã liên kết, thuê lại đất của các hộ dân, sau đó nông dân trở thành những công nhân lao động thuê trên chính thửa ruộng của mình với mức thu nhập ổn định năm triệu đồng/người/tháng. Thành công của mô hình này mở hướng đi mới cho ngành nông nghiệp huyện Đầm Hà. Dự kiến sắp tới, huyện sẽ vận động một số hộ dân và doanh nghiệp nhân rộng khoảng 10 ha diện tích nhà màng trồng dưa lưới các loại.

Không chỉ dừng lại ở việc phát triển các mô hình nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao, huyện Đầm Hà còn chú trọng phát triển các sản phẩm truyền thống gắn với ứng dụng kỹ thuật chăm sóc tiên tiến, hiện đại đối với các mô hình chăn nuôi gia cầm và thủy sản. Điển hình là Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Hiền Tuyền đầu tư chăn nuôi gia cầm với giống gà bản Đầm Hà, xây dựng cơ sở sản xuất giống gà bản Đầm Hà bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Hiện nay hợp tác xã duy trì đàn gà giống bố, mẹ hơn 1.000 con, hằng năm xuất bán ra thị trường 100 nghìn gà con giống cho các trang trại, gia trại và 130 tấn gà thương phẩm cho các nhà hàng, cửa hàng thực phẩm sạch và các siêu thị trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, hợp tác xã sẽ mở rộng sản xuất giống với quy mô 3.000 gà giống bố mẹ, sản xuất 300 nghìn con giống/năm. Công ty cổ phần Thủy sản Việt Úc cũng đã đầu tư Dự án sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính, quy mô 187,8 ha, công suất tám tỷ con giống/năm, năng suất nuôi tôm thương phẩm khoảng từ 100 đến 300 tấn/ha mặt nước nuôi/năm tương đương 5.800 đến 17.400 tấn/năm. Hiện nay, doanh nghiệp đã hoàn thiện xong 14 trại giống, một nhà xử lý nước cung cấp cho các khu sản xuất giống; đã cung cấp ra thị trường hơn 160 triệu con tôm giống, dự kiến năm 2019 sản xuất 500 triệu con giống.

Huyện Đầm Hà đang tiếp tục thu hút đầu tư các dự án như: chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Dực Yên, của Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thái Bình Dương với công suất đàn lợn nái 2.400 con/năm; nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn FLC tại xã Tân Bình và xã Quảng Lâm với diện tích khoảng 545 ha, khu vực xã Dực Yên và xã Quảng An với diện tích khoảng 688 ha nhằm hình thành vùng sản xuất nông nghiệp sạch, tập trung cho xuất khẩu...

Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà Trần Việt Dũng chia sẻ: Thời gian tới, bên cạnh việc nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tương lai, từng bước nâng cao thu nhập từ nông nghiệp sạch cho người dân trên địa bàn.