“Cú đấm thép” đang mất uy lực?

Ðầu năm 2020, khi Nghị định 100/2019/NÐ-CP (gọi tắt là Nghị định 100) có hiệu lực thi hành, cùng kế hoạch tổng kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn triển khai toàn diện trên phạm vi cả nước đã mang lại hiệu ứng tích cực, được ví như “cú đấm thép” nhằm loại trừ tình trạng say xỉn mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vấn đề gây nhức nhối trong xã hội thời gian dài vừa qua. Tuy nhiên, sau khi trở lại nhịp sống bình thường sau dịch Covid-19, “cú đấm thép” này dường như đang mất uy lực...

Lực lượng chức năng TP Cần Thơ phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân về Nghị định 100/2019/NÐ-CP.
Lực lượng chức năng TP Cần Thơ phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân về Nghị định 100/2019/NÐ-CP.

“Bỏ quên” Nghị định 100

Ðêm 26-6 vừa qua, trên một diễn đàn mạng xã hội về ô-tô đã đăng tải một đoạn phim cảnh lái xe ô-tô BKS 30E-042.41 không làm chủ được tay lái, tông vào một xe máy đi cùng chiều tại khu vực gần nút giao Bà Triệu - Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ðiều đáng nói, lái xe có biểu hiện say xỉn, sau khi gây tai nạn giao thông (TNGT) vẫn ngồi yên trong xe và... lim dim ngủ. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để giải quyết sự việc. Tuy nhiên, bất chấp sự vận động của CSGT và người dân chung quanh, người lái xe này vẫn kiên quyết không hợp tác, đóng chặt cửa cố thủ trong xe và liên tục uống nước. Trước đó không lâu, trên mạng xã hội cũng lan truyền thông tin và hình ảnh về một vụ TNGT giữa ô-tô BKS 35A-166.56 và một xe máy xảy ra trên đường Ðinh Tiên Hoàng (TP Ninh Bình) tối 20-6, khiến ba người bị thương nặng phải nhập viện (trong đó có một trẻ em). Theo thông tin ban đầu, người điều khiển ô-tô là một cán bộ đang công tác tại Trung tâm sát hạch lái xe thuộc Sở GTVT tỉnh Ninh Bình. Theo lời nhiều người dân chứng kiến sự việc cho biết, vị cán bộ này có biểu hiện uống rượu say xỉn, điều khiển ô-tô đi ngược chiều trên đường gây tai nạn.

Sau nhiều ngày tạm dừng hoạt động kinh doanh để phòng, chống dịch Covid-19, hiện nay, hầu hết hàng quán trên cả nước đã hoạt động trở lại. Những ngày cao điểm nắng nóng này, cũng là lúc chiều chiều người dân đổ ra các quán bia uống thả giàn, quên bẵng Nghị định 100 với mức phạt vi phạm rất cao. Theo ghi nhận, những địa điểm ăn uống, bia hơi trên địa bàn TP Hà Nội, trong khoảng thời gian từ 19 đến 22 giờ luôn chật kín. Phần lớn mọi người đều tự đi xe máy, ô-tô của mình đến quán... Ðiều đáng nói, sau khi uống rượu, bia, dù có biểu hiện say xỉn, nhưng nhiều người vẫn loạng choạng ra xe, tự điều khiển xe về nhà. Chủ quán hay nhân viên cũng không hướng dẫn, gọi ta-xi, xe ôm cho khách như khi Nghị định 100 mới có hiệu lực. Khi được hỏi, anh Nguyễn Ngọc Long, thực khách của quán bia Lan Chín ngẩn người: “Ờ, vấn đề này trước đây tôi cũng nắm rõ và cũng có phần e ngại đấy. Nhưng thú thật, từ sau khi hết giãn cách xã hội và thời tiết nắng nóng, nhu cầu uống bia hơi của mọi người cao, và lâu cũng không thấy ai bị phạt, nên hầu hết dân nhậu bỏ lơ luôn Nghị định 100. Dù biết là uống rượu, bia rồi tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vi phạm, nhưng đành hên xui thôi”. Ở trong quán nhậu đi ra với khuôn mặt đỏ phừng phừng vì đã uống rượu với nhóm bạn, nhưng anh Trần Văn Bình, một công nhân lao động tự do ở quận Long Biên (Hà Nội) vẫn khẳng định, anh chỉ uống vài ly cho nên vẫn đủ tỉnh táo lái xe về nhà. Khi được hỏi có sợ bị công an phạt không, anh nói phải có cách để né, biết đoạn nào công an thường xuyên đứng thì tránh, đi vào các ngõ nhỏ, khu dân cư.

Cần “hâm nóng” trở lại

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 13-6 trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Quốc hội tỉnh Long An) nhấn mạnh, hiện nay đã đến thời điểm cần phải “hâm nóng” trở lại Nghị định 100. Bởi nếu không ngăn chặn sớm, nhiều người dân nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là Nghị định 100, các hành vi lạm dụng bia, rượu, say xỉn điều khiển phương tiện giao thông,... sẽ phổ biến trở lại. Theo đại biểu Dung, Nghị định 100 không cấm uống rượu, bia, nhưng ngăn chặn triệt để việc uống xong rồi vẫn lái xe. Chính mức xử phạt nặng này đã có tác dụng hết sức tích cực, chỉ sau một thời gian ngắn áp dụng các biện pháp xử phạt, số vụ TNGT có chiều hướng giảm mạnh. Khi dịch Covid-19 bùng phát làm đảo lộn mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, do thực hiện giãn cách, người dân hạn chế tham gia giao thông cho nên việc xử phạt vi phạm có phần lơ là. Tuy nhiên, sau khi hoạt động trở lại bình thường, các quán xá trở nên đông đúc, dường như các lực lượng chức năng đã quên bẵng việc xử phạt người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) quốc gia đánh giá, thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, TNGT giảm rất sâu do nhu cầu đi lại giảm cho nên việc thực hiện Nghị định 100 không có vấn đề gì. Thực tế giai đoạn trước khi xảy ra dịch Covid-19, với những giải pháp quyết liệt, hiệu lực của Nghị định 100 rất rõ ràng, TNGT đã giảm sâu cả ba tiêu chí, không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan nồng độ cồn. Những năm trước đây, dịp lễ, Tết hoặc cao điểm, TNGT liên quan sử dụng rượu, bia hết sức nhức nhối. Ðiều này khẳng định việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và “cú đấm thép” Nghị định 100 đã đem lại hiệu quả tích cực, được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ. Nhưng khi cả nước trở lại nhịp sống thường ngày, vấn nạn “ma men sau tay lái” lại diễn biến phức tạp, khó lường. Dường như không còn ai e ngại, đắn đo trước khi nâng chén. Phải chăng “cú đấm thép” giờ đây đã không còn đủ uy lực phát huy tác dụng? “Hiện nay, các hoạt động dịch vụ xã hội đã trở lại bình thường, theo tôi lúc này các lực lượng chức năng cần siết chặt việc thực hiện Nghị định 100, bảo đảm hiệu lực của chính sách trong cuộc sống”, TS Trần Hữu Minh kiến nghị.

Việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 là chủ trương đúng đắn, cần được thực hiện xuyên suốt, lâu dài chứ không chỉ làm theo chương trình cao điểm rồi lại im ắng. Ðể tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ Công an đã triển khai cả chiều rộng và chiều sâu, không có điểm dừng, nhằm quyết tâm thực hiện nghiêm Nghị định 100. Ủy ban ATGT quốc gia cũng đang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và địa phương yêu cầu lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến TNGT, nhất là vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ,... kiên quyết xử lý, kể cả đối với khách du lịch và người nước ngoài. Ðể đấu tranh với vấn nạn lạm dụng rượu, bia, ngoài chế tài đủ mạnh, cần có sự vào cuộc quyết liệt, toàn diện của cả hệ thống chính trị. Mục tiêu cuối cùng mà chính sách này hướng tới không phải tìm để xử phạt “ma men” trên đường mà hình thành ý thức trong mỗi người, biết cân nhắc trước khi uống rượu, bia, để những vi phạm không có cơ hội hình thành, đó mới là thắng lợi toàn diện.